Terrafugia sẽ tham gia vào dự án quân sự với đích ngắm là thiết kế, sản xuất chiếc xe địa hình Transformer TX, có khả năng bay được. Đây là dự án mà giới truyền thông gọi nôm na là “Humvee bay”, được khởi động từ mùa xuân 2010 và do Cục Quản lý các dự án triển vọng (DARPA) của Bộ Quốc phòng Mỹ điều hành. Terrafugia sẽ tư vấn cho hãng AAI, đơn vị đóng vai trò then chốt trong dự án này.
Trước đó, vào tháng 6.2010, Terrafugia nhận được giấy phép để xe ô tô bay Transition được tham gia giao thông. Chiếc ô tô bay gồm 2 chỗ ngồi có tầm bay 724 km với vận tốc 195 km/giờ. Còn khi di chuyển trên mặt đất, Transition khi bơm đầy bình xăng có thể chạy được 105 km. Cũng cần nói thêm, khi chạy trên mặt đất xe sử dụng động cơ xăng thông thường, còn trên không trung - là động cơ Rotax 912S, công suất 100 mã lực. Dự kiến vào năm 2011, Transition sẽ được đưa ra thị trường với giá bán 194 nghìn USD. Tuy thế, hiện ai muốn sở hữu xe cần phải đặt cọc trước 10 nghìn USD.
|
Là hãng dẫn đầu trong chế tạo, sản xuất ô tô bay nên Terrafugia được AAI chú ý là lẽ đương nhiên. Từ tháng 9.2010, AAI chính thức tham gia vào dự án của DARPA. Sau đó hợp đồng giữa AAI và Terrafugia được ký kết ngày 2.12.2010. Theo đó, các kỹ sư của Terrafugia sẽ giúp đỡ AAI thiết kế chiếc ô tô bay, trước hết là hệ thống đảm bảo an toàn và một số vấn đề kỹ thuật khác có liên quan đến hiện thực hóa chuyến bay.
Từ mặt đất đến bầu trời
Hiện các kỹ sư của AAI và Terrafugia đang phải giải quyết nhiều bài toán. Bởi yêu cầu của DARPA là chiếc “Humvee bay” không chỉ bay được mà còn phải hạ cánh theo phương thẳng đứng, có khả năng di chuyển trên những địa hình phức tạp. Ngoài ra, “Humvee bay” phải chở được 4 người lính với đầy đủ trang thiết bị, vũ khí, có tầm hoạt động tương đương máy bay trực thăng. Các thông số kỹ thuật của chiến xạ bay Transformer TX theo DARPA là nó có chiều dài 9,1m, rộng 2,6m, cao 2,7m, có tầm hoạt động (cả chạy trên mặt đất và bay trên không trung) 463 km, trần bay phải đạt 3 nghìn mét. Vỏ ngoài của chiếc chiến xạ bay này sẽ chống được các loại súng tiểu liên, trung liên. Những người thực hiện dự án cho rằng như thế là đủ, vì khi bay, Transformer TX có khả năng tránh được các hiểm nguy từ mặt đất. Chẳng hạn, khi phát hiện trên mặt đất có mìn, Transformer TX sẽ bay để vượt qua.
|
Nhiệm vụ tác chiến của chiếc xe địa hình này khá rộng, từ chia cắt đội hình đối phương, đến tấn công từ trên không, làm nhiệm vụ trinh sát, do thám. Hay đơn giản hơn là chuyên chở thương binh hoặc hàng hóa (xe có thể chở được 450 kg hàng hóa). Hiện dự án này đang được lực lượng thủy quân lục chiến, bộ binh và lực lượng đặc nhiệm Mỹ khá quan tâm.
Dự kiến, dự án nêu trên sẽ được tiến hành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất sẽ có hai hãng được DARPA lựa chọn, chỉ để thiết kế chiếc ô tô bay. Hợp đồng cho giai đoạn đầu tiên này có tổng trị giá 9 triệu USD. Bước sang giai đoạn 2, sẽ bắt đầu thử nghiệm các hình mẫu với nguồn kinh phí hỗ trợ là 10 triệu USD. Giai đoạn thứ ba sẽ chỉ có một hãng tham gia. Hãng này có nhiệm vụ phải hoàn thiện chiếc “Humvee bay” với hợp đồng trị giá 35 triệu USD. Kết quả là khi chiếc xe ra đời nó có giá thành không quá 200 nghìn USD.
Có nhiều hãng như AAI, Lockheed Martin, hay Pratt & Whitney, AVX và SBIR thể hiện mong muốn được tham gia dự án. Tuy giai đoạn đầu cần có 2 hãng tham gia, nhưng cuối cùng chỉ có AAI được lựa chọn với nhiệm vụ chậm nhất đến năm 2015 phải cho “đứa con” của mình cất cánh.
Từ bầu trời đến mặt đất
Hiện AAI chưa giới thiệu chi tiết dự án của mình, nhưng vài nguồn thông tin đã đưa ra vài giải pháp kỹ thuật. Chẳng hạn, “Humvee bay” sẽ có cánh gập, động cơ kiểu cánh quạt, giúp xe cất và hạ cánh. Còn khi xe bay sẽ có một động cơ chuyên dụng khác. AAI sẽ sử dụng công nghệ động cơ của hãng Carter Aviation Technologies. Bản chất của công nghệ này là động cơ cánh quạt chỉ hoạt động hết công suất khi máy bay cất cánh, hoặc hạ cánh. Còn trong quá trình bay, nó hoạt động ở công suất thấp. Việc hạ cánh hay cất cánh sẽ được điều khiển tự động hoàn toàn, ê-kíp bay sẽ không tham gia vào các công đoạn này.
|
Riêng các thông số xe khi hoạt động dưới mặt đất hiện AAI vẫn chưa tiết lộ. Một vài nguồn thông tin phỏng đoán, khi chạy trên mặt đất, “Humvee bay” sẽ sử dụng 4 động cơ điện được gắn ở 4 bánh xe. Ngay cả trang thiết bị vũ khí và chất liệu của vỏ xe cũng chưa có các thông tin cụ thể từ AAI.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý, hãng AVX còn chào mời DARPA một dự án hoàn chỉnh hơn có tên gọi AVX TX, trong đó chiến xa bay ngoài động cơ đẩy còn có cánh quạt 2 tầng. Động cơ đẩy được thiết kế nằm theo chiều ngang, giúp xe tăng tốc độ khi bay, nhưng có thể quay hướng xuống mặt đất để tạo thêm lực khi cất cánh hay hạ cánh.
Theo tính toán của AVX, chiếc chiến xa bay của hãng này có khả năng chở 471 kg hàng hóa với tầm hoạt động là 463 km. Vận tốc cao nhất khi chạy trên mặt đất đạt 130 km/giờ, còn khi bay là 225 km/giờ. Việc chuyển từ chế độ chạy trên mặt đất sang chế độ bay mất đúng 60 giây.
Lý thuyết như vậy, nhưng hiện thực hóa kế hoạch đầy tham vọng này của DARPA là không hề đơn giản. Bởi với chiều dài gấp đôi chiếc Humvee, còn chiều ngang và chiều cao tương đương nhau, việc lắp đặt động cơ máy bay vào đó và hàng loạt các thiết bị khác cần những giải pháp kỹ thuật cao nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối khi vận hành. Hơn thế để chiếc chiến xa cất cánh, hạ cánh như trực thăng là một yêu cầu khá phức tạp.
Đó là chưa kể sau 60 giây để chuyển qua chế độ bay còn cần vài phút để các cánh quạt mở ra rồi mới từ từ cất cánh được. Ngay cả ý tưởng thiết kế vỏ bọc chỉ có khả năng chống lại súng tiểu liên, trung liên, thì Transformer TX quả là “miếng mồi ngon” cho bộ binh khi nó bị bao vây. Hơn thế hiện DARPA cũng không khẳng định mục đích cuối cùng của mình là cung cấp “Humvee bay” cho quân đội. Cơ quan này bước đầu chỉ muốn chứng minh về khả năng có thể thiết kế được loại hình giao thông độc đáo này.
Một lính Mỹ đang chiến đấu tại Afghanistan, trả lời cuộc thăm dò của tạp chí Wired về chiếc chiến xạ bay như sau: “Ô tô bay ư, điều này quả là ấn tượng, nhưng tôi không muốn ngồi vào chiếc quan tài bay như thế”.
Ngữ Tử Yên
Bình luận (0)