Đi uống café chim

05/12/2010 11:02 GMT+7

Cứ sáng sáng, đông nhất là sáng thứ 7, quán café góc hồ Thiền Quang đoạn cắt giữa phố Trần Bình Trọng - Nguyễn Du lại rộn rã tiếng chim. Khách tới uống café cứ nghển cổ ngắm những chú chim khuyên trong lồng đang đua nhau hót. Bà chủ quán tất bật đi lại phục vụ, thậm chí “ngắm chim, không uống gì cũng được”, chị đon đả mời.

Tụ hội... nghe chim

Khoảng hai năm trở lại đây, những người mê chim cảnh tìm được địa điểm tụ hội mới - hồ Thiền Quang, sau khi điểm tập trung cũ - quán café cây đa (góc sau Cung thiếu nhi Hà Nội) không còn tồn tại. Đây là nơi tụ hội những người nuôi chim cảnh, chủ yếu là chim vành khuyên thuộc Câu lạc bộ Chim vành khuyên Halle (tên cũ của hồ Thiền Quang, chính xác là Halais). Câu lạc bộ này hiện nay có hơn 100 thành viên và thường họp mặt vào các buổi sáng, đông nhất là sáng thứ 7, chủ nhật.

Nhìn gần 100 chiếc lồng chim vành khuyên treo đầy trên dây, nếu là người không am hiểu, dễ thấy chiếc lồng nào cũng giống nhau, con chim nào cũng vậy. Nhưng dân nuôi chim thì nhìn cái biết ngay.

Tôi để ý thấy, một số chủ nuôi chim, chốc chốc lại đảo chỗ lồng chim. Thực chất, đó là việc giúp cho chim đủ tự tin luyện giọng khi nó tìm được người bạn phù hợp. Bản chất của chim vành khuyên là nhút nhát. Việc cho chúng giao lưu thường xuyên như thế này, sẽ giúp nó bạo dạn và có thể tự tin khi bước vào cuộc thi sau này.  

Các chú chim vành khuyên đi thi hót.

Hà Hoàng Hiệp, 31 tuổi, công tác tại Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí đã có thâm niên gần 20 năm nuôi chim. Hiệp cho biết, ông nội rồi đến bố anh đều là người chơi chim vành khuyên. Mỗi lần bận đi công tác, bố lại nhờ Hiệp chăm sóc chim. Rồi đến ngày Hiệp dành dụm tiền ăn sáng để mua một chú chim cho mình.

Hiệp cho biết, nuôi chim vành khuyên hiện đang là mốt vì chim vành khuyên nhỏ bé chỉ cần nuôi trong chiếc lồng nhỏ, phù hợp với các gia đình sống ở “ngõ nhỏ, phố nhỏ” như Hà Nội. Với một không gian chật hẹp như Hà Nội, thiếu không gian vui chơi, giải trí, việc nuôi chim cũng là một thú chơi tao nhã của người Hà Nội, giúp cho con người thư giãn sau một ngày lao động mệt mỏi.

Trước kia, thú nuôi chim vành khuyên cũng phổ biến, nhưng người nuôi chim chủ yếu nuôi trong nhà, nên ít người biết đến. Gần đây, các cuộc thi chim nở rộ, các câu lạc bộ những người yêu chim được thành lập, các diễn đàn trao đổi trên mạng phát triển mạnh mẽ, thú chơi này ngày càng phát triển.

Thú nuôi chim hiện nay đã lan ra cả lớp trẻ, lấn át cả lớp già. Các bác các cụ tuổi nghỉ hưu rất ít, phần đông là thanh niên.Ngoài giờ làm việc, họ nuôi chim như một thú chơi tao nhã. Ngày thứ 7, chủ nhật, được nghỉ làm, những lồng chim vành khuyên được mang tới quán café chim này đông nhất.

Các kiểu chơi chim

Kể từ khi các hội thi mở ra khắp nơi, tính cạnh tranh được nâng lên, người nuôi chim dường như có động lực, muốn thể hiện trình độ nuôi của mình. Thành phần những người chơi chim cũng khá phong phú, từ người thợ xây, thợ cắt tóc đến công chức nhà nước.

Anh Hùng, chủ quán café này cũng là một người mê nuôi chim. Chính đam mê này của anh đã được nhân rộng ra kể từ khi câu lạc bộ chim vành khuyên Halle được thành lập tại đây ba năm trước và anh là một trong những thành viên chủ chốt của câu lạc bộ.

Vì vậy, không ngạc nhiên, khi bà chủ quán tất bật với việc phục vụ café, nước uống, còn ông chủ quán tỉ mẩn nhặt từng con châu chấu non để dành cho chim vành khuyên ăn, những con châu chấu già, anh để lại cho chào mào. Bản thân anh Hùng cũng có vài lồng chim vành khuyên và chào mào.

Người giới thiệu với tôi nhiều nhất và tỉ mẩn nhất về thú chơi chim vành khuyên chính là Hà Hoàng Hiệp. Anh nói, nuôi chim tạo cho mình tính kiên trì. Kể từ khi nuôi chim, hàng ngày Hiệp phải dậy từ 6 giờ hoặc 6 giờ 30 để cho ăn, thay nước, vệ sinh lồng chim… rồi mới đi làm.

Có những chú vành khuyên đã vang danh trong toàn giới chơi chim vì nó hót như không biết nghỉ như con giật cánh cách đây 2-3 năm của anh Hùng Nguyễn Siêu, con cánh trắng của anh Tuấn bác sỹ, mới đoạt giải nhất trong cuộc thi chim nhân dịp 1.000 năm Thăng Long, con bánh tẻ của Dương Bắc Giang ăn liền 5-7 giải liên tiếp năm vừa rồi. 

Hiệp cũng phải từ bỏ thói quen đi chơi khuya, thậm chí chiều đi đâu cũng phải về vì phải cất chuồng hoặc đóng áo (trùm tấm vải đỏ bên ngoài lồng chim) cho nó đi ngủ. Nhiều khi phải đi công tác, Hiệp đành nhờ vợ hoặc mẹ chăm sóc giúp nhưng cũng không yên tâm lắm. Bởi lẽ chỉ có ăn, ngủ đúng giờ đều đặn, chim mới có sức khỏe tốt và líu (hót) tốt.
Khác với Hiệp, anh Cường Tạ Hiện, 37 tuổi, thợ cắt tóc thì lại nuôi chim ngay tại cửa hàng của mình. Vì như vậy, anh có nhiều thời gian dành cho chim hơn.

Anh Cường là người có máu mặt trong giới chơi chim vì sở hữu nhiều chú chim đạt thành tích cao tại các cuộc thi. Có những chú chim nhiều người khuyên không nên nuôi vì không thấy triển vọng, nhưng với tính kiên trì của mình, anh đã thành công.

Bình thường chỉ chừng 8 tháng là biết chim có thể líu tốt hay không, nhưng có những con anh phải mất 2- 3 năm chăm chút thì mới líu tốt. Anh tâm sự: “Nuôi chim cũng giống như chơi xe cổ, phải chiều chuộng nó. Và khi mình cho nó bao nhiêu, mình sẽ nhận lại bấy nhiêu. Nó tạo cho mình hứng thú hơn, hưng phấn hơn cho cuộc sống và công việc. Đây là thú chơi khổ công. Nhưng càng khó, thì mình càng đam mê. Và khi chinh phục được nó, thấy tự hào vô cùng”.

Bí quyết để anh Cường thành công trong việc nuôi chim là dành nhiều thời gian cho nó. Bình thường, một người nuôi chim mỗi ngày thường dành một tiếng cho chim, nhưng với anh là 2-3 tiếng. Anh cho biết, dù có bận đến đâu, anh cũng cố gắng dành thời gian cho chim. Sau một thời gian đứng làm tóc cho khách, đến khi vãn khách, lẽ ra được ngồi nghỉ, nhưng anh lại dành thời gian đó để chăm sóc chim, cho nó ăn, trò chuyện với nó.

Trong giới chơi chim vành khuyên, không ai không biết Tuấn Đà Nẵng, vì anh chuyên sản xuất cám cho chim vành khuyên. Dù cám Trung Quốc hiện nay tràn lan, nhưng những người sành chơi, muốn chim hót hay phải tìm đến nhà anh ở đường Bạch Đằng, Hà Nội.

Anh Tuấn người Đà Nẵng ra Hà Nội làm thợ xây dựng, rồi lấy vợ người Hà Nội nên định cư ở đây luôn. Xuất phát từ niềm đam mê chơi chim, anh làm cám để nuôi chim nhà. Rồi những người bạn nhờ làm giúp, nhờ mãi thấy không tiện, nên đề nghị trả tiền cho anh. Mặc dù, anh không có cửa hàng, cửa hiệu, nhưng giới nuôi chim ở khắp miền Bắc đến nhà anh mua cám.

Anh Tuấn còn có biệt tài chọn chim. Từ những chú chim bình thường với giá vài chục ngàn ở ngoài chợ, anh mua về nuôi chỉ sau một thời gian con nào con nấy đều hót tốt. Tuấn không có ý định nuôi chim để bán, nhưng có những người bạn thấy chim của anh hót tốt, cứ gạ gẫm mua với giá 20 đến 30 triệu đồng.

Những thú chơi phát sinh

Hiện nay, các cuộc thi chim khuyên ở ngoài Bắc vẫn chỉ dừng ở thi chim hót nhiều (tính số lần hót để ăn giải). Chính vì thế, con chim hót ngắn (6-10 âm tiết) sẽ lợi thế hơn chim hót (líu) dài. Đây cũng là điều gây tranh cãi vì giọng những con chim giải nhất chưa chắc đã hay.

Con chim líu hay (dài, đảo giọng…) và líu đẹp (xòe đuôi, máy cánh, xù đầu, quặp cầu…) lại không ăn giải. Trong khi đó, các cuộc thi chim ở nước ngoài như Singapore, Malaysia, Trung Quốc, chim đoạt giải nhất phải hội tụ 5 tiêu chí: hót hay, hót nhiều, hót lâu, hót phong cách đẹp và hình thể đẹp.

Chim vành khuyên được bán nhiều tại chợ Mơ, chợ Bưởi với giá chỉ vài chục ngàn đồng. Nhưng trong giới chơi chim vành khuyên, có những chú chim được mua với giá cả trăm triệu đồng. Đó là những chú chim đột biến gien như vàng hoặc xanh khắp mình. Như con chim mơ (đột biến sắc tố lông, chỗ xanh, chỗ vàng) của anh Hoàng cá với giá 100 triệu đồng hay con hoàng khuyên (đột biến sắc tố lông, vàng như hoàng yến) của anh Sơn toác có giá 70 triệu đồng… 
Một con chim đẹp, hót hay thì cái lồng phải tương xứng. Lồng đẹp và đắt tiền phụ thuộc vào chất liệu tre. Tre càng già, càng lâu năm, càng đắt. Muốn có chiếc lồng đẹp như ý phải đặt ở làng nghề tận bên Trung Quốc và phải chờ đợi tới 8-9 tháng.

Lồng đắt cũng do sự cầu kỳ và độ tinh xảo của chiếc lồng, điều mà các nghệ nhân chế tác lồng chim ở làng Vác (Hà Tây) chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Hiện tại, ở Hà Nội đã có người đã từng (không chỉ một lần) đặt nghệ nhân Trung Quốc làm lồng theo các tích Tùng hạc, Ngũ phúc, Bách điểu triều phụng, hoa điểu, cửu long tranh châu và thậm chí có người đặt lồng với những hình chạm trổ theo văn hóa thuần Việt (hình chim Lạc, trống đồng) như anh Huy Liên Xô với giá 100 triệu đồng.

Hay như, một bạn tuổi Dê đặt làm lồng chim với giá 40 triệu. Đó sẽ là chiếc lồng được chạm trổ theo tích Tam Dương Khai Thái được coi là bình yên, thời vận tốt, cũng có nghĩa là ba con dê.

Chiếc lồng chim trị giá 10 triệu đồng.

Lồng đẹp thì phải có đồ trang trí đẹp. Đó là bộ cóng 5 chiếc để đựng sâu, phấn hoa, khoáng chất, hoa quả… Bộ cóng nhỏ xíu như những tách nước bé xíu xiu được in các hoa văn, hình ảnh theo các tích của Trung Quốc như Tam Quốc diễn nghĩa, Tam đa thất hiền, Tây Du ký, Bát Tiên, Ngũ Phú, Tứ Quí…

Những bộ cóng này có giá từ 500.000 đồng tới hàng chục triệu đồng. Hiện ở Quảng Ninh có anh Toản sở hữu bộ sưu tập lồng, cóng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Với phong trào nuôi chim như hiện nay, nhiều người cũng lo lắng nếu không trân trọng những người tâm huyết với nghề chơi, nó rất dễ dẫn đến trào lưu thực dụng, nuôi chim hót tốt chỉ để đi thi. Chính những người nuôi theo phong trào dễ đẩy cho giá chim lên cao chót vót. Có những người khi sắp có cuộc thi, đi lùng mua con chim hay với giá cực đắt để lấy tiếng hoặc mua lồng đẹp, chim hay chỉ để đem đi khoe với mọi người cho … oai.

Thú chơi khổ công


Chim vành khuyên.

Chăm chim vành khuyên không khác gì chăm đứa trẻ. Phải lo cho nó ăn, ngủ, tắm rửa đầy đủ. Sáng sáng lo dậy sớm cho nó ăn. Khi ăn xong thì cho nó ra ngoài trời cho quen với môi trường thiên nhiên… trong lồng.

Rồi cho nó tắm táp bằng cách đưa nó sang một chiếc lồng khác, ở đó có chậu nước nhỏ xinh cho chim dầm mình xuống tắm. Trong lúc đó, chủ nhân phải tranh thủ vệ sinh lồng ở cho nó. Khi chim tắm xong thì đưa nó trở về lồng.

Nhiều khi giản tiện, chủ nhân có thể lót bên dưới một tờ báo, hoặc một tấm thảm. Mỗi lần vệ sinh, chỉ việc thay tờ báo cũ hoặc tấm thảm cũ bằng cái mới.

Ngoài ra, các bộ cóng đựng thức ăn, nước uống, hoa quả cũng phải vệ sinh thường xuyên và thay bằng đồ ăn mới.

Thức ăn cho chim hiện là các loại cám bán sẵn trên thị trường, Việt Nam có, Trung Quốc có. Cám Trung Quốc giá cả rẻ hơn, chim ăn vào đi phân khô hơn khiến người nuôi có cảm giác sạch sẽ hơn, chim hót nhiều hơn, nhưng thời gian líu ngắn hơn.

Còn khi ăn cám Việt Nam, phân chim ướt (tự nhiên hơn) và thời gian hót lâu hơn. Chính vì đặc tính rẻ tiền và hót nhiều khiến người nuôi chim thích cám Trung Quốc hơn.

Có người cầu kỳ và có thời gian, họ tự làm cám cho chim. Công thức làm cám cũng khá phong phú với nhiều tỉ lệ khác nhau, nhưng cơ bản gồm đỗ xanh đồ lên như xôi trộn với lòng đỏ trứng gà luộc, bóp vụn rồi sao khô. Ngoài ra, có thể trộn thêm một chút gia vị như: nhộng, tằm và một số vị thuốc bắc (kỳ tủ, táo tầu, mật ong, phấn hoa…).

Ngoài cám là món ăn chính trong khẩu phần ăn hằng ngày, chim còn phải được bổ sung thêm nhiều dưỡng chất khác như vitamin C (táo, chuối, cam, nho) và các khoáng chất. Lúc chim thay lông thì phải tăng cường thêm chất đạm (cào cào, châu chấu, sâu).

Chim vành khuyên là loài chim tự nhiên nên có sức đề kháng tốt. Bệnh phổ biến của nó chỉ là tiêu chảy, trúng gió. Khi tiêu chảy thì cho uống thuốc nam là khỏi hoặc phải thay đổi chế độ ăn uống. Chim thường thay lông vào tháng 8-9, lúc đó không có sẵn cào cào, châu chấu, vì thế mùa hè người ta đi bắt châu chấu rồi rang khô, bỏ tủ lạnh tới lúc cần bổ sung thì lấy ra cho chim ăn.

Hiệp chia sẻ: “Chim cũng mỗi con mỗi tính. Phải tìm hiểu xem con này thì hợp với loại cám nào, con nào thích tắm nhiều, con nào thích phơi nắng nhiều…”

Muốn cho chim hót tốt, điều đầu tiên phải giúp nó dạn người, không bị hoảng hốt. Để làm được công việc này đòi hòi phải kiên trì vài tháng. Chính vì thế, dân chơi đã từng chỉ trích trên diễn đàn mạng về cách luyện chim siêu tốc của một bạn bằng cách cho thức ăn vào trong một chiếc chai lavie, để khi nào chim đói không chịu được thì phải chui vào đó ăn, sẽ bạo dạn lên rất nhanh.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.