Chặn từ gốc
Tại sao thuốc không nằm trong danh mục cho phép vẫn được bày bán và quảng cáo công khai trên internet? Tại sao người bán quần áo, dù không có chuyên môn vẫn ngang nhiên bán thuốc? Đơn giản vì quản lý ở ta quá lỏng lẻo. Nếu thấy được tác hại của loại thuốc này, chỉ cần lần theo các tin quảng cáo là bắt ngay được người bán, thậm chí người cung cấp hàng. Chỉ cần làm vài vụ, xử phạt nặng thì chắc chắn không còn ai dám bán các loại “chất độc” gây chết người này.
Ngô Thị Lan Trinh
(TP Biên Hòa, Đồng Nai)
Tăng cường khuyến cáo
Hiện nay, có hơn 100 loại thuốc giảm béo đang lưu hành trên thị trường, điều đó chứng tỏ nhu cầu của người tiêu dùng đối với loại dược phẩm này rất cao. Tuy nhiên, với những tác hại mà nó mang lại như báo nêu mà các cơ quan y tế không tăng cường khuyến cáo rộng khắp đến từng người dân thì e rằng, hậu quả về lâu dài sẽ rất khó lường. Vì vậy, Bộ Y tế nên có biện pháp tuyên truyền rộng khắp đến từng hộ gia đình, nhất là các thành thị để người dân biết mà tránh xa các loại thuốc này, qua đó cũng cần tuyên truyền cho người béo phì tiếp cận với những phương pháp giảm cân khác, vừa an toàn vừa hiệu quả.
Thanh Thảo
(thanhthaobank99@yahoo.com)
Mua “tử dược” dễ như… mua rau
Vào Google, gõ cụm từ “thuốc giảm béo” sẽ có hơn 14 triệu kết quả, đa số là quảng cáo thuốc, thậm chí đăng công khai địa chỉ, số điện thoại người bán thuốc, muốn thuốc gì có thuốc nấy, giao hàng tận tay… Thuốc thì đủ loại, từ Mỹ, Ấn Độ đến Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… Hóa ra, mua thuốc giảm béo khá dễ, dễ hơn cả mua bó rau, miễn có tiền và có… can đảm để uống. Tiếc rằng, trong số kết quả này, những bài viết khuyến cáo về tác hại của loại thuốc được ví như “tử dược” này như Thanh Niên đã làm là không nhiều. Vì vậy, cần có nhiều bài viết khuyến cáo để người dân hiểu biết mà phòng tránh, đó cũng là trách nhiệm xã hội mà báo chí cần làm để phục vụ người dân. Xin cảm ơn Thanh Niên đã đăng tải bài viết này và mong có thêm nhiều bài viết tương tự để người dân không lâm cảnh tiền mất tật mang.
Ban CTBĐ
(tổng hợp)
Bình luận (0)