Để cung cấp thêm thông tin, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc những khuyến cáo, nghiên cứu đã có từ rất lâu của nhiều tổ chức trên thế giới, cùng ý kiến chính thức của cơ quan chức năng VN.
BPA độc: Phát hiện từ lâu
Những vụ việc như sữa có chất melamine, “tử dược” mediator..., trong khi thế giới đã có khuyến cáo và quyết định từ lâu thì ở VN, các cơ quan chức năng liên quan vẫn "bình chân như vại", hoặc là phản ứng quá chậm.
Vụ “tử dược mediator” được Pháp và châu u cấm từ năm ngoái nhưng chỉ đến khi các quan chức y tế Pháp đưa ra lời khuyến cáo loại thuốc này có thể liên quan đến cái chết của gần 500 người thì Cục quản lý Dược VN mới có quyết định đình chỉ lưu hành (ngày 22.11.2010).
Trở lại trường hợp của chất BPA (bisphenolA) có trong bình sữa, đồ nhựa, hộp đựng thức ăn được công bố trong nhiều cuộc nghiên cứu tiến hành từ năm 2003. Đến 2005, một số nơi trên thế giới đã có thể kết luận BPA là hóa chất rất độc hại.
Đến tháng 2.2008, nhiều tổ chức, nhóm nghiên cứu tại Mỹ đã có nhiều bài viết nghiên cứu, cảnh báo và khuyến cáo cặn kẽ về độc tố BPA (được giới thiệu trên trang uptodate.com). Chương trình Sức khỏe và dinh dưỡng của Mỹ đã phát hiện đến 92,6% người bị phơi nhiễm BPA trong một cuộc tiến hành khảo sát trên 2.517 người từ 6 tuổi trở lên.
Khoa Dịch tễ học, Trường Y tế cộng đồng, ĐH Harvard năm 2009 khảo sát nước tiểu của 77 sinh viên sử dụng bình đựng nước có BPA trong một tuần, phát hiện lượng BPA tăng 2/3.
Trong đó nêu rõ, BPA thuộc nhóm polycarbonat, gồm các chất polymer dẻo nóng và trong suốt, được sử dụng như chất tạo khuôn. BPA chủ yếu có trong sơn epoxy - một loại sơn bảo quản dùng để tráng bên trong các sản phẩm bằng nhựa và đồ hộp kim loại đựng thực phẩm nhưng nó có thể phôi nhiễm khi bao bì được đun nóng, được làm sạch bằng các chất tẩy rửa mạnh hoặc tiếp xúc với thức ăn hoặc đồ uống có tính axit.
Chính vì những độc hại nói trên mà Viện khoa học Môi trường quốc gia Mỹ đã đưa ra lời khuyên đối với việc hạn chế sử dụng các đồ dùng có BPA như sau: • Không hâm nóng thức ăn đựng trong những hộp nhựa, đĩa nhựa trong lò vi sóng. • Tránh dùng hộp nhựa có chứa chất BPA (được đánh dấu số 7 hoặc ký hiệu PC). • Giảm tối đa việc sử dụng thức ăn đóng hộp. • Dùng chai đựng nước không có BPA (Ký hiệu BPA free). • Nếu để sử dụng đựng thức ăn, nước uống nóng nên sử dụng các sản phẩm thay thế khác bằng thủy tinh, thép không gỉ, đồ sứ, nhựa an toàn hơn. |
Chương trình độc tố quốc gia của Bộ Y tế Mỹ cảnh báo BPA có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ, làm thay đổi chức năng của hệ miễn dịch, gây rối loạn hành vi và khả năng nhận thức. Về lâu dài, nó có thể gây tổn thương não bộ, gây ra bệnh Alzheimer và một số bệnh ung thư.
Trẻ nhỏ sớm tiếp xúc với BPA sẽ bị tổn thương vĩnh viễn. Nhiều tổ chức nước ngoài đã khuyến cáo rất rõ rằng phụ nữ có thai hoặc cho con bú nên tránh những sản phẩm có chứa chất BPA, nhằm giảm tối đa cơ hội bị phơi nhiễm, tránh ảnh hưởng cho trẻ mới sinh.
Con đường phơi nhiễm chính là qua ăn uống, BPA có thể thấm vào thức ăn, nước uống từ hộp chứa hay bình đựng nước.
Thông tin về chất BPA đã có từ rất lâu thông qua các nghiên cứu và khuyến cáo của Canada, Liên minh châu u và Mỹ.
VN kiểm soát chặt chẽ chất BPA trong bình sữa
Hôm 13.12, trả lời PV Thanh Niên Online, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP, Bộ Y tế) cho biết: "Những thông tin liên quan về chất BPA thực ra vẫn đang còn tiếp tục tranh cãi. Cho tới thời điểm này, chúng ta vẫn tiếp tục chờ ý kiến chính thức từ CODEX (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế). Tại VN, BPA là thành phần mà nhà sản xuất, nhập khẩu buộc phải nêu rõ hàm lượng khi công bố chất lượng sản phẩm".
* Trong nước, các bậc cha mẹ hiện rất thiếu các thông tin về chất BPA. Xin ông cho biết về mức độ nguy hiểm của chất này với trẻ nhỏ?
|
- Ông Nguyễn Công Khẩn: BPA có tên đầy đủ là Bisphenol-A. Đây là một loại hóa chất dùng để sản xuất nhựa PC - loại nhựa vẫn được dùng để sản xuất bình sữa dành cho trẻ em. Báo cáo từ Canada cho rằng, BPA vào cơ thể trẻ nhỏ có thể gây ảnh hưởng không tốt đến nội tiết của trẻ. Trong khi đó, sản phẩm bình sữa làm bằng nhựa có chứa BPA thường được sử dụng ở trẻ nhỏ, lứa tuổi được cho là chưa có men giúp tiêu hủy BPA ra khỏi cơ thể.
* Vậy, VN sẽ xử lý như thế nào với các bình sữa có BPA?
- Ông Nguyễn Công Khẩn: Lâu nay, chúng ta đã có tiêu chuẩn quy định hàm lượng chất này, căn cứ theo tiêu chuẩn của CODEX. Tiêu chuẩn này là 2,5 mg BPA/kg nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm đó. Bởi vậy, hiện tại, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn vẫn được lưu hành. Thực ra, chúng ta chưa đưa ra quyết định cấm lưu hành, bởi như thông tin chúng tôi cập nhật, ngay tại châu u cũng chưa có các ý kiến thống nhất về mức độ nguy hại của chất này.
Hiện có 18 doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm bình sữa cho trẻ em vào VN, Cơ quan quản lý hoàn toàn nắm chắc địa chỉ, nguồn nhập khẩu các sản phẩm nói trên và có thể kiểm tra bất kỳ chất lượng sản phẩm và đảm bảo có được kết quả khách quan nhất. Việc xét nghiệm, xác định hàm lượng chất này cũng hoàn toàn trong khả năng của các phòng xét nghiệm trong nước. Chúng tôi khẳng định, trong trường hợp xét nghiệm phát hiện thấy những bất thường, lập tức các cảnh báo đến người tiêu dùng sẽ được đưa ra sớm nhất và việc thu hồi sản phẩm gây nguy hại sẽ được thông báo rộng rãi
|
|
Ông Nguyễn Công Khẩn |
* Thưa ông, với sự cố BPA, người dân có cảm nhận rằng, cơ quan quản lý về thực phẩm trong nước chưa chủ động, còn chậm trễ khi tiếp nhận, xử lý các cảnh báo nguy cơ?
- Ông Nguyễn Công Khẩn: Tôi khẳng định rằng, đã có những thay đổi đáng kể về vấn đề này. Trong vòng hơn một năm qua, các thông tin cảnh báo về các sự cố liên quan đến ATVSTP được cập nhật ít nhất 3 lần trong ngày và một đường dây tiếp nhận thông tin về các sự cố ATVSTP trong và ngoài luôn luôn ở chế độ online. Tất cả nhằm đảm bảo tiếp nhận được sớm nhất các thông tin cảnh báo trong và ngoài nước, từ các cơ quan quản lý cũng như thông tin trên các phương tiện truyền thông.
Riêng với BPA, chúng tôi đã biết châu u đưa ra cảnh báo từ hơn một tháng trước (đầu tháng 11). Ngay lập tức, một số mẫu bình sữa từ các nhà nhập khẩu về VN đã được lấy xét nghiệm. Các mẫu xét nghiệm đều cho thấy, các sản phẩm bình sữa được nhập khẩu chính thức không có hoặc BPA đều dưới mức cho phép.
* Ông cho lời khuyên về sử dụng bình sữa cũng như vật dụng cho trẻ nhỏ để đảm bảo an toàn?
- Ông Nguyễn Công Khẩn: Điều đầu tiên tôi muốn gửi đến các bậc cha mẹ, đó là tăng cường cho trẻ được bú mẹ hoàn toàn, hạn chế đến mức thấp nhất việc đưa các hóa chất ngậm vào miệng trẻ (núm vú cao su, núm vú giả...). Các sản phẩm cho trẻ phải luôn luôn là sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng với các tiêu chuẩn được công bố trên bao bì. Nguy cơ rất đáng lo ngại khi sử dụng bình sữa còn là nhiễm vi sinh vật, gây bệnh cho trẻ, đặc biệt là gây bệnh đường tiêu hóa.
Việc vệ sinh bình sữa cần luôn được chú trọng và xử lý riêng biệt. Sử dụng bình sữa bằng thủy tinh cũng được cho là ưu việt hơn so với bình sữa bằng nhựa, bởi nguy cơ nhiễm một số chất trong sản phẩm bằng thủy tinh thấp hơn. Tuy nhiên, dù sản phẩm sản xuất bằng chất liệu nào thì cũng phải có nguồn gốc rõ ràng. Bởi sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng thì không chỉ lo ngại về BPA mà có thể là tạp chất khác.
Người dân, DN mong muốn được biết sớm Nhiều bạn đọc đã có ý kiến phản hồi vụ việc bình sữa có chất BPA nói trên. Một phản hồi từ địa chỉ ttkvbd81@... nhận xét thẳng: “Tôi cho rằng cơ quan quản lý của chúng ta xử lý quá chậm đối với những vấn đề nhạy cảm. Rõ ràng cả thế giới đã công nhận BisphenolA (BPA) là có độc mà không có phản ứng gì. Đành rằng nền khoa học chúng ta chưa có khả năng kiểm tra ảnh hưởng của BPA đối với con người, nhưng chúng ta phải chấp nhận kết quả nghiên cứu của người ta. Chắc cơ quan quản lý sẽ thông báo đến người dân khi hàng loạt thế hệ trẻ chúng ta bị ảnh hưởng do BPA nhỉ?”. Bạn đọc nguyenhongchauktkt@... nêu kiến nghị: “Tôi cho rằng cơ quan chức năng nên nhanh chóng ra tay xử lý, chứ để tình trạng này cứ tiếp tục xảy ra thì hậu quả sẽ không lường trước được cho các bé về sau này, với một hợp chất độc hại như BPA thì cần nghiêm cấm sử dụng vì nó còn ảnh hưởng đến cả người lớn chứ không riêng gì trẻ em”. Trong khi đó, bạn Lưu Minh Tuấn (tuanuyen99@...) bức xúc: “Tôi cũng đang có con nhỏ và cũng có bú bình, trước đây tôi cũng không nghĩ đến việc này, khi đọc bài này tôi mới kiểm tra lại bình sữa đúng là không có chữ BPA free. Nghĩ ra mà tội cho dân mình quá, dân không biết còn cơ quan chức năng có biết (biết rõ) nhưng cũng như không. Ngay cả tôi là công chức mà cũng có biết về thông tin này, nếu muốn mua được bình sữa không có BPA chắc phải đi tìm trong "sách đỏ Việt Nam" quá”. Không chỉ có bạn đọc mà một số DN nhập khẩu bình sữa, đạt đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế cũng đang hoang mang vì sản phẩm của họ bị nhiều người phản đối. Chính các DN cũng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này sớm phải lên tiếng để công ty và thương hiệu của họ không bị... phá sản. |
Liên Châu - Thành Trung
Bình luận (0)