Xem lại việc thi theo cụm, chấm chéo

29/11/2010 04:36 GMT+7

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII vừa diễn ra, thông qua Ban Dân nguyện của Quốc hội, nhiều cử tri băn khoăn về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đề nghị Bộ GD-ĐT cần có những điều chỉnh hợp lý.

Tự chọn phương án tổ chức thi 

Cử tri các tỉnh Phú Yên, Tiền Giang kiến nghị Bộ GD-ĐT nên xem xét lại hình thức tổ chức thi, coi thi và chấm chéo bài thi tốt nghiệp THPT. Theo các đại biểu, cách làm như hiện nay chưa hợp lý, tính khả thi không cao lại gây lãng phí, tốn kém, tạo tâm lý căng thẳng cho học sinh và phụ huynh.

Trước yêu cầu này, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, giải thích: “Hiệu quả của việc thi cụm đã được khẳng định; hơn thế, nhiều sở đã tổ chức thi liên trường (thực chất là thi theo cụm) từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thực tế việc tổ chức thi năm 2009 cho thấy: đối với các địa phương vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện hoặc các tỉnh miền núi, đông học sinh dân tộc, điều kiện kinh tế hạn hẹp, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn thì việc tổ chức thi cụm gặp quá nhiều khó khăn”. Do vậy, theo ông Luận, kỳ thi năm 2010, đối với các địa phương khó khăn, Bộ cho phép tự chọn phương án tổ chức thi. Theo thống kê, kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, do không thuận lợi trong việc đi lại của thí sinh, có hơn 10% điểm thi tổ chức theo các điểm riêng.

Môn thi tốt nghiệp được Bộ GD-ĐT công bố chậm nhất vào ngày 31.3 hằng năm…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Phạm Vũ Luận

Về việc triển khai chấm thi ở các địa phương, trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2010 Bộ GD-ĐT đã có một số điều chỉnh như:  Trước khi chấm bài thi tự luận, tiến hành chấm chung ít nhất 15 bài thi để giúp mọi giám khảo nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm thi; Điều động thanh tra chấm thi của sở thứ 3 (không phải là sở có bài thi, cũng không phải là sở đang chấm) tiến hành chấm thanh tra từ 5% đến 10% số bài thi của hội đồng chấm thi… Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận việc tổ chức chấm chéo đã đặt ra một số vấn đề, chẳng hạn bố trí điều động cán bộ chấm thi, kinh phí chấm thi…

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Việc tổ chức coi thi theo cụm, chấm chéo trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 và 2010 sẽ được tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng trong hội nghị bàn về thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT trong thời gian tới để Bộ GD-ĐT có quyết sách định hướng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 và những năm tiếp theo”.

Công bố môn thi vào tháng 3

Cử tri một số địa phương đề nghị nên công bố môn thi tốt nghiệp THPT ngay từ đầu năm học để giáo viên và học sinh chủ động việc dạy và học. Cách làm của Bộ GD-ĐT như hiện nay làm cho giáo viên và học sinh rất bị động.

Trả lời băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lý giải: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm tổ chức thi 6 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, 3 môn còn lại được chọn ngẫu nhiên từ các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Môn thi tốt nghiệp được Bộ GD-ĐT công bố chậm nhất vào ngày 31.3 hằng năm nhằm góp phần đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện, ngăn chặn và hạn chế tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Việc công bố các môn thi tốt nghiệp sớm trước thời hạn nêu trên sẽ nảy sinh tình trạng cắt xén chương trình dạy học hoặc học tủ, học lệch” .

Trước đề nghị của cử tri một số địa phương về việc nên quy định Lịch sử và Địa lý là môn bắt buộc phải thi tốt nghiệp THPT vì đây là 2 môn học quan trọng, Bộ trưởng Luận cho biết: “Lịch sử và Địa lý là 2 môn được chọn nhiều trong các kỳ thi tốt nghiệp 9 năm gần đây”. Bộ trưởng dẫn chứng: từ năm 2002 đến năm 2010, năm nào cũng chọn môn Lịch sử hoặc Địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có những năm như 2003, 2006, 2010 thì cả 2 môn này đều được chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định: “Lịch sử và Địa lý có vai trò, vị trí trong thi tốt nghiệp THPT bình đẳng như các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Vì vậy không thể đưa 2 môn này thành môn bắt buộc phải thi tốt nghiệp THPT”.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.