Ăn gian phân đoạn
Lâu nay, chuyện lỏng lẻo trong việc ký hợp đồng giữa diễn viên - nhà sản xuất dẫn đến những rắc rối (chủ yếu về thù lao) khi phim kết thúc không còn là chuyện lạ; nhưng bây giờ, ngay cả khi đã ký hợp đồng, cuối cùng kết quả vẫn không êm thắm.
Một diễn viên có tiếng và thâm niên trong nghề cho biết, trường hợp thường thấy nhất (và xảy ra với chính chị) là, ban đầu diễn viên được ký hợp đồng vai diễn có 50 phân đoạn, song, khi ra hiện trường, kịch bản có sự thay đổi (chuyện thường tình của phim truyền hình Việt) và khi kết phim, thư ký cộng lại thành 60 phân đoạn. Tuy nhiên, lúc gửi tổng kết về công ty sản xuất, giám đốc sản xuất lại không đồng ý, dù người theo dõi - chấm công là thư ký đã ký và báo lại số phân đoạn phát sinh rõ ràng. Đành chịu thôi! Bởi, diễn viên nữ đôi khi dễ nóng giận dẫn đến lời qua tiếng lại, còn diễn viên nam thì hiếm khi lên tiếng, bởi họ ngại đôi co. “Nhưng dù thế nào đi nữa tôi vẫn thấy cách làm việc của nhà sản xuất như vậy là quá dã man”, chị bức xúc.
Nỗi lòng của nghệ sĩ Nói đến chuyện đi lấy tiền cát-sê, giới nghệ sĩ không ai không xót lòng khi nghệ sĩ T.K tuổi đã lớn, lại ở trong viện dưỡng lão nghệ sĩ, mà mỗi ngày phải bắt xe ôm xuống tận một quận ngoại thành để lấy tiền. Lần nào đi cũng tốn mấy trăm ngàn tiền xe ôm, nhưng tiền cát-sê của bà vẫn không thấy đâu. |
Diễn viên có tên tuổi còn bị đối xử như vậy, huống hồ những diễn viên mới vào nghề. Diễn viên - ca sĩ N. còn cho biết, nhiều diễn viên đóng vai rất nhỏ, hay những vai quần chúng, vì muốn, thích được đóng phim nên chấp nhận bị ép phân đoạn. Có người quay 2, 3 ngày mà chỉ tính một phân đoạn (với mức cát-sê 200.000 đồng). Thậm chí kêu diễn viên đóng trước, còn... mọi chuyện tính sau.
|
Chậm trả, quỵt tiền cát-sê
Không chỉ ăn gian phân đoạn của diễn viên, các hãng phim, nhà sản xuất hiện giờ còn quỵt cả tiền cát-sê của diễn viên. Một nam diễn viên trẻ nổi tiếng, đến giờ không biết nên cười hay mếu khi công sức lao động cật lực của anh ở nhiều phim lên đến con số hơn nửa tỉ đồng tiền cát-sê vẫn chưa được thanh toán. “Sếp” của các hãng thì lờ tịt hoặc cù nhây, vòng vo thời hạn trả tiền khiến tiền vẫn chưa đến tay diễn viên dù thời điểm phải thanh toán như hợp đồng đã trôi qua cả năm. Diễn viên T. bức xúc: “Chúng tôi đi lấy tiền rất mệt, lên đến nơi phòng kế toán lúc thì nói tiền chưa về, lúc thì sếp đi công tác, chủ nhiệm phim đi vắng, hoặc là viện cớ cho các đài truyền hình giờ không ứng tiền trước, đợi phim phát sóng xong mới chuyển tiền qua công ty, rồi công ty sẽ thanh toán. Ôi thôi đủ thứ lý do, chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi mà ra về”.
Ngán ngẩm trước cảnh chậm trả kiểu quỵt tiền này, nhiều diễn viên đã buộc phải làm dữ ngay tại phim trường. Diễn viên D.P trong một lần quay cũng đã phản ứng, gây sức ép rằng nếu không trả tiền cát-sê theo như hợp đồng sẽ không đóng nữa, ngưng diễn dù phim vẫn đang quay. Nhờ vậy chủ nhiệm phim mới đem cục tiền tới xoa dịu tình hình. Chị kể cho chúng tôi nghe bằng những lời ngậm ngùi, cám cảnh cho nghề, cho môi trường làm phim truyền hình hiện nay.
Diễn viên có tiếng, uy tín trong nghề như T. cũng bị quỵt tiền hoặc dây dưa trong việc nợ tiền cát-sê. Chị cho biết đang thương lượng lần cuối với các hãng phim, nếu họ không trả thì sẽ đứng ra xưng danh nói thẳng cụ thể. Nhiều diễn viên khi tiếp xúc với chúng tôi có phần e ngại việc để tên rõ ràng vì không muốn gặp phải những hệ lụy phiền phức hay bất lợi trong nghề, vì thế đã đề nghị chúng tôi viết tắt tên.
Dù có thông cảm cho các hãng phim, bởi có những hãng khó khăn thật, nhưng cũng có hãng viện cớ khó khăn này nọ để chèn ép diễn viên, nợ không thời hạn. Không chỉ có diễn viên T., Q., L., N., T., H., A... mà rất nhiều diễn viên khác đang bức xúc, trăn trở là làm sao có được một quy chế, hiệp hội hay luật bảo vệ diễn viên để khi xảy ra trường hợp như trên họ còn biết đường cầu cứu.
Phan Cao Tùng - Nguyên Vân
Bình luận (0)