Tranh làm từ hạt gạo

11/12/2010 20:18 GMT+7

Ở Việt Nam hiện nay đang có khuynh hướng đa dạng hóa chất liệu tác phẩm nghệ thuật bằng cách sử dụng chất liệu lạ: tranh cát, tranh ghép gỗ, tranh đá quý, tranh sỏi... Trong số đó, công phu nhất phải kể đến tranh gạo.

Cửa hàng tranh nghệ thuật Quỳnh Vy (585/4 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) do hai chị em ruột Ngọc Quỳnh và Thúy Vy phụ trách, hiện đang kinh doanh hai mặt hàng chủ yếu là tranh cát và tranh gạo.

Về tranh cát, do “chậm chân” hơn so với một số đồng nghiệp nên Quỳnh Vy chọn cho mình “hàng độc” là mảng tranh chân dung. Khách hàng có thể trưng bày chân dung của mình trên bàn làm việc, treo trên tường, trên kệ sách… Điều Quỳnh Vy thích thú nhất là làm tranh cát cho những cô dâu, chú rể trong ngày cưới. Một hộp kính hình chữ nhật có hai ngăn mà ngăn trước là chân dung của cô dâu, chú rể còn ngăn sau để cho quan khách tự múc những muỗng cát đủ màu đổ vào đó, tạo thành một bức tranh trừu tượng như là một món quà tập thể gửi tặng đôi vợ chồng mới trong ngày hạnh phúc nhất.

Món “độc quyền” của Quỳnh Vy chính là tranh gạo. Đây là mảng tranh đòi hỏi nghệ nhân ngoài cảm quan mỹ học và sự khéo tay còn phải hết sức kiên nhẫn, tinh tế bởi người làm tranh phải thực hiện nhiều công đoạn: chọn gạo (nếp, tẻ, nếp than, gạo tám… tròn, dài…); xử lý gạo bằng nhiệt độ (có thể gọi nôm na là rang gạo. Để càng lâu và nhiệt độ càng cao thì hạt gạo sẽ có những màu: ngà, vàng, cánh gián, nâu, đen…); chọn lại một lần nữa để loại bỏ những hạt gạo bị biến dạng; vẽ phác thảo tranh; đổ lớp keo thứ nhất và dùng nhíp gắp từng hạt gạo gắn vào những vị trí đã phối màu. Như vậy, những hạt gạo không nằm chồng chéo lên nhau mà phủ kín mặt tranh chỉ bằng một lớp nằm khít khao; phủ lớp keo thứ hai để cố định từng chi tiết của tranh. Cuối cùng là xử lý hóa chất để hạt gạo không bị mối mọt.

Tranh gạo của Quỳnh Vy khá phong phú về đề tài: tranh phong cảnh - kiến trúc, tranh thư pháp, tranh chân dung, tranh tôn giáo, tranh muông thú, tranh nghệ thuật và logo - hàng đặt… Nhiều bức tranh gạo của Quỳnh Vy đã đạt được tính thẩm mỹ cao như một khuôn mặt thiếu nữ được thể hiện bằng hình ảnh sinh động của hai con ngựa và những cánh chim, chân dung thiếu nữ bằng hoa loa kèn, cảnh tượng Chúa Jesus trên thập tự giá được thể hiện bằng nhiều khuôn mặt, tranh Đám cưới chuột (nhái tranh Đông Hồ). Có bức tranh thể hiện bốn con ngựa đang phi mà ở phía trên là chân dung của cặp vợ chồng và hai người con, cũng có bức tuy đường nét rất đơn sơ vẫn lay động lòng người: những đứa trẻ mục đồng ngồi trên lưng trâu phất ngọn cờ lau, gợi nhớ đến tuổi thơ Đinh Bộ Lĩnh, bức tranh đẹp như một bài đồng dao…

Trung tuần tháng 10.2010, tranh gạo của Quỳnh Vy đã được chọn là một trong những “đại sứ văn hóa” của TP.HCM đem sang Hàn Quốc giao lưu với thành phố Busan kết nghĩa. Ngài Thị trưởng thành phố Busan và ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã đến khai mạc phòng tranh của Quỳnh Vy. Những bức tranh gạo của Quỳnh Vy đã là những món quà đầy ý nghĩa mà đoàn Việt Nam trao tặng cho thành phố bạn, cho Hội người Hàn tại TP.HCM. Không chỉ thế, tranh gạo Quỳnh Vy còn là sự lựa chọn để làm vật bán đấu giá gây quỹ từ thiện của nhiều văn nghệ sĩ. 

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.