Lỗi thời
Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mất 3 năm để soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan ban ngành, người dân đóng góp và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 20.11.2007, có hiệu lực từ ngày 1.1.2009. Điểm tiến bộ của thuế TNCN là xét giảm trừ gia cảnh, bao gồm trừ cho người có thu nhập 4 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 1,6 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ gia cảnh này được đưa ra từ năm 2005 - 2006 để áp dụng cho năm 2009 nên đang trở nên quá lỗi thời, bất hợp lý.
Khi đưa ra mức chiết giảm
4 triệu đồng/người/tháng cho cá nhân và 1,6 triệu đồng/người/tháng cho người phụ thuộc, Ban soạn thảo luật căn cứ vào chỉ số trượt giá, tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng diễn biến lạm phát những năm sau đó tăng mạnh hơn mức dự báo thì cơ quan chức năng vẫn không có thay đổi mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tế.
Cụ thể, ngay sau khi luật thuế này được thông qua thì chỉ số lạm phát 2 năm 2007 và 2008 ở mức trên 2 con số, lần lượt là 12,63% và 22,33%. 11 tháng đầu năm 2010 lên 9,58%. Hay lấy xăng làm một ví dụ. Nếu như năm 2006, giá xăng là 12.000 đồng/lít thì hiện nay, giá xăng đã tăng lên hơn 16.000 đồng/lít, có lúc giá xăng lên 17.000 đồng/lít. Việc giá xăng tăng đã kéo theo giá cả các mặt hàng khác tăng và khiến cho mức giảm trừ của thuế TNCN trở nên quá lỗi thời.
Những người có con đang đi học thì mức giảm trừ 1,6 triệu đồng/tháng/người không kham nổi trong bối cảnh học phí, viện phí, giá sữa, giá thực phẩm tăng rất mạnh so với trước đây.
Theo một chuyên gia thuế, Luật Thuế TNCN đã không có sự kế thừa Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao trước đó. Theo điều 30 của pháp lệnh này: “Trong trường hợp giá cả thị trường biến động từ 20% trở lên thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh các mức bằng tiền mặt trong biểu thuế thu nhập cho phù hợp”.
Bất hợp lý
Một quy định trong Luật Thuế TNCN hiện nay đang gây bức xúc đó là thu nhập làm căn cứ để xác định người phụ thuộc được áp dụng giảm trừ là mức thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 500.000 đồng. Ngưỡng 500.000 đồng không chỉ lỗi thời so với giá cả tiêu dùng mà còn lỗi thời ngay cả với chuẩn nghèo hiện nay của TP.HCM là 1 triệu đồng/tháng.
Anh Nam, nhân viên marketting một công ty tại Q.1 cho biết, con gái anh đang là sinh viên có đi làm thêm với mức thu nhập 1 triệu đồng/tháng. Mức này cũng chỉ đủ tiền mua sách vở, xăng xe, cơm trưa..., vẫn phụ thuộc chủ yếu vào gia đình từ học phí, ăn uống, khi bệnh tật... nhưng lại không được coi là người phụ thuộc. Trên thực tế, ngay sau khi mức quy định người phụ thuộc có thu nhập trên 500.000 đ/tháng không được chiết trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN được ban hành đã có nhiều ý kiến phản đối. Đến thời điểm này, giá cả tiêu dùng đã tăng rất mạnh thì "ngưỡng không phụ thuộc" trên 500.000 đồng đã trở nên quá lỗi thời, gây bức xúc cho rất nhiều người. "Trong tình hình giá cả hiện nay, có ai sống được bằng số tiền này không?" - anh Nam bức xúc.
Cá nhân đóng thuế nhiều hơn DN
Theo biểu thuế lũy tiến từng phần, sau khi trừ đi phần chiết trừ gia cảnh, 5 triệu đồng thu nhập đầu tiên sẽ chịu mức thuế 5% (bậc 1), 5 triệu đồng thu nhập tiếp theo chịu thuế suất 10% (bậc 2), 8 triệu đồng tiếp theo nữa chịu thuế suất 15% (bậc 3), 14 triệu đồng thu nhập tiếp theo chịu thuế suất 20% (bậc 4), 20 triệu đồng tiếp theo chịu thuế suất 25% (bậc 5), 28 triệu đồng tiếp theo nữa chịu thuế suất 30% (bậc 6) và thu nhập trên 28 triệu đồng chịu thuế suất 35% (bậc 7).
Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật TNHH Minh Đăng Quang nhận định, với mức khởi điểm chịu thuế thấp cộng thêm khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế quá ngắn nên nhiều trường hợp rơi vào mức thuế bậc 2 (thuế suất 10%). Một người độc thân sống tại TP.HCM với thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng mà chịu mức thuế suất 10% thì cũng cần xem xét. "Với tốc độ giá cả tăng nhanh, sống ở thành phố có nhiều chi phí phát sinh cao hơn ở nông thôn như tiền đổ rác, gửi xe... Các mức thuế đề ra đừng đặt nặng quá vào mục tiêu tăng thu cho ngân sách mà nên có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu" - LS Trần Xoa nói.
Đó là chưa kể, trong khi nhiều nước cho phép cá nhân trừ đi các chi phí hợp lý khi có hóa đơn chứng từ, khuyến khích người dân tiêu dùng, khoảng cách chịu thuế giữa các bậc cao nên Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi thu hút lao động nước ngoài hay lao động trong nước có “chất xám”. Bởi nếu được chọn, người lao động sẽ chọn đóng thuế ở nước ngoài. Điều này gây thất thu thuế trong nước. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, khoảng cách thu nhập chịu thuế giữa các bậc cần được nghiên cứu kéo giãn ra.
Trong trường hợp so sánh thuế TNCN với thuế thu nhập doanh nghiệp trong nước sẽ thấy rõ sự không hợp lý. Một doanh nghiệp sau khi trừ đi các chi phí như tiền lương, tiền thuê nhà, tiền mua sắm, chi phí hợp lý... có lợi nhuận 100 triệu đồng sẽ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 25 triệu đồng (mức thuế suất 25%). Trong khi một cá nhân, có thu nhập 100 triệu đồng mà không cần biết cá nhân này có phải đầu tư gì để có mức thu nhập này hay không thì mức thuế đóng là 25,15 triệu đồng.
Biểu thuế suất thuế TNCN
|
Cần xem xét miễn, giảm thuế TNCN TS Đinh Thế Hiển Sớm nâng mức chiết trừ gia cảnh TS Nguyễn Văn Thuận (Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng, ĐH Mở TP.HCM) |
Thanh Xuân
Bình luận (0)