Miền Bắc "lỡ hẹn" mưa sao băng đẹp nhất

14/12/2010 16:20 GMT+7

(TNO) Trận mưa sao băng Geminids (mưa sao băng Song Tử), một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm 2010 sẽ đạt cực đại vào khoảng đêm nay rạng sáng mai (15.12). >> Đêm 14.12 có mưa sao băng đẹp nhất

Theo ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn và Vũ trụ VN, tại nước ta, từ trưa nay người dân hướng mắt về phía chòm sao Song Tử (tâm điểm của trận mưa sao băng) có thể thấy sao băng xuất hiện nhiều dần cho đến khi đạt cực đại vào khoảng 2 giờ sáng mai và kết thúc sau đó ba giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, người dân các tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên - Huế trở ra gần như không thể chiêm ngưỡng được hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.

Nguyên nhân, theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, không khí lạnh tràn về gây mưa bụi và sương mù dày đặc tại các tỉnh phía Bắc, cho nên tầm nhìn bị hạn chế đáng kể.

“Với hình thái thời tiết này, người dân các tỉnh miền Bắc sẽ không hoặc rất khó có thể nhìn thấy mưa sao băng vào đêm nay”, ông Tăng nói. Trong khi đó, tại các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào phía Nam, thời tiết tương đối thuận lợi để mọi người chiêm ngưỡng mưa sao băng.

Ông Phường khuyến cáo, để chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này trọn vẹn, mọi người nên chọn địa điểm quan sát là những nơi quang đãng, không bị che khuất hoặc giới hạn tầm nhìn...

“Khác với quan sát các hiện tượng thiên văn khác như nhật thực, nguyệt thực cần phải có kính thiên văn, kính bảo vệ mắt để tránh tia tử ngoại, mưa sao băng không làm phương hại đến mắt cũng như sức khỏe con người nên quan sát bằng mắt thường là tốt nhất. Ngoài ra, có thể sử dụng máy ảnh, phơi sáng trong nhiều giờ suốt thời gian diễn ra cực đại để ghi lại những hình ảnh đẹp mắt về sao băng”, ông Phường nói.

Cũng theo ông Phường, mưa sao băng không có nghĩa là sao băng rơi như “mưa rào”. Thời gian cực đại cũng chỉ có khoảng gần 100 sao băng  trong một giờ nên cần phải kiên nhẫn quan sát.

Mỗi năm, chúng ta có cơ hội được quan sát khoảng 8 trận mưa sao băng lớn. Các trận mưa sao băng này thường lặp lại cùng thời điểm xuất hiện từ năm này sang năm khác. Nguyên nhân là do các hạt bụi, thường là xác của những sao chổi, phân bố theo quỹ đạo hình elip quay quanh Mặt trời theo chu kì nhất định và cắt ngang quỹ đạo của Trái đất. Khi Trái đất đi xuyên qua đám bụi này sẽ tạo nên hiện tượng mưa sao băng như chúng ta thấy.

Theo các nhà thiên văn học, mưa sao băng không mang một yếu tố tâm linh nào và hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong vũ trụ có rất nhiều bụi thường gọi là vẫn thạch và cả những thiên thạch đầy đủ kích cỡ từ một hòn đá cuội đến đường kính vài chục mét...

Khi những mảnh thiên thạch này “lang thang” đến gần Trái đất, lực hấp dẫn của Trái đất sẽ “hút” chúng. Các thiên thạch lao vào bầu khí quyển với vận tốc rất lớn khoảng 30 - 50 km/giây, tạo ra các sóng xung kích, nén các phần tử không khí phía trước làm cho nhiệt độ cao đến hàng nghìn độ và bị bốc cháy tạo ra những vệt sáng ở độ cao 60 - 100km (tính từ mặt đất lên). Người ta gọi những vệt sáng nhỏ ấy là sao băng.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.