Thái Thùy Linh: Rock hóa "Hò kéo pháo"

08/12/2010 10:01 GMT+7

Thái Thùy Linh sắp phát hành album thứ ba mang tên “Bộ đội” gồm toàn “bài ca không quên”: Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam, Lì và Sáo, Vết chân tròn trên cát, Hát mãi khúc quân hành, Hát cho dân tôi nghe… với tinh thần rock.

Cô chia sẻ về dự án có khả năng gây sốc trước khi lên đường sang Nam Phi dự Liên hoan Thanh niên Thế giới.

Ý tưởng của đĩa nhạc?

Nói ra có khi mọi người lại nghĩ mình sáo quá. Nhưng tôi hát đĩa này đầu tiên là vì yêu nước, yêu nhạc đỏ. Đã có lúc tôi tưởng tôi không thích nhạc đỏ. Bao năm vẫn thế, ca sĩ sau nối tiếp ca sĩ trước làm ra những bản phối tương tự, hoặc đánh lại y chang. Và cách hát thì cũng vẫn lứa sau lấy lứa trước làm gương.

Hầu hết thính giả nhạc đỏ đã trải qua chiến tranh hoặc sinh ra khi đất nước còn chiến tranh. 20-30 năm nữa, nhạc đỏ đi về đâu? Công nhận là người trẻ có nghe nhưng ít, và ngày càng ít. Chưa kể mình đang đứng trước sự xâm lăng ồ ạt của nhạc nước ngoài, và 5-10 năm nay đã có cuộc cách mạng kinh khủng về âm nhạc, nhất là phối khí.

Về mặt thị trường, phải có lợi thì bạn mới ra abum?

Đúng. Sản phẩm phải có người nghe. Về thị trường, chỉ cần 1/100 người Việt Nam nghe đĩa của tôi, là thành công.

Nhiều người quan niệm hát nhạc đỏ là cứ phải đứng im, mặc những bộ quần áo rất hộp. Đĩa này sẽ làm nhiều bạn trẻ thích nhạc đỏ hơn. Đấy là mong muốn của tôi. Lứa chúng tôi yêu có thể hét toáng lên là tôi yêu, ghét cũng thế. Tương tự, sao mình không thể hiện tình yêu nhạc đỏ theo cách của mình.

Dù thính giả trẻ là đối tượng bạn hướng tới, nhưng khi một báo mạng dành cho bạn đọc trẻ nghe thử bài “Hò kéo pháo”, hơn 60% phản hồi rằng cách rock hóa nhạc đỏ của Thái Thùy Linh chưa phù hợp?

Mọi người ban đầu có thể hơi bị dội. Nó quá mới so với những gì người ta vẫn nghĩ, vẫn nghe về nhạc đỏ. Bản thân tôi là người đưa ra ý tưởng mà đến khi nhận được bản phối còn hoang mang: Chẳng lẽ nó là như thế này! Vì nó lạ quá.

Khi tập để thu mới biết hóa ra mình cũng bị ảnh hưởng quá nặng bởi những tiềm thức về nhạc đỏ. Hát thế nào cũng bị lai kiểu cũ một tí. Thực sự phải mất rất nhiều thời gian để tìm ra cách thể hiện hợp lý nhất.

Nói nôm na, rock hóa nhạc cách mạng nghe đã thấy xương. Hai dòng hoàn toàn ngược nhau. Một bên cực kỳ chỉn chu bệ vệ, một đằng nổi loạn. Giờ phải dung hòa được hai cái đấy trong một bản nhạc, người nghe chấp nhận được không đơn giản.

Đồng nghiệp nghĩ sao về hướng đi mới của bạn?

Ngày nọ tôi tình cờ xem TV, thấy anh Nguyễn Thụy Kha (nhạc sĩ, nhà báo- PV) nói chuyện: “Tôi nghĩ nếu bài Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam mà phối thành rock nặng nghe cũng rất hay”. Thì lúc đó cảm giác của tôi như thể tìm ra châu Mỹ.

Trước đó, ý nghĩ rock hóa nhạc đỏ đến với tôi nhưng tôi chưa tự tin. Tự nhiên có sự gặp nhau về ý tưởng ít nhất với một người khác, lại là nhà chuyên môn, họ nói phải có cơ sở, đặc biệt anh nhắc đến bài hát tôi yêu quý từ hồi đi học. Mừng quá, tôi như được chắp cánh.

Nhưng có vài anh em trong nghề can ngăn: “Em điên rồi! Bởi nhạc đấy như thể một lĩnh vực thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Khán giả của nó toàn người già cả, đáng kính. Không cẩn thận sẽ bị quy tội nhạo báng(!)”.

Với tôi, miễn mình tự tin rằng đây là một việc nghiêm túc, xuất phát từ tình cảm nghiêm túc, tâm huyết, thì sợ gì thị phi. Còn đẽo cày giữa đường, làm theo mọi người, không phải con đường của tôi.

Về hình thức âm nhạc không có vấn đề gì phải bàn, chỉ có điều phát âm theo kiểu rock của Thái Thùy Linh dường như hơi “trái tai” với nội dung bài hát?

Đấy là cách hát của tôi. Tại sao khi hát các bài khác tôi phát âm như thế, bây giờ vào đĩa này lại phải phát âm tròn vành rõ chữ theo kiểu cách rất mô phạm để làm gì. Tất nhiên tôi không bao giờ chủ trương bằng mọi giá phải làm cho bài hát khác đi. Sự khác đấy phải tự nhiên và hợp lý.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.