Trao đổi với Thanh Niên chiều hôm qua, bà Nguyễn Thị Phương Ngân, cán bộ truyền thông của WWF VN cho biết, trong các cuốn cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản hằng năm, WWF đưa ra 3 loại danh sách, gồm: danh sách xanh (giới thiệu những sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn), danh sách vàng (khuyến cáo người tiêu dùng có thể sử dụng các sản phẩm này nhưng khuyến khích mọi người ưu tiên mua sản phẩm trong danh sách xanh) và danh sách đỏ (khuyến cáo mọi người không nên sử dụng các sản phẩm này). “Năm ngoái, WWF đã đưa cá tra của VN vào danh sách vàng. Và cách đây 1 tuần, WWF đã gửi thông báo đưa cá tra VN vào danh sách đỏ đến WWF VN”, bà Ngân nói.
Mặc dù khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng cá tra VN nhưng theo bà Ngân, WWF chưa cho biết căn cứ vào đâu để họ đưa cá tra VN vào danh sách đỏ. “Chúng tôi đã hỏi WWF nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm”, bà Ngân cho biết.
Trên thực tế, hiện nay hầu hết doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra VN đã xây dựng các hệ thống xuyên suốt từ con giống tới sản phẩm xuất khẩu, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm "từ trang trại đến bàn ăn". Một số nhà máy và vùng nuôi cá tra VN đã được cấp chứng nhận Gobal GAP. Sản phẩm cá tra VN đã và đang được xuất khẩu đến trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU, Mỹ, Nhật Bản... Đây là minh chứng cho thấy sản phẩm cá tra VN không chỉ được ưa thích vì hương vị thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao mà còn đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước thông tin mang tính chất “tẩy chay” đối với mặt hàng xuất khẩu của thủy sản nước ta, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Vũ Văn Tám tỏ ra rất bức xúc. “Nếu đúng WWF đưa cá tra của chúng ta vào danh sách đỏ thì đây là một việc làm không thể chấp nhận được. Đó là hành động bôi nhọ vô căn cứ, làm tổn hại đến thương hiệu cá tra VN, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường, lợi ích của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và xâm hại lợi ích của người nuôi cá tra nước ta”, ông Tám nhấn mạnh.
Quang Duẩn
Bình luận (0)