Cứu sống cháu bé khi sản phụ đã qua đời

03/12/2010 10:11 GMT+7

Khoa sản Bệnh viện Trung ương Huế vừa cứu sống một bé gái 35 tuần tuổi. Bé chào đời ngay bên hành lang của khoa này, sau khi người mẹ đã qua đời.

Bác sĩ Bạch Ngõ kể khoảng 10g30 ngày 26-11, trong ca trực tại khoa sản, ông nhận điện thoại của bác sĩ Cửu Lợi ở Trung tâm Tim mạch của bệnh viện mời đến hội chẩn một trường hợp bệnh nhân rất nguy kịch. Đó là chị Phạm Thị Khiếu, 35 tuổi, vào trung tâm điều trị cách đó chỉ vài giờ.

Giành giật từng phút giây

Chị Khiếu mang thai 35 tuần nhưng bị suy tim, cái chết cận kề. Các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch đã hỏi bác sĩ Ngõ trong trường hợp người mẹ tử vong thì có thể cứu được cháu bé không. “Sau một lúc suy nghĩ, tôi nói là có khả năng nếu các thao tác nhanh và giải quyết thuận lợi trong vòng 10 phút” - bác sĩ Ngõ nhớ lại.

Rời Trung tâm Tim mạch trở về khoa sản chừng một giờ, bác sĩ Ngõ nhận điện thoại rằng chị Khiếu đã tử vong, mời bác sĩ qua gấp cứu cháu bé. Từ phòng làm việc tầng hai, bác sĩ Ngõ kịp lấy một cây dao mổ, một sợi chỉ, đôi găng, kim và kềm khâu. Nhớ lại thời khắc ấy, bác sĩ Ngõ cho biết: “Khi tôi vừa chạy xuống tầng một thì đồng nghiệp của Trung tâm Tim mạch đưa bệnh nhân ấy đến hành lang khoa, ngay dưới chân cầu thang.

Sau khi xem qua tình trạng, tôi quyết định mổ, rọc một đường một từ thân bụng xuống dưới tử cung. Yêu cầu lúc này là phải chuẩn xác tuyệt đối. May thay, sau đường mổ tôi đưa được cháu bé ra bên ngoài. Lúc này, các cô y tá của khoa đã bưng sẵn khay, những dụng cụ ủ ấm cho bé và đưa bé lên phòng hồi sức sơ sinh. Khoảng 3 phút sau, nghe cháu bé khóc tôi thở phào nhẹ nhõm. Một bé gái nặng 1,6kg”...

Cũng theo bác sĩ Ngõ: “Thông thường khoảng 10-15 phút sau khi sản phụ tử vong, khả năng cứu bé vẫn còn kịp. Từ Trung tâm Tim mạch qua chỗ khoa sản chúng tôi mất khoảng 5 phút. Khi đặt dao mổ tôi chỉ còn 10 phút, nếu kéo dài thêm quá thời gian ấy thì dù có đưa bé ra bên ngoài, bé cũng bại não do máu từ người mẹ đã mất không giúp tuần hoàn não cho bé”.

“Tên con là Cẩm Tú”

Chúng tôi tìm về nhà của sản phụ vắn số ấy tại thôn Trung Làng, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) khi chị vừa được an táng. Đó là ngôi nhà ở gần phá Tam Giang, được xây lên từ chương trình hỗ trợ lên bờ định cư cho người dân vạn đò cách nay 10 năm. Sau 10 năm, ngôi nhà 35m2 ấy vẫn chưa được đính cửa. Mưa phùn và gió từ phá Tam Giang lồng lộng thổi vào nhà.

Chị Khiếu và anh Hà Văn Duy (33 tuổi) cưới nhau bốn năm nay và có một bé gái gần 3 tuổi. Bố anh Duy mất sớm, hai vợ chồng sống cùng mẹ anh Duy. Anh Duy kể mấy ngày nay anh vẫn chưa thấy được mặt con gái thứ hai bé bỏng của mình. Nhớ con, nhưng hoàn cảnh ngặt nghèo nên anh vẫn chưa thể lên lại thành phố.

Buổi trưa ấy, ngay sau khi chị Khiếu mất, anh Duy tất bật chạy lo thủ tục giấy tờ rồi đưa thi thể vợ về nhà. Trong khi lo đám tang cho vợ thì mẹ vợ anh Duy vốn đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cũng được bệnh viện cho về nhà để lo hậu sự. “Nhớ con nhưng tui không rời khỏi nhà được vì mệ ngoại (mẹ vợ ) đã quá yếu. Chuyện lo hậu sự chỉ tính ngày một ngày hai, tui ở nhà còn chạy lui chạy tới lo liệu. Cháu trên ấy trăm sự nhờ bác sĩ...” - anh Duy nuốt nước mắt kể.

Ngưng một lúc, anh Duy kể tiếp dù chưa thấy con gái nhưng khi dựng tấm bia cho vợ, anh cũng đặt tên cho con. Theo gợi ý của nhiều người, anh lấy tên cho bé gái chào đời trong hoàn cảnh đặc biệt ấy là Hà Thị Cẩm Tú. “Chị là Cẩm Ly, em là Cẩm Tú, ai cũng nói tên hay, nhưng tui thì...” - anh Duy nghẹn ngào nhìn lên di ảnh vợ.

Mẹ anh Duy, bà Võ Thị Khuya (60 tuổi), kể bà may mắn được nhìn thấy đứa cháu nội trước khi các bác sĩ cho vào phòng chăm sóc đặc biệt. “Do tự biết hoàn cảnh nên hai vợ chồng nó tính sinh em bé thứ hai thì ngưng hẳn, nhưng không ngờ chuyện ra rứa... Tui chừ chỉ biết cầu trời cho thằng Duy khỏe mà còn đánh bắt được con tôm con cá để nuôi hai cháu. Chứ mấy tháng vừa rồi cả hai vợ chồng ngược xuôi đi viện, khi thì khám thai, khi thì ho hen. Trước khi con dâu tui mất ba ngày, vợ chồng hắn mượn mô được 3 triệu rồi đi xe thồ lên Bệnh viện Trung ương Huế. Mới uống chưa hết thuốc thì lên lại bệnh viện, vài giờ sau thì mất như rứa đó” - bà Khuya thều thào kể.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.