Theo ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam, 100 mét cầu bị sập xuống sông nằm ở vị trí giữa trụ số 5 và số 6. Trước đó, sáng 16.11, do nước lũ chảy xiết, trụ cầu số 5 và số 6 đã bị xói lở, khiến cầu Đen bị sụt hai nhịp, mặt cầu nứt toác, nay cộng thêm dòng chảy thay đổi, đơn vị chưa khắc phục kịp thời thì xảy ra sự cố.
Chính quyền địa phương hai đầu cầu Đen đã lập hàng rào phong tỏa đoạn cầu gãy, không cho người dân lên cầu để hạn chế tai nạn. Tuy nhiên, do giao thông bị chia cắt, người dân đã dùng đò ngang để qua cầu.
|
Ông Phan Phước Long - Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho biết, sáng 3.12, đơn vị thi công bắt đầu tu sửa, gia cố cầu Đen, đến khoảng 15 giờ chiều, người dân phát hiện trụ số 5 và số 6 bắt đầu lún thấy rõ nên đã báo cho chính quyền địa phương phong tỏa xe cộ, đến khoảng 16 giờ thì nhịp cầu bất ngờ đổ sập xuống sông.
|
“Hiện khu vực cầu Đen đã bị mất điện, tuy nhiên người dân vẫn tiếp tục qua lại bằng đò ngang, tình trạng rất phức tạp, ghe nhỏ chui dưới những dốt dầm còn lại rất nguy hiểm, cầu có thể tiếp tục sập bất cứ lúc nào” - ông Long nói.
|
Sau sự cố, tuyến cáp quang chôn ngầm kéo từ thị trấn Nam Phước, qua lan can cầu để dẫn vào phục vụ cho người dân ba xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong (huyện Điện Bàn) bị đứt, toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc như internet, điện thoại bàn khu vực này bị tê liệt. VNPT Quảng Nam cho biết hiện đã phân công lực lượng nối tạm tuyến cáp trong đêm nay, đến sáng 4.12 sẽ dựng trụ đi dây trên không vào khu vực này.
Hiện nay còn hai đường có thể lưu thông đến 3 xã Gò Nổi (huyện Điện Bàn) là qua cầu đường sắt Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) và cầu đường sắt Kỳ Lam (xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn).
Nguyễn Tú
Bình luận (0)