Doanh nghiệp và trường dạy nghề chưa gặp nhau

13/12/2010 19:43 GMT+7

Chất lượng dạy nghề còn nhiều yếu kém, ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường... là vì doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề chưa tìm được tiếng nói chung.

Theo phản ánh của các cơ sở dạy nghề tại hội thảo về hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và DN do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 7.12, dù các trường nghề đào tạo nhân lực cung cấp cho DN,  nhưng không phải lúc nào họ cũng nhận được sự hợp tác từ phía DN. Thậm chí, có cơ sở dạy nghề khi liên hệ công tác, DN hờ hững, từ chối với lý do bận công việc... và chỉ đến khi thiếu lao động hoặc vào kỳ tốt nghiệp, DN mới tìm đến cơ sở đào tạo. Ông Nguyễn Ánh Vân Hà - Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM - cho hay: “Đến mùa tốt nghiệp có đơn vị liên hệ với trường chúng tôi “xin” tuyển 100 lao động nghề tiện, trên thực tế, khóa học đó chỉ có 38 em”.  

Ông Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề, cho rằng quan hệ giữa các cơ sở dạy nghề với DN còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ. Nhiều DN và người sử dụng lao động chưa thấy được trách nhiệm và lợi ích của mình trong công tác dạy nghề. Ông Dương Đình Nông - Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên) - nói thêm: “Là cơ sở đào tạo, ai chẳng mong học sinh - sinh viên của mình ra trường làm được việc ngay. Nếu như DN và nhà trường cùng bắt tay nhau từ đầu thì đâu đến nỗi DN tiếp nhận lao động phải mất công đào tạo lại. Theo tôi, hằng năm, các trường nên tổ chức các cuộc gặp gỡ với DN xem năm tới họ cần nguồn nhân lực như thế nào để điều chỉnh linh hoạt trong giảng dạy, tuyển sinh...”.

Không chỉ có cơ sở dạy nghề góp ý với DN, ông Hoàng Quang Phòng - Chánh văn phòng Công tác Hiệp hội DN (Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam) - thừa nhận: “Các DN được hưởng lợi thành quả đào tạo nghề, được quyền lựa chọn lao động thoải mái. Các DN hầu như không hỗ trợ gì đối với các trường nghề trong quá trình đào tạo và thiếu chủ động liên hệ với các trường nghề để đặt hàng lao động”. Theo ông Phòng, điều này ngược với quy luật của thị trường, DN muốn nhận lao động qua đào tạo phải trả phí đào tạo cho các trường nghề.

Hạn chế lớn nhất trong đào tạo nghề là chưa có cơ chế ràng buộc giữa nhà trường với các DN để khuyến khích DN tham gia đào tạo, đánh giá kết quả và tiếp nhận học sinh - sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Trong định hướng đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020, Tổng cục Dạy nghề sẽ đưa ra giải pháp tăng cường gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với DN. Tại các cơ sở dạy nghề sẽ thành lập phòng, trung tâm quan hệ với DN để thường xuyên nắm bắt nhu cầu lao động qua đào tạo nghề của DN, huy động sự tham gia của DN trong việc xây dựng chương trình khung, giáo trình, giảng dạy, thực tập sản xuất và đánh giá kết quả học tập của sinh viên, tư vấn giới thiệu việc làm.

Còn DN có trách nhiệm cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề về quy mô, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ cho các cơ sở dạy nghề; tổ chức xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề; tham gia vào quá trình phát triển chương trình đào tạo.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, cuộc cạnh tranh của các DN Việt Nam ngày càng khốc liệt và khó khăn. Yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của Việt Nam chính là nguồn nhân lực. “Muốn cạnh tranh với các DN nước ngoài, DN trong nước phải đầu tư vào công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Để gia tăng sự đóng góp của DN vào lĩnh vực đào tạo nghề, cần khuyến khích các DN, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thành lập các trường dạy nghề. Đây là mô hình kết hợp tốt nhất giữa nhà trường và DN, vừa tạo cơ hội việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp, vừa đáp ứng tốt nhu cầu về nguồn nhân lực cho DN”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Hải Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.