Quyền im lặng khi chưa có luật sư?

04/12/2010 02:33 GMT+7

Trong hai ngày 2 và 3.12, Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo “Quyền bào chữa trong tố tụng hình sự”, nhiều vấn đề đã được mổ xẻ. Đặc biệt là quyền có LS ở giai đoạn điều tra.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay LS vẫn bị làm khó khi tham gia vào hoạt động tố tụng. Tuy luật đã tiến bộ nhiều nhưng vẫn chưa đạt chuẩn so với xã hội. Thậm chí luật đã quy định, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại gây khó mà LS không biết kêu vào đâu. Điều tra và xét xử công bằng là cải cách tư pháp và mong muốn của người dân. “Thử hỏi những người bị “rơi” vào vòng điều tra, xem họ có được đối xử công bằng không?”, LS Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ tịch Liên đoàn LS VN) nêu thực trạng.

Xung quanh vấn đề tham gia từ giai đoạn điều tra, LS Hà Đức Lệnh (Chủ nhiệm Đoàn LS Bắc Kạn), cho rằng hầu như các cơ quan tiến hành tố tụng (điều tra, tòa án) luôn “tìm cách cản trở” LS. Khi LS trao đổi với bị can “mà cứ kè kè cảnh sát bên cạnh nên không trao đổi được gì ngoài việc hỏi thăm sức khỏe rồi về”. Thậm chí, theo LS Trần Mỹ Thoa (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM), một thực tiễn rất phổ biến là LS khó tiếp cận bị can, bị cáo; nhưng khi đã gặp được thì lại bị giới hạn thời gian gặp (một giờ đồng hồ), LS còn bị “trói” chỉ được tham gia hỏi bị can (thu thập chứng cứ) khi điều tra viên cho phép… “Cần sửa đổi luật theo hướng LS được song song với điều tra viên làm việc chứ không thể “ban phát” cho LS”, LS Thoa nói.

Nhìn nhận thực tiễn pháp luật hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp, PGS-TS Nguyễn Thái Phúc (Trưởng cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM), nói nội dung luật chưa thể hiện, phát huy được những tư tưởng đổi mới chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp. Ông Phúc cho rằng luật quy định LS được tham gia bào chữa ngay từ giai đoạn khởi tố, nhưng thực tế nếu thuận lợi nhất cũng mất ba ngày LS mới được cấp giấy chứng nhận bào chữa; kể cả vấn đề tranh tụng trong giai đoạn điều tra cũng rất thấp.

Theo ông Phúc, không thể đòi hỏi LS có được quyền như điều tra viên, nhưng có thể chọn những điểm quyết định trong giai đoạn điều tra để tăng cường quyền bào chữa, như quyền nhờ LS theo hướng đối với lần hỏi cung đầu tiên của bị can, bị cáo phải có LS tham gia. Bị can được thực hiện quyền im lặng; lời khai nhận tội của bị can, bị cáo phải có sự chứng kiến của người bào chữa...

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.