Khi 9X sáng tạo

30/11/2010 10:42 GMT+7

Năng động, sáng tạo qua những ý tưởng, sản phẩm độc đáo, hai bạn trẻ 9X này sẽ góp mặt tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc diễn ra tháng 12 - 2010.

Cha đẻ của rô-bốt làm nông

Nguyễn Văn Hòa, SN 1993, ở xã Hương Lâm (Hiệp Hòa, Bắc Giang) chế tạo rô - bốt đa năng có thể thay thế nông dân đi phun thuốc trừ sâu, hái hoa quả, tưới nước. Năm 2009, Hòa nảy ý tưởng , nhưng không đủ tiền mua bộ điều khiển từ xa nên sản phẩm rô - bốt điều khiển bằng tay ra đời.

Rô-bốt của Hòa có hai vòi phun, một phun gần và một phun xa cùng hệ thống cánh quạt hỗ trợ. Chỉ cần điều khiển rô-bốt di chuyển trên bờ có thể phun khắp ruộng. Sản phẩm của Hòa chinh phục giám khảo và đoạt giải nhất cấp tỉnh.

Bạn bè cho biết cậu học sinh lớp 12 trường THPT Hiệp Hòa 2 (Bắc Giang) Văn Hòa mê học môn toán, lý, hóa và luôn nảy ra nhiều ý tưởng “quái chiêu”, khó thực hiện. Trước khi chế tạo thành công rô - bốt nông dân, Hòa còn là cha đẻ của hàng loạt sản phẩm độc đáo khác như xe kéo trò chơi cho trẻ con, đèn tích điện…

Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, bố mẹ Hòa quanh năm bám ruộng lúa, vườn ngô. Chứng kiến cảnh bố mẹ phải đeo bình, lội ruộng phun thuốc trừ sâu nhiều lần gây hại sức khỏe, Hòa quyết tâm chế tạo rô - bốt có thể thay thế con người làm công việc độc hại này.

Tranh thủ thời gian rỗi sau giờ học trong hai tuần liền, Hòa hoàn thành bản vẽ rô - bốt nông dân. Sau đó cậu chịu khó tìm kiếm, sưu tầm những vật liệu bỏ đi cùng mô tơ, công tắc, bánh xe, khung nhôm đã qua sử dụng ở các xưởng cơ khí, điện tử trong vùng “Kiếm vật liệu không khó, nhưng đòi hỏi kỳ công từ cái ốc vít nhỏ”, Hòa nói.

Nghỉ hè, Hòa chỉ có một tháng để chế tạo sản phẩm. Ban ngày Hòa phải phụ giúp gia đình làm nông nên việc chế tạo rô - bốt hầu hết được thực hiện buổi tối. Nhiều đêm liền cậu học trò quê phải thức trắng để làm vì rô - bốt chủ yếu cần các mối hàn, khoan, cắt bằng điện trong khi điện ở quê bị cắt liên tục. “Mình vẫn quyết tâm hoàn thành sản phẩm và đã thành công”, Hòa chia sẻ.

Quy trình chế tạo rô - bốt của Hòa chinh phục ban giám khảo bởi sự tỉ mẩn, sáng tạo từ bản vẽ, mối khoan, mối hàn, công tắc điện điều khiển. Quá trình hoàn thành sản phẩm cũng chỉ có anh trai giúp đỡ Hòa bằng việc đi mượn máy khoan, mua dây điện.

Rô - bốt do Hòa sáng tạo không mất nhiều chi phí, nhưng những nông dân khác rất khó làm theo vì yêu cầu kỹ thuật cao và kỳ công. Hòa mong muốn trong tương lai sẽ có nhà máy, xí nghiệp nào đó mua lại sáng kiến của mình để chế tạo rô - bốt phun thuốc trừ sâu, bán giá rẻ cho nông dân.


Hoàng Hà

16 tuổi xây dinh thự vua Mèo

Tác giả ý tưởng xây dựng mô hình Dinh thự cổ của vua Mèo Hoàng A Tưởng bằng gỗ, tre là cô học trò 16 tuổi Lê Hoàng Hà, trường chuyên tỉnh Lào Cai. Lượng du khách trong, ngoài nước biết đến dinh thự cổ Hoàng A Tưởng ở Bắc Hà (Lào Cai) chưa tương xứng với tiềm năng nên Hoàng Hà nảy ý tưởng xây dựng mô hình mới.

Hoàng Hà cho biết đã ấp ủ ý tưởng từ lâu, nhưng năm 2007 mới cùng bạn cùng trường Vũ Phương Linh chính thức tiến hành. Hai năm tìm kiếm nguyên liệu, đến tháng 6 - 2009, Hoàng Hà mới hoàn thành và gửi dự thi.

Nguyên vật liệu, thời gian là những yếu tố trở ngại nhất khi Hà xây dựng mô hình. Có khi mô hình xây dựng lên giữa chừng bị nhầm một vài thanh tre lại đổ. Tuy nhiên, thầy cô, bố mẹ luôn ở cạnh tư vấn về tính thẩm mỹ, độ chính xác giúp Hà hoàn thành. Sản phẩm đạt giải nhì cấp tỉnh và được gửi dự thi cấp quốc gia.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.