Xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhiều sinh viên (SV) có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ trong quá trình học tập và sinh hoạt; tránh những trường hợp SV túng quẫn phải tìm đến những chỗ cho vay với lãi suất cao ở bên ngoài, Hội SV của trường đã nghĩ ra nhiều cách để giúp đỡ các bạn.
Năm 2005, hội đã xin nhà trường thành lập một thư quán đặt tại cơ sở 2 ở Q.9 (TP.HCM). Thư quán ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết về cung cấp những mặt hàng nhu yếu phẩm hằng ngày cho SV, vừa đảm bảo giá cả phải chăng, lại tạo được việc làm thường xuyên cho gần chục SV thay nhau làm ca để kiếm tiền ăn học, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Sau khi chi trả những khoản chi phí, toàn bộ lợi nhuận của thư quán được chuyển vào quỹ để khi các bạn có nhu cầu thì hội cho mượn.
Đối tượng hỗ trợ là SV có hoàn cảnh khó khăn, cần vay tiền để giải quyết một số việc gấp khi gia đình chưa kịp gửi tiền hoặc cần trang trải cho cuộc sống hiện tại như: tiền nhà trọ, tiền thế chân cho trung tâm gia sư để có chỗ dạy kèm, đóng tiền ăn hoặc chi phí cho những việc cần thiết... mức vay từ 300 ngàn đồng đến 2 triệu đồng/SV.
Nguồn vốn được hình thành từ lợi nhuận của thư quán; Hội SV nhận làm một số công việc như trang trí sân khấu, in pa-nô, biểu ngữ thông qua các sự kiện lớn trong năm do các công ty phối hợp với nhà trường tổ chức để giới thiệu sản phẩm. Chị Phạm Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội SV của trường, cho biết: “Nhu cầu vay của SV rất lớn nhưng do nguồn vốn của hội còn hạn chế nên nhiều khi không giải quyết được hết những nguyện vọng của các bạn. Vì vậy, sắp tới chúng tôi sẽ thành lập CLB đồng hành cùng SV nhằm tập hợp những bạn có tay nghề để làm ra những sản phẩm như: móc khóa, đồ trang sức, đồ dùng dạy học… để bán ra thị trường và cung cấp cho các trường mẫu giáo, vừa tạo công ăn việc làm cho SV của trường, vừa lấy lợi nhuận bổ sung vào nguồn quỹ để giúp đỡ những SV khó khăn khi cần vay vốn”.
Nguyễn Thị Thu Hiền, lớp Nhạc 9 cho biết: “Đây là mô hình hết sức thiết thực và giải quyết được nhu cầu chính đáng của SV. Nhiều khi tụi em kẹt 300 ngàn đồng, 500 ngàn đồng nhưng không biết chạy đâu ra. Vì vậy, từ khi mô hình này ra đời, nó đã trở thành chỗ dựa cho nhiều bạn khi gặp khó khăn”. Còn bạn Bùi Hữu Quang, lớp Mỹ thuật 9, thì trăn trở: “Đây là mô hình rất hay và cần nhân rộng ra ở nhiều trường ĐH-CĐ nhằm đáp ứng nhu cầu có thực của SV. Tuy số tiền vay chỉ 500 ngàn hoặc 1 triệu đồng, nhưng đối với những SV khi gặp khó khăn, đó là khoản tiền không nhỏ, nhiều khi nó làm thay đổi cuộc sống của các bạn”. Tôn Thị Tâm, lớp 20C, nói về những cảm nhận của mình về mô hình này: “Không những giúp cho SV vay vốn để giải quyết những khó khăn trước mắt, mô hình này còn có ý nghĩa sâu xa hơn là tạo sự gần gũi giữa SV với hội, qua đó có những động viên, khích lệ kịp thời”.
Lê Thanh
Bình luận (0)