Hàng trăm công nhân khai thác than Zambia giận dữ tiến về phía cửa hầm số 3, luôn miệng gào thét và chửi rủa khi họ tiến gần những người quản lý Trung Quốc, vốn không biết cả tiếng Anh lẫn bản ngữ Tonga. Khi nhóm công nhân xô mạnh vào hàng rào, các ông chủ Trung Quốc càng lo sợ hơn và sau cùng 2 người đã nổ súng.
Những công nhân da đen cuống cuồng tìm chỗ trốn. Theo báo The New York Times, Boston Munakazela không biết mình trúng đạn cho đến khi anh gục xuống và thấy máu trên ngực và cánh tay mình. Wisborn Sumitombo, bị thương ở tay, chân và bụng, nhờ bạn kéo đến chỗ an toàn bên kia con đường đầy bụi than.
Bạo lực thường xuyên
Vụ việc trên xảy ra hồi cuối tháng 10 tại mỏ than Collum ở thị trấn Sinazongwe, miền nam Zambia. Có 14 người bị thương, bao gồm 3 người Trung Quốc. Theo AFP, 2 đốc công người Trung Quốc bị đưa ra xét xử về tội mưu sát và nộp 10.000 USD tiền bảo lãnh để được tại ngoại trong khi cảnh sát tiếp tục điều tra.
Vụ nổ súng tại Collum là vụ mới nhất trong hàng loạt đụng độ giữa người Zambia và các nhà quản lý Trung Quốc. Hồi tháng 6, báo chí Zambia đưa tin một người Trung Quốc “suýt bị đám đông giận dữ xử theo luật giang hồ” sau khi 22 công nhân bị thương nặng trong một vụ nổ mỏ cũng ở Collum. Theo tờ Lusaka Times, viện quản lý này đến bệnh viện Maamba thăm hỏi các công nhân và bị đám đông phẫn nộ tấn công. Từ lâu, các công nhân và dân địa phương cáo buộc công ty Trung Quốc không thực thi các biện pháp an toàn nên tai nạn liên tục xảy ra.
Cũng theo tờ báo trên, vào đầu tháng 12.2009, công nhân ở hầm số 2 và 3 của mỏ Collum đã chặn đường và “ném tên lửa tự tạo” vào các viên quản lý Trung Quốc. Cảnh sát địa phương phải can thiệp để cứu vãn tình hình. Khoảng 10 người bị thương trong vụ này và theo lời một nhân chứng, nếu cảnh sát không ra tay có thể đã có người thiệt mạng.
Việc các viên quản lý Trung Quốc mang vũ khí đến mỏ đã là hành động coi thường luật pháp Zambia
|
|
Rayford Mbulu, Chủ tịch Nghiệp đoàn các thợ mỏ Zambia |
Và bạo lực không phải chỉ xảy ra ở mỏ than. Theo báo Asia Times, bất ổn về lao động tại một mỏ đồng tại Zambia do Công ty luyện kim Trung Quốc số 15 cũng đã dẫn đến nổ súng. Lần này, một công nhân thiệt mạng và để tránh tình trạng khó xử, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phải hủy bỏ chuyến thăm đến tỉnh Copperbelt phía bắc Zambia, vốn là nơi giàu quặng đồng nhất nước (Copperbelt tiếng Anh nghĩa là Vành đai đồng).
Không tôn trọng pháp luật
Trong 1 thập niên qua, người Trung Quốc đã thiết lập sự hiện diện vững chắc tại Zambia nhằm khai thác nguồn tài nguyên đồng và than dồi dào ở nước này. Trong mỗi USD đầu tư của nước ngoài vào ngành khai khoáng Zambia, gần 73 xu đến từ Trung Quốc. Nhưng việc họ đối xử tệ bạc với công nhân bản địa đã trở thành vấn đề nhạy cảm, gây khó xử cho Chính phủ Zambia, vốn đang “khát” đầu tư nước ngoài.
The New York Times dẫn số liệu của Chính phủ Zambia cho thấy đầu tư Trung Quốc vào nước này đạt 1,2 tỉ USD trong năm qua. Tuy nhiên, người bản xứ than phiền rằng những người da vàng giàu có này được phép hành xử theo luật riêng của họ, cưỡng đoạt tài sản quốc gia và ngược đãi công nhân. Vụ việc vừa xảy ra ở mỏ Collum đã hé lộ điều kiện làm việc tồi tệ khi thợ mỏ phải khai thác trong những đường hầm tối tăm và không an toàn. Theo Nghiệp đoàn các thợ mỏ Zambia, công nhân ở mỏ Collum là những thợ mỏ được trả lương thấp nhất ở nước này, có người chỉ nhận được 70 USD/tháng.
Theo Asia Times, không phải tất cả các mỏ do người Trung Quốc điều hành đều bóc lột công nhân nhưng tình trạng “lương nô lệ” và điều kiện làm việc tồi tệ không phải là hiếm. Sau vụ việc ở mỏ Collum, cựu ứng viên tổng thống Michael Sata phát biểu trên tờ The Post: “Chúng ta biết không thể được chính quyền này bảo vệ do nó đã bị mua chuộc”. Tuy nhiên, Tổng thống đương nhiệm Rupiah Banda nói chỉ trích riêng người Trung Quốc là không công bằng. Cũng tờ The Post dẫn lời ông Banda nói: “Hằng ngày, người ta bị dân Zambia bắn, bị người da trắng bắn, bị người Mỹ bắn... Tạo ra sự sợ hãi đối với người Trung Quốc là hoàn toàn sai lầm!”.
Ông Banda cam kết sẽ xét xử vụ việc đến nơi đến chốn theo luật Zambia. Chính phủ Trung Quốc cũng cho biết đã yêu cầu công ty quản lý mỏ Collum hợp tác với chính quyền sở tại để giải quyết vụ việc. Tờ Wall Street Journal dẫn lời Chủ tịch Nghiệp đoàn các thợ mỏ
Zambia Rayford Mbulu nói: “Việc các viên quản lý Trung Quốc mang vũ khí đến mỏ đã là hành động coi thường luật pháp Zambia. Chúng tôi không cần biết Trung Quốc đầu tư như thế nào vào nước này nhưng không thể để họ cứ muốn là bắn công nhân”.
Trùng Quang
Bình luận (0)