Đáng lưu ý, mỗi đứa trẻ là một vũ trụ riêng, hạnh phúc của trẻ có thể giống nhau nhưng nguyên nhân khiến trẻ đau khổ, căng thẳng và mệt mỏi tâm lý lại hoàn toàn khác nhau.
Sự kỳ vọng của mẹ
Chồng mất khi con trai mới lên 3 tuổi, chị Minh quyết định ở vậy nuôi con dù không ít người đàn ông thật tâm mong muốn sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống cùng chị.
Cật lực làm việc, hy sinh tuổi thanh xuân, chị đã tạo dựng được một sự nghiệp khá vững vàng song song với việc nuôi dạy con nên người. Hưng đẹp trai, thông minh, ngoan ngoãn, là niềm tự hào của người mẹ đơn thân như chị. Rồi đây chắc chắn con trai chị sẽ thành đạt và hạnh phúc hơn mẹ.
Để biến ước mơ thành sự thật, chị đầu tư công sức, tiền bạc để con được học hành tốt nhất và không giấu giếm chị kể cho con nghe sự kỳ vọng của mình.
Hưng được theo học ở trường điểm, trường chuyên và những trung tâm ngoại ngữ lớn nhất. Thương mẹ, Hưng đã rất cố gắng học hành. Em sợ phải nhìn thấy gương mặt đượm buồn, tiếng thở dài thườn thượt của mẹ mỗi khi em không đạt được điểm tối đa.
Tuy nhiên, càng học lên lớp cao hơn, điểm 10 đối với em càng khó kiếm. Lên cấp ba, Hưng có biểu hiện đuối sức ở những môn học tự nhiên. Khả năng tập trung và tiếp thu bài giảm, trong khi khối lượng bài tập ngày càng nhiều, Hưng hay than mệt mỏi và trở nên cáu bẳn.
Năm học lớp 12, Hưng đột ngột bỏ học. Chị đau đớn đưa con đi khám và không thể tin được rằng Hưng bị rối loạn chức năng thần kinh do stress nặng gây ra.
Gia đình không hạnh phúc
“Anh ra khỏi nhà tôi ngay!” - chị Tuyết chỉ tay vào mặt chồng hét lớn. Cũng hừng hực tức giận như chị, anh ném vỡ bình hoa trên bàn trước khi đóng sầm cửa bỏ đi. Sau một lúc ôm mặt khóc, chị sực nhớ đến cu Bon. Vẫn như mọi lần vợ chồng chị cãi nhau, cu Bon đang ngồi trốn thu lu dưới gầm bàn, gương mặt tái xanh, run rẩy, giương đôi mắt sợ hãi nhìn mẹ.
Đó là chuyện xảy ra cách nay đã 2 năm. Bây giờ anh chị đã ly hôn. Thời gian đầu, vì công việc, cuộc sống chưa ổn định, chị đành chấp nhận giao con cho anh và ông bà nội chăm sóc, hằng tuần chị ghé thăm.
Rồi Bon vào lớp 1, cao lớn, gương mặt thanh tú nhưng tiếp thu chậm, hay lo ra và không tập trung. Cô giáo mời lên làm việc, chị mới vỡ lẽ. “Vào lớp, cháu cứ nhìn ra cửa, gặng hỏi mãi, cháu mới bảo con nhớ mẹ quá. Có lẽ anh chị nên xem lại thế nào...”- cô giáo nói. Thương quá, chị năn nỉ anh và gia đình được nuôi cu Bon.
“Bây giờ, cháu vẫn là học sinh yếu nhất lớp, chậm chạp và thiếu tự tin. Vậy mà hồi 1-2 tuổi, ai trông thấy Bon cũng khen thông minh, lanh lợi.
Mình hỏi thăm một số bác sĩ tâm lý, họ bảo những tổn thương trong lòng đứa trẻ khi chứng kiến cha mẹ thường xuyên cãi nhau sẽ khiến trẻ bị rối loạn về tâm lý, chậm phát triển. Ngày ấy, mình đã quá vô tâm, cứ nghĩ rằng con còn nhỏ không hiểu biết gì. Bây giờ mới nhận ra thằng bé thay đổi từ ngày ấy...”- chị xót xa.
Có thêm em bé
“Từ khi cha mẹ sinh em bé, bạn Trúc không được thương nữa. Bạn ấy tâm sự với con là chỉ muốn chết thôi!” - cô học trò nhỏ “méc” lại với cô Đức- giáo viên tiểu học. Lo lắng, chiều hôm ấy, cô Đức gọi Trúc ở lại, lựa lời khuyên giải. Trước hết, cô đề nghị gọi điện cho mẹ Trúc thông báo bé sẽ về trễ. Không ngờ, Trúc tỉnh bơ nói: “Cô không cần gọi đâu vì có gọi mẹ con cũng không thèm quan tâm”.
Biết sự việc có lẽ đã trầm trọng, cô Đức cố gắng gợi chuyện để Trúc tâm sự về những khúc mắc trong lòng. “Ngay từ khi em bé còn trong bụng mẹ, con không được ngủ cùng mẹ nữa vì mẹ sợ con đạp lung tung. Mẹ nói mệt nên ít đưa con đi chơi nhưng lại đi mua đồ này đồ kia cho em bé... Rồi mẹ sinh em, mọi người chỉ yêu em bé, không quan tâm đến con, không cần con nữa. Ba mẹ còn cấm con đụng vào em...” - Trúc tấm tức khóc.
Lau nước mắt cho cô học trò nhỏ, cô Đức nhẹ nhàng phân tích và nói: “Con và em là máu thịt của ba mẹ và đều quan trọng như nhau...”- Trúc lắc đầu: “Chỉ em thôi...”.
Ngay lúc ấy, trước cổng trường ồn ào, bác bảo vệ vào cho hay có một phụ huynh đang nóng ruột tìm con vì tan trường đã lâu mà bé chưa về nhà. Khi cô Đức bước ra cùng Trúc, người mẹ trẻ chạy đến ôm chầm lấy con: “Chỉ cần thấy con là mẹ yên tâm rồi. Nãy giờ mẹ lo quá”.
Kể lại câu chuyện này, cô Đức nói: “Cũng may mẹ Trúc đến đúng lúc nên những gì tôi khuyên bé là một minh chứng rõ ràng và con bé đã hiểu được mình quan trọng thế nào đối với mẹ”.
Trẻ bị stress từ khi còn rất nhỏ Nhà văn, nhà báo Thúy Ái trong buổi nói chuyện chuyên đề “Giúp con giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống” đã nói thông thường cha mẹ vẫn thường hay nghĩ và mong muốn con cái chúng ta hạnh phúc, sung sướng, có tuổi thơ đẹp hơn cha mẹ vì thế sẵn sàng trở thành “phân bón” để con được vươn cao, xanh tươi, bám rễ vững chắc vào cuộc sống. Tuy nhiên, rất ít cha mẹ nhận ra rằng trẻ bị stress từ khi còn rất nhỏ. Đó có thể là những lần tan trường cha mẹ đến đón trễ khiến trẻ hoang mang, lo sợ bị bỏ rơi hay có thể là những buổi bị cô giáo ép ăn một cách thô bạo; nỗi sợ bị la mắng khi điểm kém hay đôi khi sự kỳ vọng, đặc biệt ngưỡng mộ con đã vô tình tạo sức ép cho con... Mỗi ngày một ít, đến một lúc, trẻ bị dồn nén quá sẽ căng thẳng, dẫn đến bị trầm cảm, tâm thần. Ngoài ra, quá bảo bọc cho con cũng khiến trẻ dễ bị tổn thương và stress khi ra ngoài xã hội không gặp được người và việc như ý. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)