Laura Burke đã sống ở Việt Nam 8 năm với công việc trang trí nội thất cao cấp, dù bà là đạo diễn phim. Và bà đã mê xiếc Việt Nam, mê võ dân tộc vovinam, mê lịch sử và cả cải lương. Bà thèm giới thiệu những thứ mình mê cho thế giới. Thế là bà rủ bạn bè, có cả người Việt, lập Công ty Xin chào, để bà dựng vở. Vở đầu tiên cũng mang tên Xin chào, tổng hợp từ những bộ môn nghệ thuật đó.
|
Đến giai đoạn lịch sử quyết liệt khi Hai Bà Trưng chống quân Hán, thì cái đẹp võ thuật lên ngôi. Laura từng nói trên thế giới hiếm khi thấy người phụ nữ đứng dậy lãnh đạo đất nước chống giặc, nhất là trong thời phong kiến, cho nên bà vô cùng ngưỡng mộ Hai Bà Trưng, nhất quyết chọn đưa vào kịch bản. Lớp diễn Thi Sách chia tay Trưng Trắc, rồi Thi Sách lên dàn hỏa, trong tiếng ca xót lòng gợi nhớ cố NSƯT Thanh Nga trong vở Tiếng trống Mê Linh. “Trong giây phút chia tay, tim nguyện ghi lời thề…”. Một chút cải lương xao xuyến lòng người, dù dàn nhạc cải lương hoàn toàn không có, chỉ có tiếng hát rơi rơi chầm chậm.
|
Và Việt Nam với công cuộc xây dựng, phát triển mạnh mẽ, với nhịp sống hối hả, cũng được người xem tán thưởng. Một anh công nhân đào đường, một cô giáo lên lớp, một cô bác sĩ, những người nông dân… tất bật và yêu đời. Việt Nam trong mắt bạn bè thật là dễ thương.
Tuy nhiên, vẫn có những “hạt sạn” đáng tiếc. Lạc Long Quân và u Cơ mỗi người dẫn 50 con đi lập nghiệp, lại biến thành hai cái gánh có những con búp bê vải nhỏ xíu nhìn như… “ông đô vong” trong tuồng Ngao Sò Ốc Hến, khiến ai nấy cười rần rần. Lẽ ra nên chọn một số em thiếu nhi của các trường múa, cho “nở ra” từ những cái trứng rồi tung tăng theo mẹ theo cha, chắc là hay hơn.
Nhưng nhìn chung, thành công của vở diễn khiến khán giả người Việt lẫn du khách đều vui.
Hoàng Kim
Bình luận (0)