Nên cho mang thai hộ
Vợ chồng chị P.L (TP.HCM) có con đầu lòng đã gần 10 tuổi, kinh tế gia đình nay rất khá, cộng với tuổi còn trẻ (mới ngoài 30) nên rất muốn có thêm đứa con nữa nhưng không thể được. Bởi trong một lần phẫu thuật cấp cứu gần đây, để cứu mạng sống của chị, bác sĩ buộc phải cắt bỏ tử cung. Muốn có con, vợ chồng chị chỉ còn cách lấy tinh trùng của chồng cho thụ tinh với trứng của vợ rồi cấy phôi vào buồng tử cung của một người phụ nữ khác. Ngặt nỗi trong nước không cho phép mang thai hộ. Khi nghe Thái Lan cho phép thực hiện điều này, rất nhiều lần vợ chồng chị định sang đó thực hiện sinh thêm con, nhưng rồi nghĩ lại giọt máu của mình để cho một người bên kia biên giới mang, không an tâm nên chị lại thôi.
Vợ chồng chị P.L dù sao cũng đã có một đứa con. Còn những phụ nữ chưa có con, không may vì bệnh tật, hay tai nạn phải cắt bỏ tử cung thì coi như không thể có con ruột.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Phụ sản Hùng Vương (TP.HCM), nhìn nhận đây là nhu cầu thực tế đặt ra lớn nhất trong điều trị vô sinh. “Với những trường hợp mang thai hộ, không làm theo yêu cầu của người bệnh, mà phải có hội đồng chuyên môn xác nhận họ không có khả năng mang thai thì mới được làm”, bác sĩ Ngọc Sương đề nghị.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), chia sẻ: “Trong thực tế chữa trị, có những chỉ định cần làm cho bệnh nhân, nhưng vì quy định chưa cho phép, như mang thai hộ, tuổi người phụ nữ xin trứng quá 45... Có một số tình huống cụ thể rất thương tâm nhưng không thể làm gì hơn”. Theo bác sĩ Tuyết: “Lý tưởng nhất là mang thai hộ chỉ cho làm ở một số trường hợp đặc biệt, khi làm phải thông qua hội đồng khoa học xét duyệt”.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh (TP.HCM), cũng đề nghị “có thể cho phép mang thai hộ, nhưng quy định phải chặt chẽ”.
Quy định tuổi ngặt nghèo
Quy định phụ nữ bước qua tuổi 45 không được làm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) cũng có bất cập. Thực tế, trong xã hội hiện đại phần lớn các cặp vợ chồng có rất ít con, có gia đình chỉ có một con, nhưng không may đứa con đó mất đi, người ta muốn có con lại thì lúc này tuổi người phụ nữ đã lớn, có khi qua 45 tuổi, không có con tự nhiên được mà cần phải TTTON. Ngoài ra, vài thập niên gần đây đa phần người ta lập gia đình muộn. Sau khi cưới vài năm tính chuyện sinh con, khi thấy hiếm muộn mới đi chữa trị và thời gian chữa trị kéo dài nhiều năm, đến khi tuổi người vợ bước qua tuổi 45...
Một bất cập khác: Do mỗi lần làm TTTON tốn thời gian và rất nhiều tiền, nên bác sĩ sẽ lấy tinh trùng và trứng của cặp vợ chồng để tạo ra một số phôi. Sau khi chọn những phôi tốt nhất chuyển vào buồng tử cung người vợ, vẫn còn lại một số phôi dự trữ, để nếu TTTON lần đầu thất bại hoặc cặp vợ chồng muốn có con tiếp thì sẽ lấy phôi dự trữ ra làm.
Quy định hiện hành, phôi dư ra lưu tại BV nếu không có nhu cầu có con nữa thì các cặp vợ chồng có quyền yêu cầu BV hủy phôi; hoặc cho tặng lại các cặp vợ chồng khác (không được biết cho ai), hiến tặng cho BV để làm công tác nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, hiện nay chưa có hướng dẫn rõ ràng về các vấn đề liên quan. Thực tế, đã có những cặp vợ chồng đồng ý cho phôi nhưng vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên các bác sĩ chưa thể quyết định.
Lo việc kiểm soát nguồn tinh trùng
Bên cạnh những bất cập về pháp lý, nhiều người cũng lo ngại liệu có xảy ra nhầm lẫn trong quá trình thực hiện TTTON, nhất là việc lấy tinh trùng.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, “với các trường hợp điều trị hiếm muộn vô sinh, nếu cần lấy tinh trùng của người chồng như trong thụ tinh nhân tạo, TTTON, thì BV có phòng riêng để người chồng có thể lấy tinh trùng trực tiếp tại BV, một phần để đảm bảo chất lượng, một phần để quản lý nguồn vào của tinh trùng”. Thế nhưng, thực tế khi lấy mẫu tinh trùng, người chồng tự cầm lọ vào phòng một mình để lấy, thậm chí ở môi trường BV có người bị ức chế không lấy được tinh trùng thì có nơi điều trị cũng cho phép họ về nhà lấy rồi mang vào... Về cách làm này, bác sĩ Hồ Mạnh Tường nhìn nhận: “Đúng là với những trường hợp như vậy chúng ta không thể kiểm soát được. Nhưng nếu họ có tráo bằng tinh trùng lấy từ người khác không phải của mình, thì đây là việc chủ ý (ít xảy ra), chứ không phải nhầm lẫn do các khâu thực hiện TTTON”.
Bên cạnh đó, do khan hiếm nguồn tinh trùng trong điều trị hiếm muộn, vô sinh dẫn đến tình trạng thời gian qua tại một số khu vực gần các nơi điều trị vô sinh, người ta gạ bán tinh trùng. Giới chuyên môn còn lo ngại việc làm sao quản lý nguồn tinh trùng ở những phòng xét nghiệm, phòng mạch tư, nếu họ cố tình sai phạm. Lo ngại đó được đặt ra vì hiện nay do nhu cầu lớn nên có rất nhiều phòng mạch sản phụ khoa cũng “ôm” luôn việc chữa trị hiếm muộn.
Khó có nhầm lẫn “kiểu Singpore” Vụ việc cặp vợ chồng (vợ người Singapore, chồng người gốc u) làm TTTON ở BV Thomson (Singapore) tá hỏa khi phát hiện con sinh ra có nguồn gốc DNA một nửa từ mẹ, nửa còn lại không biết của ai, đã khiến nhiều người lo ngại và thắc mắc rằng vậy quy trình làm TTTON có dễ bị nhầm lẫn tinh trùng, phôi... của người này qua người kia hay không. Nếu vợ chồng cùng màu da mà em bé sinh ra cũng cùng màu da với bố mẹ, thì việc phát hiện nhầm lẫn lại càng khó hơn. Bác sĩ Hồ Mạnh Tường nhìn nhận: “Thật sự giới chuyên môn chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên về sự việc xảy ra ở Singapore. Theo quy trình các bước trong thực hiện thì rất khó có thể xảy ra nhầm lẫn. Vì mỗi công đoạn bao giờ cũng có ít nhất 2-4 người kiểm tra”. |
T.T
Bình luận (0)