Ung thư gia tăng ở Việt Nam - Kỳ cuối: Điều trị ung thư: thiếu đủ thứ

08/12/2010 09:30 GMT+7

Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cho biết bệnh viện muốn mở thêm 30 phòng khám, giảm tải hệ thống hiện tại.

>> Kỳ 1: Bệnh viện quá tải, bệnh nhân vật vạ 

Vốn đầu tư lo được, nhưng vấn đề quan trọng là bác sĩ lại thiếu, đặc biệt là các chuyên khoa thận, tiết niệu, ung bướu, tim mạch…

Thiếu bác sĩ, bệnh viện xây dựng chậm

Nhân lực điều trị bệnh nhân ung bướu đang thiếu ở mọi tuyến. Ông Trần Văn Thuấn, phó giám đốc Bệnh viện K, đánh giá tuyển được bác sĩ làm việc độc lập luôn không dễ. “Ở Ninh Bình muốn tuyển 16 bác sĩ, 2-3 năm trở lại đây mới tuyển được 2-3 người, bác sĩ đa khoa còn thiếu, đương nhiên chuyên khoa ung bướu càng thiếu. Bác sĩ đa khoa tốt nghiệp ĐH y, cần học thêm vài năm chuyên khoa, muốn làm việc độc lập phải mất 10-15 năm”- ông Thuấn nói.

Tại hội nghị quốc gia về ung thư mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng cả về nhân lực, vật lực, ngành y tế mới đáp ứng được 25% nhu cầu điều trị cho bệnh nhân ung thư! Một phần lý do là tiến độ xây dựng các bệnh viện chuyên khoa ung bướu rất chậm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở mới của Bệnh viện K ở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội đã có quyết định giải phóng mặt bằng, cấp đất từ năm 2002, nhưng từ 2002-2007 tiến độ xây dựng khá ì ạch. Mãi đến năm 2008 nhờ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, tốc độ xây dựng mới được đẩy nhanh hơn nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động.

Đến Trung tâm y học hạt nhân và điều trị ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai lúc nào cũng thấy lủng củng giường xếp. Bệnh viện đã có kế hoạch nâng gấp đôi số giường từ 150 giường hiện nay lên 300 giường. Kế hoạch chưa thực hiện nên cơ sở y tế này vẫn là một trong những khu vực quá tải bệnh nhân nhất nước, từng có giường bệnh đến… tám bệnh nhân nằm.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lo không đáp ứng được yêu cầu về nhân lực. Một chuyên gia Bộ Y tế cho biết có những huyện nhiều năm nay không tuyển được bác sĩ, nếu tuyển được lại không đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Bác sĩ tuyến dưới không có điều kiện học tập, trau dồi chuyên môn nên người giỏi cứ đổ dần về tuyến trên. “Có những huyện vùng sâu 5-10 năm nữa không còn bác sĩ nào”- chuyên gia này cho hay.

Lộ trình quy hoạch mạng lưới
phòng chống ung thư  đến năm 2015

đơn vị

số giường

Bệnh viện ung bướu quốc gia

1.300

Viện ung thư quốc gia

200

Bệnh viện ung bướu TP.HCM

1.500

Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện đa khoa T.Ư Thái Nguyên, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Ðiển Uông Bí, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Ðồng Hới, Bệnh viện T.Ư Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy

100-500/bệnh viện

Khoa ung bướu Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Viện Lão khoa quốc gia

50-100/bệnh viện

14 bệnh viện, trung tâm ung bướu ở địa phương

100-500/bệnh viện

31 tỉnh, thành phố sẽ phát triển khoa ung bướu trong bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố

Nguồn: Quyết định phê duyệt phát triển mạng lưới phòng chống
ung thư đến năm 2020 của Bộ Y tế

Có thể phát hiện sớm ung thư

Theo ông Thuấn, ung thư phát hiện sớm, hiệu quả điều trị tăng mà chi phí lại giảm.

“Ở VN, chúng tôi đã thí điểm sàng lọc sớm ung thư vú, cổ tử cung, khoang miệng và đại trực tràng”- ông Thuấn cho hay. Trong đó, phát hiện ung thư vú gồm cả hướng dẫn chị em tự khám vú, chụp tuyến vú định kỳ 1-2 lần/năm cho nhóm từ 40 tuổi trở lên. Ông Thuấn đánh giá chụp tuyến vú có thể phát hiện ung thư từ rất sớm, ngay từ khi chưa sờ thấy khối u.

Với ung thư cổ tử cung, có thể phát hiện sớm bằng xét nghiệm tế bào học âm đạo (PAP test) hoặc soi cổ tử cung. Với ung thư khoang miệng, biểu hiện ban đầu là các vết loét, vết sùi lâu liền trong khoang miệng. Với ung thư đại trực tràng, các bác sĩ có thể khám trực tràng hoặc xét nghiệm máu tìm dấu ấn ẩn trong phân. Trước năm 2007, 80% người bị ung thư VN đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3-4). Hiện tại con số này khoảng 65%. Có thể phát hiện sớm nhiều loại ung thư mà 65% người bệnh còn đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, chất lượng điều trị và chất lượng sống của người bệnh đều hạn chế.

Lối sống gây ung thư

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết có ba nguyên nhân làm người mắc bệnh ung thư gia tăng những năm gần đây:

Hút thuốc lá

Dù đã có quy định  cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng nhưng lại chưa có cơ chế giám sát nghiêm túc chuyện này. Còn rất nhiều người hút thuốc lá ở những nơi công cộng như bệnh viện, công viên, bãi xe... Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người trực tiếp hút mà còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh hít phải khói thuốc.

Ở nước ngoài thuốc lá phải chịu thuế rất mạnh. Mỗi bao thuốc lá giá 15-20 USD nên người hút cũng phải đắn đo khi mua thuốc, chứ tại Việt Nam chỉ cần bỏ ra 5.000-10.000 đồng là có một bao thuốc lá.

Cách ăn uống

Số liệu nghiên cứu mới đây cho thấy 1/3 những trường hợp mắc bệnh ung thư là do có vấn đề trong  ăn uống. Nếu thức ăn hằng ngày bị nhiễm độc mà mọi người không biết ăn vào, lâu ngày sẽ là một trong những nguyên nhân gây ung thư. Hoặc nhiều người ăn rau ít mà tập trung chất béo. Chưa kể nhiều người còn thói quen nhậu nhiều, ngày nào cũng nhậu. Trẻ em cũng thường được các bậc cha mẹ đưa đến ăn tại những tiệm bán thức ăn nhanh. Nơi đây chế biến những món ăn nhiều chất béo, năng lượng cao dễ gây béo phì. Đây cũng là một yếu tố gây bệnh ung thư.

Dễ “kết thân” với virus

Nước ta có tỉ lệ người dân mắc bệnh viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C cao. Sở dĩ tỉ lệ này cao là do cấu trúc tế bào của người dân ở khu vực Đông Nam Á dễ “kết thân” với những con virus này. Điều này cũng lý giải vì sao Việt Nam là nơi có số người mắc bệnh ung thư gan cao. Một số yếu tố khác góp phần làm số người mắc ung thư tăng như khói thải công nghiệp, ô nhiễm môi trường...

Đáng nói là ba nguyên nhân lớn gây ung thư như đề cập trên hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu biết cách điều chỉnh lối sống. 

Thùy Dương

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.