Nếu tôi là tổng biên tập...

11/12/2010 23:47 GMT+7

Sáng 11.12, vòng chung kết cuộc thi “Nếu tôi là Tổng biên tập Báo Thanh Niên” đã diễn ra hết sức sôi nổi, với sự tham dự của 10 thí sinh. Bên cạnh bài viết gửi đến từ trước, mỗi thí sinh có 10 phút để trình bày và trực tiếp trả lời phỏng vấn của hội đồng ban giám khảo gồm 5 người.

Mở đầu buổi thi, Phạm Bá Diệp - SV chuyên ngành Ngôn ngữ học trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã có buổi trình bày bài thi ngắn gọn và đầy ấn tượng. Bằng những số liệu, bảng biểu được trình bày bắt mắt, Diệp đã thuyết phục ban giám khảo khi thẳng thắn góp ý những điểm mạnh và yếu của trang điện tử Báo Thanh Niên, nhất là khi đặt ra vấn đề phát triển tờ báo trước những bước tiến mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các phương tiện đa truyền thông. Không dừng lại ở đó, Diệp còn táo bạo hơn với ý tưởng hình thành kênh thông tin TV Thanh Niên trong tương lai nếu trở thành một tổng biên tập.

Ban giám khảo cuộc thi gồm các nhà báo: Nguyễn Quang Thông - Phó chủ tịch Hội LHTN VN, Tổng biên tập Báo Thanh Niên; Đặng Việt Hoa - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên; Hải Thành - Tổng thư ký tòa soạn; Đỗ Hùng - Thư ký tòa soạn và tiến sĩ Huỳnh Văn Thông - Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Với gần 30 trang được trình bày cẩn thận, Trần Thị Duyên - SV khoa Báo chí - Truyền thông, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) lại cho thấy “một tổng biên tập” cần mẫn và nhiều kinh nghiệm. Duyên bày tỏ: “Khi đặt mình vào vai trò tổng biên tập, tôi không cảm nhận được bất cứ dư vị ngọt ngào nào mà thay vào đó là cảm giác khi đang ở đầu sóng ngọn gió”. Trong bài thi, Duyên kiến nghị Thanh Niên cần đẩy mạnh hơn nữa khâu đào tạo nhân sự, phát triển truyền thông, đặc biệt là chú trọng vào công tác nghiên cứu và phát triển.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Kim Khuyên - cũng là SV ngành Báo chí và Truyền thông - có cách đặt vấn đề đầy xúc động khi nhắc lại vụ việc một học sinh tỉnh Quảng Ngãi đã tự tử vì rớt ĐH cách đây mấy năm. Từ đó, Khuyên cho rằng công tác Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên là hoạt động vô cùng ý nghĩa, có tính xã hội sâu rộng.

Dù vậy, Khuyên vẫn cho rằng: “Việc định hướng nghề nghiệp cần được thực hiện xuyên suốt trong 365 ngày chứ không chỉ mùa thi, không giới hạn ở học sinh thi ĐH mà phải làm ngay từ bậc phổ thông”. Ông Đặng Việt Hoa - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên đặt vấn đề: “Với những học sinh vùng sâu vùng xa, không có điều kiện xem tivi thì theo bạn phải đưa thông tin tới bằng cách nào?”. Bằng một câu hỏi ngược lại, Khuyên nêu lên ý tưởng mình đang ấp ủ: “Tại sao chúng ta không là một cầu nối để lực lượng thanh niên, đặc biệt là những sinh viên đã có kinh nghiệm thi cử đi đến các địa phương đó để phổ biến thông tin?”.

Dù là thí sinh nhỏ tuổi nhất nhưng phần trình bày của Nguyễn Cao Quỳnh Như - học sinh trường THPT Trần Phú (TP.HCM) rất tự tin. Bài dự thi cũng khá ấn tượng khi được viết tay trau chuốt.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông - Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thành viên ban giám khảo nhận xét: “Cuộc thi là một cơ hội tuyệt vời để các bạn trẻ thể nghiệm những ý tưởng sáng tạo về nghề báo. Đây cũng là cơ hội đầy thú vị để Báo Thanh Niên lắng nghe đóng góp và gợi ý chân thành từ bạn đọc để tiếp tục phát triển hơn nữa”.

Kết thúc buổi thi, ông Nguyễn Quang Thông - Tổng biên tập Báo Thanh Niên, Trưởng ban giám khảo phát biểu: “Các bài thi đã cung cấp cho chúng tôi những chiến lược phát triển với các giải pháp rất cụ thể. Qua ý kiến của các bạn, chúng tôi tự thấy mình còn phải cố gắng hơn nữa để không ngừng đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Chúng tôi sẽ cân nhắc những giải pháp khả thi các bạn đề ra”. Ông Thông nói thêm: “Cuộc thi là cơ hội để chúng tôi học hỏi rất nhiều từ các bạn - những độc giả trẻ. Đồng thời các bạn cũng có thêm cơ hội để cọ xát và tìm hiểu thêm công việc của những người làm báo”.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.