Cá chết hàng loạt trên sông

18/12/2010 01:41 GMT+7

Từ ngày 11.12 đến nay, cá điêu hồng nuôi bè của 37 hộ dân trên khúc sông Cần Lố (khóm Mỹ Phú Cù Lao, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp) đột ngột chết hàng loạt, nổi lên trắng cả khúc sông.

Sáng qua Thanh Niên đã có mặt tại khúc sông Cần Lố, nơi tập trung hơn 200 bè nuôi cá điêu hồng. Không khí buồn rầu bao trùm cả khu vực làng bè. Khi biết tin chúng tôi đến, gần 100 người dân đã kéo đến để trình bày nỗi bức xúc của mình. Theo người dân, cá chết là do ô nhiễm nguồn nước  thải từ một nhà máy sản xuất dược phẩm nằm cách làng bè nuôi cá hơn 1 km về phía thượng nguồn thải ra.

Ông Võ Văn Tài (77 tuổi)  vừa từ bệnh viện trở về cũng có mặt. Trước đó, vào tối 5.12, sau khi hay tin  hơn 2,5 tấn cá trong bè của mình sắp đến ngày xuất bán bỗng đột ngột chết trắng,  ông Tài bị tụt huyết áp, phải nhập viện điều trị. “Chúng tôi đã đóng bè nuôi cá từ năm 2004 đến nay, chưa bao giờ cá bị đột ngột chết hàng loạt như thế này. Vậy mà sau khi nhà máy sản xuất thuốc đi vào hoạt động thì có chuyện. Tôi cho rằng cá chết là do nước thải từ nhà máy này gây ô nhiễm  nguồn nước”, ông Tài nói.

Người bị thiệt hại nặng nhất là ông Võ Thành Đô (44 tuổi). Ông Đô vay tiền ngân hàng đầu tư nuôi 7 bè cá điêu hồng với sản lượng gần 40 tấn, trọng lượng cá hiện từ 0,5 - 1 kg/con, dự tính vào dịp Noel tới sẽ xuất bán cá. Vậy mà chỉ trong vòng 3 ngày, số cá trong bè của ông chết trên 31 tấn. “Hổm rày tôi không ăn uống được gì, chỉ muốn chết cho xong vì biết lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng”, ông Đô nói.

Trường hợp của anh Võ Văn Bấc (40 tuổi) cũng tương tự. Anh Bấc vay tiền của người thân và ngân hàng nuôi 3 bè, với sản lượng ước đạt trên 25 tấn. Ngày 6.12, thấy hiện tượng cá trong làng bè chết lai rai nên anh vội kêu bạn hàng đến bán với giá 25.000 đồng/kg. Thương lái đưa ghe đến cân đợt đầu được hơn 2 tấn, hẹn hôm sau cân tiếp. Thế rồi tối đó số cá còn lại chết nổi trắng trong bè, khiến thương lái không dám đến mua tiếp. Anh Bấc liền huy động anh em trong nhà, bạn bè dùng xe mô tô chở mỗi lần trên 100 kg  đến các chợ ở tỉnh Đồng Tháp để bán lẻ. Lúc đầu còn bán được giá 8.000 đồng/kg, sau đó do lượng cá nhiều quá nên giá chỉ còn 5.000 đồng/kg. Cuối cùng do không có người mua cá điêu hồng về ăn nên bạn hàng không mua tiếp cá của anh nữa. Anh Bấc liền thuê xe tải với giá 2,5 triệu đồng chở 2,5 tấn cá ướp đá lên chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) bán, mong gỡ gạc phần nào. Thế nhưng thấy anh là người lạ nên không vựa nào chịu mua, do sợ cá bị bệnh chết nên anh phải cho hết số cá trên vì không sẽ tốn thêm chi phí thuê xe chở về.

Suốt chiều qua, PV Thanh Niên đã tìm mọi cách để liên hệ với cảnh sát môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp để tìm  hiểu nguyên nhân cá chết, nhưng lãnh đạo các đơn vị trên đều... bận họp. Kỹ sư Lê Hoàng Vũ, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN-PTNT Đồng Tháp) cho biết, các cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước đưa đi xét nghiệm và phải chờ kết quả mới có thể có kết luận chính thức về nguyên nhân cá  chết.

Theo thống kê của các hộ nuôi cá đến chiều qua, tổng số cá đã chết vớt được lên đến trên 150 tấn cùng hơn 15 tấn cá nhỏ chuẩn bị thả nuôi, ước thiệt hại lên đến trên 35 tỉ đồng. 

Thêm 14 tấn cá bè chết trắng trên sông Cái

Hôm qua Sở TN-MT Đồng Nai phối hợp với Phòng Kinh tế TP Biên Hòa tiến hành kiểm tra tình hình cá bè chết trên sông Cái, đồng thời tổ chức thống kê thiệt hại của làng bè Tân Mai. Theo thống kê trong 3 ngày (từ 14 đến 17.12) đã có 14 tấn cá nuôi bè của 27 hộ dân thuộc phường An Bình, Thống Nhất bị chết. Cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu nước trên sông Đồng Nai và lấy mẫu nước thải trong khu vực của Nhà máy giấy Tân Mai để phân tích đối chiếu, đồng thời khuyến cáo các hộ dân di chuyển bè tránh luồng nước ô nhiễm.

Trước đó, vào tháng 6.2010, tại đoạn sông này cũng đã từng xảy ra hiện tượng cá chết đồng loạt với số lượng trên 30 tấn. Sở TN-MT xác định nguyên nhân cá chết là do nước sông ô nhiễm nhưng không biết nhà máy nào thải ra.

Bá Dương

Mai Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.