Coi chừng hen suyễn mãn tính!

20/12/2010 18:29 GMT+7

Môi trường ô nhiễm, nuôi thú cưng, tiếp xúc hóa chất, trái gió trở trời... khiến những người có cơ địa dị ứng thêm mắc bệnh trầm trọng về đường hô hấp.

Tại hội nghị về những thách thức của y tế toàn cầu, dành cho các nhà chuyên môn và báo chí thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do Công ty dược phẩm GlaxoSmithKline tổ chức, diễn ra ở Hồng Kông mới đây, các nhà chuyên môn đã tập trung phần lớn thời gian vào các bệnh về đường hô hấp, bệnh hen suyễn; HIV/AIDS; lao phổi, sốt rét..., là những bệnh đang xảy ra nhiều ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tại hội nghị, Việt Nam là một trong những quốc gia được các nhà chuyên môn đánh giá tốt trong kiểm soát bệnh hen suyễn. Các báo cáo đề cập về hen suyễn là bệnh rất thường gặp trên thế giới (với khoảng 300 triệu người đang mắc). Riêng tại Việt Nam, chiếm dưới 10% dân số mắc bệnh này. Đây là dạng viêm mãn tính ở đường thở, hậu quả của quá trình tương tác giữa cơ địa dị ứng với các yếu tố gây bệnh hen từ ngoài môi trường như: con mạt nhà trong chăn, màn, gối, nệm; con gián; các loại thú có lông (chó, mèo); phấn hoa; nấm mốc; các chất dị ứng (hóa chất như chất diệt côn trùng, chất tẩy, chất xịt phòng); một số thuốc men khác…

Trả lời các câu hỏi của PV Báo Thanh Niên tại hội nghị, bác sĩ Roland Leung (chuyên gia về bệnh hô hấp của Hồng Kông) nói: “Bệnh hen xảy ra nhiều ở trẻ em, nhưng lúc trẻ còn nhỏ ít gia đình để ý, khi phát hiện thì thường bệnh đã nặng. Tình trạng ô nhiễm môi trường là nguyên nhân phổ biến làm cho bệnh hen suyễn nặng hơn, và dễ khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn”.

Biểu hiện thường gặp của hen suyễn là ho, khò khè, khó thở, nặng ngực (tái đi tái lại nhiều lần). Và, bệnh dễ xuất hiện khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố như thay đổi thời tiết, phấn hoa, bụi. Triệu chứng xảy ra nhiều hơn vào ban đêm, lúc giao mùa, mùa lạnh, khi tiếp xúc với bụi bặm, sau khi ăn đồ biển, thịt bò…

Một khi bệnh hen suyễn mãn tính thì không thể điều trị khỏi hẳn được, nhưng người bệnh vẫn sống chung với nó, kiểm soát được nó, nếu tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ chuyên khoa - nhằm không để dẫn đến cơn kịch phát gây nguy hiểm và tốn kém.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.