Gỡ “bom nước” cứu dân

29/11/2010 20:19 GMT+7

Những con người quả cảm của Tiểu đoàn Bộ binh 2 đã quyết tử với “giặc lũ” để giải cứu đập Hố Hô trước nguy cơ bị vỡ.

Lũ ồ ạt đổ về hồ chứa, nước cuồn cuộn tràn lên thân đập. Mưa trút xối xả. Trời tối đen như mực. Điện mất. Vô số cây gỗ theo lũ trôi về, án ngữ ngay trước các cửa xả thủy điện khiến các cửa này trở nên vô hiệu. Tình thế trở nên quá nguy cấp vì thảm họa sẽ xảy ra nếu vỡ đập…

Đó là đêm “hãi hùng” 3.10 của hồ chứa thủy điện Hố Hô (nằm giáp ranh giữa hai huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình và Hương Khê - Hà Tĩnh). Lượng nước ước đoán lúc chiều đã lên tới hơn 40 triệu m3, vượt quá xa so với sức chứa của hồ, trong khi hệ thống vận hành cửa xả tràn đã bị tê liệt hoàn toàn do mất điện. Bằng mọi giá phải giải cứu cửa xả để giải phóng nước lũ, vì nếu vỡ đập, tính mạng của hàng ngàn hộ dân đang sống ngay dưới “quả bom nước” khổng lồ này sẽ bị đe dọa. Trách nhiệm nặng nề này được đặt lên vai chỉ huy và chiến sĩ Tiểu đoàn Bộ binh 2, Trung đoàn 841, thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh. Suốt đêm hôm ấy và cả ngày hôm sau, những con người quả cảm của Tiểu đoàn Bộ binh 2 đã quyết tử với “giặc lũ”.

Trung tá Nguyễn Đức Bình - Trưởng ban Tuyên huấn Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh, nhớ lại: “Mọi con đường đều bị chia cắt. Khi đến nơi, cảnh tượng trước mắt chúng tôi lúc đó thật khủng khiếp. Nước cuồn cuộn tràn lên thân đập. Gỗ, củi khô, rác rưởi ngổn ngang, chồng chất vì vướng thành lan can trên đập và cửa đập”.

Đó là một đêm khủng khiếp..., chúng tôi nhận định, nếu không hành động kịp thời hoặc để sai sót sẽ xảy ra thảm họa khôn lường.

Đại tá Nguyễn Đức Tới

Còn đại tá Nguyễn Đức Tới - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh, nói: “Đó là một đêm khủng khiếp. Có khoảng 1.000m3 gỗ mắc kẹt dưới cửa xả của thủy điện, khiến các cửa xả không thể hoạt động. Tình thế lúc đó cũng nguy cấp như nhà đang cháy cần phải chữa cháy gấp. Lúc đó, chúng tôi nhận định, nếu không hành động kịp thời hoặc để sai sót sẽ xảy ra thảm họa khôn lường”.

Chiến dịch giải cứu

Có hai phương án tối ưu được đưa ra tại cuộc họp khẩn đêm hôm đó: Dùng một khối lượng lớn thuốc nổ để phá cửa đập hoặc dùng sức người di chuyển lượng gỗ lên bờ để giải phóng cho cửa xả. Cân nhắc kỹ, các thành viên đã bác phương án dùng thuốc nổ vì xác định sẽ gây thiệt hại nặng về kinh tế và có thể nước sẽ bung ra cùng lúc, gây ngập lớn cho hạ du.

Cuối cùng, phương án dùng sức người để giải vây số lượng gỗ đang bịt cửa xả đã được tán thành. 70 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Bộ binh 2 được phân công thực thi nhiệm vụ khó khăn này. Lúc đó là 23 giờ 30 đêm 3.10. Những ánh đèn pin loang loáng trong đêm. Mưa vẫn xối xả. Nước chảy cuồn cuộn. Không một máy móc nào có thể đưa tới để hỗ trợ trong lúc này. Các chiến sĩ nhảy xuống nước, ngụp lặn trong dòng nước xiết để buộc chặt dây vào các khúc cây. Những người còn lại ở trên bờ dùng sức kéo lên. Những cây gỗ còn nguyên cả rễ, cành...

Song song với việc vớt gỗ, một lực lượng khác dùng kích và dây cáp nâng cửa xả lũ lên để xả nước. 70 người lầm lũi suốt đêm cho đến khi trời sáng tỏ. Nhưng lũ vẫn tiếp tục mang theo gỗ mới đổ về đe dọa con đập. Đại tá Nguyễn Đức Tới ra lệnh cho anh em thay nhau nghỉ ngơi, tiếp năng lượng bằng lương khô và mì tôm mang theo rồi lại tiếp tục “chiến đấu”.

Đến khi các cửa xả được nâng lên cao, nước bên kia thượng nguồn bắt đầu hạ dần, xuống mức kiểm soát an toàn “chiến dịch giải cứu” mới được tuyên bố kết thúc. Lúc đó kim đồng hồ đã chỉ sang 13 giờ ngày 4.10. 

Như một con cá kình…

“Con biết không, bố nhớ như in hình ảnh 3 chiến sĩ do chú Trần Hữu Duyệt (bạn bố) phụ trách. Nhanh như một con cá kình, 3 chú ấy đã lao mình xuống dòng nước hung dữ để lôi một cây gỗ to mà hai người ôm không xuể đang mắc kẹt trong thanh nâng cửa xả. Lúc đó, giọng chú Quyết khản đi trong làn mưa to, gió lớn – Báo cáo thủ trưởng, hướng này 3 anh em sẽ cố gắng đảm nhiệm, đề nghị cử lực lượng chi viện cho hướng bên trái…”.

(trích nhật ký viết trong đêm mưa lũ của trung tá Nguyễn Đức Bình gửi con trai)

Trương Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.