Hà Nội quyết tâm dẹp nhà siêu mỏng
Giải thích về tình trạng “phá sản” Nghị quyết số 09/2000/NQ-HĐND quy định việc mở đường thì phải xây dựng tuyến phố mới hai bên đường, dẫn đến các tuyến đường “nghìn tỉ” nhưng bộ mặt phố lộn xộn với nhà “siêu mỏng, siêu méo”, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội, cho rằng: Nguyên nhân việc mở đường ở trung tâm chưa đạt như mong muốn là do dùng ngân sách TP nên không đủ nguồn lực; không lựa chọn được nhà đầu tư đủ mạnh, đủ lớn để xây dựng tuyến phố mới…
Nhà siêu mỏng, siêu méo ở đầu phố Gia Ngư - Đinh Liệt, Hà Nội - Ảnh: N.Thắng |
Không thỏa mãn, ĐB Ngô Văn Ny tái chất vấn: “Mới đây trả lời đài truyền hình VTV1 về nhà "siêu mỏng, siêu méo" và quy hoạch phố hai bên đường, ông Phó giám đốc Sở QH-KT có nói rằng Đà Nẵng làm được, nhưng Hà Nội không thể làm được. Sự không thống nhất giữa ông giám đốc và phó giám đốc khiến tôi không tin tưởng, cơ quan này không xứng đáng”. Nhận khuyết điểm với ĐB Ny về sự cố “trống đánh xuôi - kèn thổi ngược”, Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Văn Hải hứa: “Rút kinh nghiệm đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Hà Nội chắc chắn giải quyết được vấn đề nhà "siêu mỏng, siêu méo". Tôi xin hứa Hà Nội sẽ giải quyết được vấn đề này”. ĐB Trần Trọng Hanh nhận xét: Các nguyên nhân mà Giám đốc Sở QH-KT đưa ra trong việc giải phóng mặt bằng xây dựng các tuyến phố mới là chưa chính đáng và không thực tế.
Về vấn đề này, ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, khẳng định: “Năm 2005, chưa có luật, nên các nhà làm trước đấy có thể tồn tại, sau đấy phải xử lý. 87 nhà "siêu mỏng, siêu méo" làm trước năm 2005 sẽ phải đền bù nếu có quy hoạch lại, 86 trường hợp khác xây sau năm 2005 là vi phạm thì sẽ xử lý kiên quyết. TP dựa vào nguồn lực, điều kiện để làm từng bước, phân loại để làm, yêu cầu các quận huyện phải làm. Có làm được không? Tôi khẳng định làm được”.
TP.HCM đau đầu với “hố tử thần”
Đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên tại kỳ họp HĐND TP.HCM hôm qua 9.12, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, cho rằng không chỉ có Sở này mà còn nhiều đơn vị khác phải chịu trách nhiệm về 57 “hố tử thần” liên tục “mọc” trên đường trong thời gian qua.
Theo ông Phượng, trong 57 vụ thì sụt lún không do thi công chiếm 36 vụ (63,2%), chỉ có 21 vụ (36,8%) là do việc thi công. Khi ông Phượng khẳng định tái lập mặt đường không phải là nguyên gây ra lún sụt mặt đường như dư luận nói trước nay thì nghị trường sôi động hẳn lên. ĐB Võ Văn Sen nói thẳng: “Tôi bất ngờ và thất vọng trước câu trả lời của anh Phượng. Điều mọi người trông chờ là trách nhiệm chính thuộc về ai thì chỉ thấy anh đá qua đá lại. Theo tôi, nguyên nhân chính là do chất lượng thi công các công trình kém”.
Nhiều ĐB khác chất vấn: “Đã có bao nhiêu vụ “hố tử thần” bị xử lý trách nhiệm? Chi phí bỏ ra để sửa chữa là bao nhiêu? Sửa chữa xong có đảm bảo sẽ không còn lún sụt?...”. Ông Phượng trả lời rằng tất cả 57 vụ lún sụp đều được lập biên bản chi tiết, hố của đơn vị nào thì đơn vị đó chịu trách nhiệm bỏ chi phí khắc phục chứ không lấy kinh phí của nhà nước.
Trả lời chất vấn về nạn đua xe, đại tá Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, thừa nhận xử lý của công an về việc này là có chậm và đó cũng là nỗi bức xúc của chính lực lượng công an. Theo ông Minh, tình trạng đua xe đang ngày càng gia tăng, với 217 vụ trong năm 2010, tăng 20% so với năm 2009. Nguyên nhân là mức xử phạt không đủ sức răn đe, xã hội, gia đình thờ ơ phó mặc cho lực lượng công an.
ĐB Đặng Văn Khoa chất vấn: “Nạn đua xe không mới mà đã xảy ra từ hơn 10 năm qua. Dù ĐB HĐND TP chất vấn nhiều lần, TP đưa ra nhiều giải pháp, nhưng tại sao đến nay nạn đua xe vẫn gây nhức nhối?”.
Đại tá Minh nói rằng đua xe không chỉ xuất hiện từ 10 năm nay mà đã có từ thời chế độ cũ. Lớp trẻ này xuống lớp trẻ khác lên cũng phát sinh đua. Muốn triệt tiêu ngay tức khắc nạn đua xe là điều không thể thực hiện được. TP sẽ tập trung quyết liệt để dẹp tệ nạn này.
Việt Chiến - Minh Nam
Bình luận (0)