Bộ gõ và từ điển đa ngôn ngữ

16/12/2010 16:22 GMT+7

Với giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2010 cho bộ gõ dân tộc Việt (VnKey), chàng trai phố núi được tiếp thêm niềm đam mê xây dựng bộ từ điển đa ngôn ngữ Tây Nguyên.

Cơ duyên đưa Trần Thanh Bình, tốt nghiệp khoa Toán-Tin tại ĐH Khoa học Huế năm 1998, đến với công trình bộ gõ đa ngôn ngữ Tây Nguyên bắt nguồn từ những trăn trở trong hoạt động giảng dạy trước đây. Bình kể: “Qua thực tế dạy học, tôi thấy để học sinh dân tộc thiểu số tiếp thu tốt chương trình đào tạo nghề như học sinh người Kinh trước hết phải giải quyết những rào cản về ngôn ngữ. Muốn vậy, phải xây dựng công cụ soạn thảo được ngôn ngữ các dân tộc lên bài giảng và tạo ứng dụng tra cứu thuật ngữ chuyên môn hỗ trợ công tác dạy và học”.

Từ suy nghĩ này, Bình mày mò nghiên cứu, phân tích các bộ gõ hiện có như: VietKey, UniKey, Bách khoa, VietSpell và đi đến xây dựng bộ gõ có thể dùng cho cả ngôn ngữ phổ thông và các dân tộc Tây Nguyên. Anh gọi đây là bộ gõ dân tộc Việt (viết tắt là VnKey), vì nó gõ được ngôn ngữ của hầu hết các dân tộc thiểu số sử dụng bảng chữ cái La-tinh như:

Bahnar, M’Nông, Bru - Vân Kiều, Êđê, Jarai... với quy tắc bỏ dấu đơn giản như các bộ gõ tiếng Việt khác. Điều đặc biệt là bộ gõ VnKey tích hợp được các ký tự gõ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số vào ứng dụng của mình, trong khi không vi phạm các ký tự đặc biệt trong bảng mã chuẩn, thừa kế vị trí ký tự của các font chuẩn và chỉ phát sinh các ký tự mới trong vùng mã Unicode.

Ngay khi ra đời, VnKey đã được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các xã phường, thôn buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Bộ gõ đã được áp dụng soạn giáo án song ngữ phục vụ giảng dạy ở trường CĐ Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên. Nhiều cơ quan hành chính, sự nghiệp cũng xem VnKey như là một giải pháp thay thế các bộ gõ khác. Sở Khoa học - Công nghệ Đắk Lắk cho rằng trên cơ sở bộ gõ này, các tác phẩm văn học dân gian, phong tục, tập quán viết bằng tiếng các dân tộc sẽ không bị “tam sao thất bản” qua quá trình dịch thuật.

Từ bộ gõ cũng có thể xây dựng các phần mềm ứng dụng mang tính đặc thù cho các vùng, miền có đồng bào dân tộc thiểu số cư ngụ. (Đến nay, đã có gần 15.000 lượt tải về để sử dụng bộ gõ VnKey tại địa chỉ http://www.dakrucohotels.com/tailieu/vnk.rar). Sản phẩm đã được UBND tỉnh Đắk Lắk trao giải nhì Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2008 và vừa đoạt một trong 9 giải trong lĩnh vực công nghệ thông tin của giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2010.

Với thành công của bộ gõ VnKey, niềm say mê khám phá vẻ đẹp đa dạng các ngôn ngữ Tây Nguyên của Bình như được tiếp thêm sức mạnh. Anh bắt tay xây dựng “Ða từ điển các dân tộc thiểu số Tây Nguyên”; hiện đang hoàn thành và chuẩn bị nghiệm thu từ điển 4 ngôn ngữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên gồm: Việt-Êđê, Việt-Jarai, Việt-M’Nông, Việt-Bahnar và một từ điển hình ảnh (multimedia) hỗ trợ tra cứu trực quan. 

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.