Tin nhắn lừa lại hoành hành

14/12/2010 10:11 GMT+7

Bất chấp biện pháp xử phạt của cơ quan chức năng, tin nhắn rác chẳng những không giảm mà còn có chiều hướng tăng lên. Nội dung không chỉ ngừng lại ở việc quảng cáo, quấy rầy mà còn tìm cách lừa gạt người sử dụng điện thoại di động.

Anh Nguyễn Văn Thanh, nhân viên một công ty dịch vụ bảo vệ ở Q.1, TP.HCM, chủ thuê bao điện thoại số 0127270xxxx, nhận được tin nhắn từ số 01244155946 với nội dung: “Chúc mừng bạn là người MAY MẮN TRÚNG THƯỞNG ĐẦU TIÊN từ chương trình QUAY SỐ MAY MẮN lớn nhất của TỔNG ĐÀI 7785. Để nhận món quà ĐẶC BIỆT này soạn QUA gửi 7785”.

Những trò lừa mới

Gọi đến số đã nhắn cho mình, anh Thanh được một người trả lời là anh đã trúng thưởng nhưng phải ra Hà Nội mới nhận được quà, còn nếu không phải gửi phí ra để công ty chuyển quà vào TP.HCM. Phí được chuyển bằng cách “mua ba thẻ cào 100.000 đồng của Viettel và gửi mã số nạp tiền qua tin nhắn điện thoại”.

Anh Thanh làm đúng theo yêu cầu nhưng quà đâu không thấy mà “tiền mất tật mang”. Gọi điện hỏi lại “nhân viên” kia thì ò í e... Đây là hình thức lừa đảo qua tin nhắn nguy hiểm nhất hiện nay, bởi nội dung đánh trúng tâm lý của những người dùng nhẹ dạ cả tin. Hậu quả nếu nhẹ thì mất vài chục nghìn đồng vì nhắn tin, nặng thì bị lừa đến hàng trăm nghìn đồng.

Loại tin nhắn dụ dỗ người dùng nhắn tin đến tổng đài hoành hành mạnh nhất hiện nay thường có nội dung: “Thông báo: Thuê bao 0946140974 tặng bạn một bài hát qua CT (chương trình) quà tặng âm nhạc với lời nhắn: chúc bạn một ngày vui vẻ. Để nghe soạn NB1 gửi 6666” hay: “Bạn nhận được quà tặng âm nhạc từ người thương gửi tặng. Để nhận quà về máy và biết tên người gửi, bạn soạn tin: D gửi 6782”, hoặc: “Có một người gọi điện đến tổng đài, yêu cầu tặng bạn món quà âm nhạc. Để nhận quà về máy và biết người gửi, soạn tin B gửi 8754”... Số nhắn tin thường là số di động 11 số hoặc các số điện thoại cố định.

Tuy nhiên khi gọi lại vào số điện thoại “tặng quà” cho mình thì không liên lạc được. Những người tò mò làm theo yêu cầu của tin nhắn sẽ bị mất oan 10.000 đồng hoặc 15.000 đồng (cước nhắn tin đến các đầu số trên). Đây là loại tin nhắn đánh vào sự tò mò của người dùng (có người quen nào đó tặng quà) nhằm lừa nạn nhân nhắn tin và bị mất tiền cước.

Bên cạnh đó, loại tin nhắn mời gọi đánh đề cũng “khủng bố” không kém với nội dung thường là: “Tổng đài 6730 đã tìm ra quy luật CAPSO, ăn LO MB liên tiếp! Bạn muốn thay đổi TaiVan, MayMan hôm nay? Soạn tin LOC gửi 6730. Ăn chắc hôm nay”...

Loại tin nhắn quảng cáo những chuyện phòng the, giới tính có vẻ ít hơn nhưng cũng gây nhiều bức xúc không kém. Ông P., chủ thuê bao 094449xxxx, rất bức xúc khi nhận được tin nhắn: “Mách bạn tám cách đưa nàng lên đỉnh, soạn tin: AHA 5 gửi 8732. Các tư thế yêu nàng thích, soạn tin AHA 6 gửi 8732. Xem 15 em mặc bikini cực hot, soạn: TG 9 gửi 8732”. Ông P. lo ngại: “Nhỡ họ nhắn vào số điện thoại của con cái mình thì không biết sẽ nguy hiểm như thế nào nữa”.

Khó xử lý triệt để

Đối phó với tin nhắc rác, ông Nguyễn Hồng Phong, trưởng phòng dịch vụ khách hàng S-Fone, cho biết đã triển khai nhiều biện pháp “hướng dẫn khách hàng cách phân biệt tin nhắn quảng cáo thông thường và tin nhắn lừa đảo, nhắn tin khuyến cáo đến tất cả khách hàng thuê bao S-Fone về tin nhắn lừa đảo, tiếp nhận tất cả phản ảnh về các số di động nhắn tin rác thông qua tổng đài 905 hoặc 095-905-8888.

Bên cạnh đó, S-Fone sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, truy tìm các thuê bao vi phạm”. Những biện pháp chung chung như thế này được hầu hết các nhà mạng thực hiện nhưng hiệu quả gần như con số không.

Đại diện mạng Viettel thừa nhận: “Tin nhắn rác là vấn nạn chung của ngành viễn thông và tất cả nhà mạng đều gặp phải. Việc xử lý dứt điểm là rất khó!”. Theo phân tích của Viettel, các tin nhắn rác được gửi từ một số di động tới một số di động của khách hàng thì hệ thống sẽ hiểu như những tin nhắn giữa hai thuê bao di động thông thường với nhau. “Vì vậy, chúng tôi chưa có căn cứ cũng như chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm nhắn tin từ số thuê bao di động. Ngoại trừ các khách hàng sau khi nhận được tin nhắn rác phản ảnh lên trung tâm chăm sóc khách hàng của Viettel. Lúc đó căn cứ vào phản ảnh của khách hàng Viettel sẽ tiến hành kiểm tra lại đầu số nhắn tin tới thuê bao của khách hàng và có biện pháp khóa đầu số hay thu hồi đầu số nhắn tin”.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính VN (VNCERT) - đơn vị được Bộ Thông tin và truyền thông giao nhiệm vụ quản lý và điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác - cũng thừa nhận sự bùng phát các tin nhắn rác thời gian gần đây. Theo đại diện VNCERT: “Hiện tượng này tồn tại phổ biến trên mạng di động từ vài năm trước và mặc dù các cơ quan chức năng đã xử phạt không ít nhưng chưa thể xử lý một cách triệt để hiện tượng này do việc quản lý thuê bao di động trả trước của các doanh nghiệp di động vẫn còn nhiều bất cập”.

Thông báo tin nhắn rác đến tổng đài 456

VNCERT cho biết hệ thống SpamAlert - hỗ trợ hoạt động giám sát tình trạng tin nhắn rác thông qua sự phối hợp của người dùng di động - đang được thử nghiệm. Chức năng chính của hệ thống SpamAlert là tiếp nhận thông báo tin nhắn rác và điều phối xử lý tin nhắn rác. Hiện tại, người dùng di động đã có thể gửi thông báo tin nhắn rác miễn phí bằng cách chuyển tiếp (forward) tin nhắn rác đó tới số 456. SpamAlert sẽ cho phép tất cả thuê bao di động có thể gửi thông báo tin nhắn rác thông qua website hoặc tin nhắn SMS. VNCERT sẽ căn cứ vào thông báo từ người dùng để phối hợp với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp di động xử lý các đối tượng vi phạm. Trong thời gian tới VNCERT sẽ tiến hành phổ biến hệ thống tiếp nhận thông báo tin nhắn rác từ người dùng di động nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và xử lý vi phạm.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.