(TNO) Sau khi giải quần vợt đồng đội nam thế giới - Davis Cup 2010 khép lại vào cuối tuần qua, làng quần vợt thế giới cũng đã kết thúc một mùa giải đầy sôi động. Dưới đây là 10 sự kiện quần vợt nam nổi bật nhất trong năm do Thanh Niên Online bình chọn.
1. Grand Slam thứ 16 của Federer
|
Mặc dù không có được thành công rực rỡ trong năm nay khi bị "đại kình địch" Rafael Nadal vượt mặt chiếm vị trí số 1 thế giới, nhưng "tàu tốc hành Thụy Sĩ" Roger Federer cũng đã ghi dấu ấn của mình khi giữ vững ngôi số 2 thế giới với 5 danh hiệu vô địch trong năm.
Trong đó, đáng kể nhất là danh hiệu Grand Slam thứ 16 của tay vợt 29 tuổi này tại giải Úc mở rộng hồi đầu năm. Federer đã đánh bại tay vợt số 1 Vương quốc Anh Andy Murray trong trận chung kết với tỷ số dễ dàng 6-3, 6-4, 7-6(11) để lần thứ tư đăng quang tại Melbourne.
Kỷ lục 16 lần thắng giải Grand Slam sẽ không dễ dàng cho bất kỳ tay vợt nào có thể vượt qua. Ngoài ra với việc đã có được đủ bộ sưu tập bốn giải Grand Slam, người cha của hai cô "công chúa" song sinh Federer hiện là tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử.
2. Trận đấu thứ 900 của Federer
|
"Tàu tốc hành" Federer đã chào đón trận đấu thứ 900 trong sự nghiệp 12 năm thi đấu chuyên nghiệp của mình tại giải Stockholm mở rộng (Thụy Điển) hồi cuối tháng 10 (thắng Taylor Dent , Mỹ). Đây cũng là trận thắng thứ 727 trong sự nghiệp của anh.
Trước đó, có hai cột mốc đầy thú vị của "tàu tốc hành". Ở trận thứ 200 vào năm 2002 (21 tuổi), anh đã thúc thủ trước huyền thoại Andre Agassi (Mỹ) trong trận chung kết giải Miami. Ba năm sau, ở trận chung kết Mỹ mở rộng, Federer thắng lại Agassi ngay ở trận đấu thứ 500 của mình để lần thứ hai đăng quang trên đất Mỹ và đó là danh hiệu Grand Slam thứ sáu của tay vợt Thụy Sĩ.
Hiện Federer đã có được 917 trận trong sự nghiệp (trong đó có 743 trận thắng) và đoạt 66 danh hiệu vô địch. Đích ngắm tiếp theo của tay vợt Thụy Sĩ này là mốc 1.000 trận đấu trong khuôn khổ ATP Tour trong thời gian tới.
3. Federer lần thứ năm lên ngôi giải đấu cuối mùa
|
Đánh bại số 1 thế giới Nadal trong trận chung kết giải đấu cuối năm ATP World Tour Finals (London, Anh) với tỷ số 6-3, 3-6, 6-1 để đoạt số tiền thưởng lên đến 1,63 triệu USD, là một chiến thắng ngọt ngào cho tay vợt Thụy Sĩ nhằm chuẩn bị tinh thần hướng đến mùa giải mới.
Hiện với danh hiệu mới nhất này, Federer đã có được 66 lần lên ngôi trong sự nghiệp, chỉ xếp sau các huyền thoại Jimmy Connors (109 danh hiệu), Ivan Lendl (94) và John McEnroe (77) và đứng trên tay vợt lừng danh của Mỹ là Pete Sampras (64).
Nếu duy trì được phong độ đỉnh cao hiện nay, nhiều khả năng trong hai năm tới, tay vợt Thụy Sĩ sẽ vượt qua McEnroe để lọt vào top 3 tay vợt thắng nhiều danh hiệu nhất.
4. Nadal phá kỷ lục Masters
|
Trải qua một thời gian dài khốn khổ bởi chấn thương, "vua sân đất nện" của Tây Ban Nha Rafael Nadal đã trở lại một cách thuyết phục để liên tục đứng lên đỉnh cao nhất của các giải đấu danh giá. Trong đó có việc phá kỷ lục thắng các giải đấu thuộc hệ thống Masters danh giá có đẳng cấp chỉ đứng sau các giải Grand Slam.
Bắt đầu thi đấu trở lại vào tháng 3.2010 bằng việc tham gia loạt giải đấu trên sân đất nện sở trường, Nadal đã liên tiếp đăng quang ba giải Masters là Monte Carlo Masters (Monaco, giữa tháng 4), Rome Masters (Ý, cuối tháng 4) và Madrid Masters (Tây Ban Nha, giữa tháng 5). Các chiến thắng này giúp tay vợt 24 tuổi có được 18 lần chiến thắng các giải Masters, vượt tay vợt lừng danh người Mỹ Andre Agassi với 17 danh hiệu.
5. Nadal trở lại ngôi "vua"
|
Ngôi vô địch giải Roland Garros - Grand Slam thứ hai trong năm, không những giúp tay vợt xứ sở đấu bò tót Nadal trở thành người thứ hai trong lịch sử chiến thắng năm giải Roland Garros, đứng sau huyền thoại Bjorn Borg với sáu lần lên ngôi, mà còn đưa anh trở lại ngôi số 1 thế giới sau gần một năm đánh mất vào tay "tàu tốc hành" Federer.
Lần trở lại này của Nadal càng thuyết phục hơn khi anh chứng tỏ sức mạnh vô địch của mình trên mặt sân sở trường khi không thua một set đấu nào tại Roland Garros. Trong đó, trận thắng trước đối thủ người Brazil Thomaz Bellucci tại vòng 4 Roland Garros đã đưa Nadal đi vào lịch sử khi lập kỷ lục 200 lần giành chiến thắng trên mặt sân đất nện.
6. Nadal lần thứ hai vô địch Wimbledon
|
Sau khi không thể tham dự giải Wimbledon hồi năm ngoái để bảo vệ ngôi vô địch do bị chấn thương. Tại giải Wimbledon năm nay, tay vợt số 1 thế giới Rafael Nadal đã khẳng định được sức mạnh của mình khi trở lại trong năm nay để lần thứ hai đăng quang.
Nhanh chóng đánh bại hiện tượng người CH Czech Tomas Berdych với tỷ số 6-3, 7-5, 6-4 trong một trận chung kết giải Wimbledon dễ dàng nhất kể từ năm 2005, "vua" Nadal cho thấy sự hoàn thiện lối đánh trên mọi mặt sân đấu, từ mặt sân đất nện đến mặt sân cỏ và cả mặt sân cứng. Tay vợt xứ sở đấu bò tót đã trở lại hoàn hảo sau nửa cuối mùa giải 2009 thi đấu đầy thất vọng vì liên tục bị chấn thương.
7. Nadal sưu tập trọn bộ Grand Slam
|
Năm 2010 đúng là một năm thi đấu bùng nổ của Nadal. Sau khi phá kỷ lục Masters, tay vợt 24 tuổi này liên tiếp lên ngôi các giải Grand Slam còn lại là Roland Garros, Wimbledon và Mỹ mở rộng. Trong đó, danh hiệu Grand Slam thứ chín trong sự nghiệp tại Mỹ đã giúp Nadal trở thành đã trở thành tay vợt nam thứ bảy trong lịch sử thắng được trọn bộ bốn giải Grand Slam.
Trước anh, các tay vợt từng đạt được thành tích này là Fred Perry, Don Budge, Rod Laver, Roy Emerson, Andre Agassi và Federer. Ngoài ra, ở tuổi 24 + 101 ngày khi thắng giải Mỹ mở rộng, Nadal là người trẻ thứ ba trong số bảy tay vợt sưu tập đủ bốn danh hiệu Grand Slam, xếp sau chiến tích của Don Budge (22 tuổi, 357 ngày) và Rod Laver (24 tuổi, 32 ngày).
Với những gì thể hiện trong mùa giải năm nay, Nadal đã được trao tặng danh hiệu tay vợt nam xuất sắc nhất năm.
8. Trận đấu quần vợt kéo dài kỷ lục
|
Sau cuộc tranh tài khốc liệt qua ba ngày thi đấu và kéo dài 11 giờ 5 phút, cuộc đối đầu vòng 1 đơn nam giải Wimbledon (Anh) giữa tay vợt John Isner của Mỹ và Nicolas Mahut của Pháp mới kết thúc với phần thắng thuộc về "tòa tháp" cao 2,06m Isner, phá sâu mọi kỷ lục trước đó về thời gian một trận đấu quần vợt.
Trận đấu "kỳ dị" của Isner và Mahut hoãn lần đầu tiên khi trải qua 4 set đấu căng thẳng với tỷ số 6-4, 3-6, 6-7(7), 7-6(3). Sau đó, cuộc đối đầu này đã đi vào lịch sử khi cả hai thi đấu trở lại ở set thứ 5 quyết định và kéo set đấu đến tỷ số 59-59 trong 7 giờ 6 phút đua sức cực kỳ căng thẳng.
Sau khi trọng tài quyết định tiếp tục hoãn trận đấu, cả Isner lẫn Mahut đều như muốn gục ngã tại sân. Tiếp tục vào ngày thi đấu thứ ba, hai tay vợt vẫn giằng co quyết liệt đến tận game thứ 138 và cuối cùng phần thắng đã thuộc về tay vợt Mỹ với tỷ số 70-68. Chỉ tính riêng ở set cuối cùng này, thời gian mà hai tay vợt phải căng sức đã là 8 giờ 11 phút, phá kỷ lục trận đấu kéo dài nhất trong lịch sử được lập trước đó giữa Fabrice Santoro và Arnaud Clement tại vòng 1 Roland Garros 2004 với 6 giờ 33 phút giằng co.
9. Soderling thắng giải Masters đầu tiên
|
"Người Viking Thụy Điển" Robin Soderling đã có được danh hiệu vô địch ATP World Tour Masters 1000 đầu tiên trong sự nghiệp tại giải Paris Masters (Pháp). Với chiến thắng trước tay vợt chủ nhà Gael Monfils (14) trong 2 set 6-1, 7-6(1), Soderling trở thành tay vợt Thụy Điển đầu tiên đăng quang một giải đấu thuộc hệ thống ATP World Tour Masters 1000, kể từ khi Thomas Enqvist thắng giải Cincinnati (Mỹ) hồi năm 2000.
Trong năm nay, Soderling đã thi đấu cực kỳ xuất sắc để lần thứ hai có mặt ở chung kết giải Roland Garros, duy trì trong top 10 tay vợt mạnh nhất thế giới và có lúc vươn lên lần đầu tiên đứng hạng 4. Hiện vị trí kết thúc năm của Soderling là hạng 5 thế giới.
10. Serbia lần đầu vô địch Davis Cup
|
Với việc có mặt của tay vợt số 3 thế giới Novak Djokovic, tuyển Serbia đã lần đầu tiên đăng quang giải quần vợt đồng đội nam thế giới - Davis Cup 2010, khi vượt qua đội tuyển chín lần vô địch giải là Pháp với tỷ số 3-2. Djokovic toàn thắng cả hai trận trước tay vợt số 1 của Pháp Gael Monfils và tay vợt từng đứng trong top 10 thế giới Gilles Simon.
Chiến thắng này được Djokovic xem như là khoảnh khắc đẹp nhất trong sự nghiệp của anh. "Điều này giống như tuyển bóng đá Serbia đăng quang ở World Cup", Djokovic nói. Năm nay được xem là một năm thất bát của Djokovic khi anh chỉ thắng được hai giải không quan trọng.
Tiến Dũng
Bình luận (0)