Phim về thiên tai, thảm họa

29/11/2010 10:38 GMT+7

Thiên tai, thảm hoạ đề tài hấp dẫn của điện ảnh. Nội dung các phim phần nhiều dựa trên những sự kiện có thật, hay là chuyện viễn tưởng - như một lời cảnh báo cho nhân loại, đan xen vào đó là những câu chuyện ca ngợi vẻ đẹp của tình người trong hoạn nạn… Điện ảnh Việt hầu như vẫn trống trắng mảng phim này.

1. Có thể nói, lâu nay, Hollywood vẫn “đứng đầu bảng” về dòng phim thiên tai, thảm hoạ. Vài ba năm gần đây, Hàn Quốc bắt đầu khai phá dòng phim này, nổi bật nhất là phim bom tấn “Sóng thần ở Haeundae” (2009, Cty MegaStar phát hành tại VN). Mùa thu 2010, điện ảnh Trung Quốc khiến khán giả thế giới sửng sốt với phim “Đường Sơn đại địa chấn” (tên tiếng Anh là Aftershock, kịch bản dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trương Linh, đạo diễn Phùng Tiểu Cương) - bộ phim hiện có doanh thu cao nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc. Một tháng công chiếu ở VN, (từ 15.10-12.11), phim cũng lay động nhiều trái tim khán giả.

Xâu chuỗi những sự kiện diễn ra trong hai trận động đất kinh hoàng tại Trung Quốc - ở Đường Sơn (tỉnh Hồ Bắc) tháng 7.1976 và tại tỉnh Tứ Xuyên tháng 5.2008, ĐD Phùng Tiểu Cương quyết định lấy sức mạnh của tình yêu làm đề tài chủ đạo thay vì tập trung vào những người sống sót hay sự thay đổi của xã hội Trung Quốc trong vòng ba thập kỷ qua. Chọn yêu thương làm chủ đề của phim và cố gắng truyền đạt nó một cách chân thành nhất, những người làm phim đã không cuốn khán giả vào những hiệu ứng đặc biệt của phim, mà là những cảm xúc con người dành cho con người: Tình mẹ - con, tình vợ chồng,...

Tái hiện trận động đất, dựng lại bối cảnh Trung Quốc năm 1976 với nhiều sự kiện, ĐD Phùng Tiểu Cương đã mở cuộc họp báo, kêu gọi người dân Trung Quốc quyên góp những đồ vật của thời kỳ đó, dù nhỏ bé tới đâu. Hàng ngàn món đồ đã được gửi tới đoàn làm phim. Cả đoàn phim cảm kích, bởi những đạo cụ thực sự giúp họ nhập vai dễ dàng. Phần hoá trang cho các nhân vật cẩn thận, việc huy động 2.000 diễn viên quần chúng chủ yếu là người dân ở Đường Sơn tham gia vào phim cũng là những yếu tố khiến phim thêm thành công.

Ở mảng phim tài liệu, cũng khá nhiều phim về ô nhiễm môi trường của nước ngoài đủ sức kéo hàng ngàn khán giả đến rạp. Có những bộ phim thành công, khiến khán giả xúc động bởi phần nhiều được thể hiện dưới dạng như một phim truyện rất sinh động và liền mạch. Một ví dụ cụ thể như phim “Dòng nước dữ” của đôi vợ chồng Tia Lessin và Carl Deal. Phim đã được TLSQ Hoa Kỳ tại TPHCM giới thiệu với báo giới, những người làm phim trẻ TPHCM. Phim nằm trong danh sách 10 phim hay nhất trong năm 2008 của nhiều báo, tạp chí lớn của Hoa Kỳ, đoạt giải Gotham Independent cho “Phim tài liệu hay nhất năm 2009”. Phim đề cập tới số phận người dân ở thành phố New Orleans (Mỹ) trong, sau cơn bão Katrina (xảy ra năm 2005) với quan điểm chính là chỉ trích chính phủ của cựu Tổng thống G.Bush đã không ra tay kịp thời cứu giúp người dân trong thảm hoạ.

Giới thiệu phim với báo giới, bà Partricia D.Norland - Tuỳ viên văn hoá - TLSQ Hoa Kỳ tại TPHCM - cho biết: “Quan điểm làm phim của các tác giả hoàn toàn độc lập. Dù các quan điểm của phim không nhất thiết phản ánh quan điểm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng bộ vẫn tài trợ cho phim tham gia chương trình trao đổi văn hoá”.

Còn ĐD Carl Dean thì cho biết: Phim đã được chiếu tại 300 thành phố ở Hoa Kỳ, trên 2 kênh truyền hình lớn, đã được phát hành dưới dạng DVD... Tia Lessin và Carl Deal cho biết: “Chúng tôi quyết định phải tìm cách thể hiện riêng, vì về sự tàn phá của bão Katrina đã có quá nhiều phim tư liệu rồi. Chúng tôi chọn cách kể theo lối hơi giống một phim truyện. Thể hiện nhân vật người kể chuyện-chúng tôi chọn góc quay từ dưới hất lên để nhấn mạnh tiếng nói chính của nhân vật trong phim”. Phim được dựng dựa trên 15 phút phim tư liệu do Kimberly Rivers Roberts - một ca sĩ hát nhạc rap, người từng mua bán ma tuý, thực hiện một ngày trước cơn bão và ngay buổi sáng khi bão tràn vào, kết hợp với các bản tin thời sự, những thước phim thực hiện 2 năm sau khi bão Katrina đi qua,...

2. Ở ta, riêng ở mảng phim truyện, vài năm gần đây, liên quan đến đề tài môi trường, dưới một góc độ nhất định, có thể nhìn nhận, có phim “Mùa len trâu” - một ẩn dụ về nước, về môi trường sống. Tiếp đến, có thể kể tới “Rừng đen” của ĐD Vương Đức - một phim đề cập tới tác hại sự ô nhiễm của môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội. Cảnh chốt ở phim “Rừng đen” khá ấn tượng, là trận mưa đen - mang màu sắc tâm linh, như một lời cảnh báo “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, cũng vừa thể hiện thực tế - những trận mưa bụi đen sau nạn cháy rừng... ĐD Vương Đức nói: “Phim tài liệu đề tài môi trường của ta, theo tôi, có nhiều phim tốt. Phim truyện làm về đề tài này ở ta, thì khó ở chỗ kiếm được cốt truyện hay, quá trình sản xuất khá phức tạp, nguy hiểm so với việc làm phim mảng đề tài khác. Những người làm phim VN nhìn ra, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề thiên tai, thảm hoạ môi trường. Đầu tư làm phim về đề tài này cũng cần có những khoản ngân quỹ nhất định...”.

Đầu tháng 11 này, Viện Goethe Hà Nội phát động cuộc thi phim tài liệu dành cho các tác giả trẻ, có chủ đề: “Biến đổi khí hậu, biến đổi cuộc sống”. Bên cạnh đó, hiện thực, những thông tin thời sự về những trận lũ lụt, lở đất, lũ bùn... vừa qua ở nước ta sẽ là những nguồn tư liệu cần thiết, gợi ý cho các nhà làm phim Việt “gột” nên được câu chuyện có giá trị về đề tài môi trường...

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.