Điều dưỡng chán việc!

20/12/2010 09:20 GMT+7

Bộ Y tế đã ký thỏa thuận với 10 quốc gia châu Á thừa nhận với nhau về chuẩn hóa nhân lực điều dưỡng. Điều dưỡng nước ngoài sẽ sang VN làm việc, trong khi nhân lực điều dưỡng VN chưa thể sang nước ngoài“.

Cần phải thay đổi quan niệm. Lối suy nghĩ điều dưỡng là chỉ biết thực hiện suông 12 nhiệm vụ thông thường (cặp nhiệt độ, thay băng, rửa vết thương...) như trước đây đã là quá lỗi thời rồi. Điều dưỡng làm theo y lệnh của bác sĩ cũng chỉ còn là thứ yếu...”. Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết như vậy tại hội nghị khoa học “Đào tạo, nghiên cứu và thực hành điều dưỡng” do Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) tổ chức cuối tuần qua.

Chán nản do quá tải, áp lực công việc
 
Ngoài đại diện nhiều cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM, các địa phương cả nước, hội nghị còn thu hút một số chuyên gia về điều dưỡng nước ngoài tham gia. Theo các chuyên gia, sự chán nản của điều dưỡng hiện nay cũng là điều báo động. Thạc sĩ điều dưỡng Đặng Trần Ngọc Thanh, giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết chán nản là tình trạng phản ứng với những áp lực trong công việc ở nhân viên y tế, đặc biệt là điều dưỡng, là người có nguy cơ bị cao nhất.
 
Nghiên cứu gần đây cho thấy 1/3 điều dưỡng làm việc tại khoa săn sóc đặc biệt (ICU) chán nản nghề nghiệp ở mức độ cao, trong đó số điều dưỡng trẻ rơi vào trạng thái tiêu cực này nhiều hơn. Cũng theo thạc sĩ Ngọc Thanh, qua nghiên cứu tại 7 khoa ICU của 7 bệnh viện (BV) đa khoa cấp I tại TPHCM (gồm BV 115, Nguyễn Trãi, Trưng Vương, Nguyễn Tri Phương, An Bình, Đa khoa Sài Gòn, Gia Định) đã cho thấy các yếu tố liên quan chán nản công việc của điều dưỡng là công việc quá tải, căng thẳng tại nơi làm việc, tuổi tác, thời gian làm việc và sự hỗ trợ của đồng nghiệp.
 
Thạc sĩ điều dưỡng Nguyễn Phương Thảo, giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng trong mối quan hệ giữa điều dưỡng và người bệnh, sự đồng cảm thấu hiểu của điều dưỡng với người bệnh là cần thiết nhất. Tuy nhiên, nghiên cứu tại Khoa Phỏng của BV Chợ Rẫy cho thấy có 23,1% điều dưỡng đã không thấu hiểu được mức độ lo âu liên quan đến mặt thể chất (đau, ngủ, ăn uống) của bệnh nhân và 30,8% điều dưỡng không thấu hiểu được mức độ lo âu liên quan đến mặt tinh thần của người bệnh. 
 

TPHCM cần thêm 5.000 điều dưỡng

Theo thạc sĩ Đặng Trần Ngọc Thanh, thống kê năm 2007 cho thấy TPHCM chỉ có 8.322 điều dưỡng và nữ hộ sinh chăm sóc cho hơn 6,3 triệu dân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỉ lệ điều dưỡng của một quốc gia ít nhất 2 điều dưỡng/1.000 dân. Nếu xét theo tỉ lệ này, TPHCM thiếu hơn 6.000 điều dưỡng.

Theo bà Trần Thị Châu, Chủ tịch Hội Điều dưỡng TPHCM, hiện TPHCM có hơn 10.000 điều dưỡng đang làm việc tại trên 40 cơ sở y tế, BV công lập và tư nhân trên địa bàn TP. Nhu cầu thực tế xã hội đang cần thêm 5.000 điều dưỡng.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến sự chán nản trong công việc điều dưỡng là do quá tải, áp lực làm việc. Ngoài ra, còn do mối quan hệ với đồng nghiệp. Đặc biệt, tại các khoa ICU của BV, điều dưỡng phải làm việc khẩn trương, căng thẳng, vất vả, từ chăm sóc đến theo dõi dấu hiệu sống, cho bệnh nhân uống thuốc, nuôi ăn, vệ sinh người bệnh đều do điều dưỡng đảm nhận... nên mức độ chán nản càng cao.
 
Nâng chất lượng điều dưỡng VN
 
Trong khi tình trạng một bộ phận điều dưỡng không thích thú công việc tại BV đang có xu hướng gia tăng thì việc đào tạo ngành này tại VN, theo các chuyên gia, cũng là vấn đề đáng bàn. Theo GS Đỗ Đình Hồ, nguyên trưởng Khoa Điều dưỡng Trường ĐH Y Dược TPHCM, ngành điều dưỡng VN dù đang được Nhà nước quan tâm nhưng vẫn đi sau với khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.
 
Ông Phạm Đức Mục cho rằng xu hướng ngành điều dưỡng sẽ phát triển thành ngành đa khoa độc lập, chuyên nghiệp. VN cũng đã ký thỏa  thuận với 10 quốc gia châu Á thừa nhận với nhau về chuẩn hóa nhân lực điều dưỡng. Vì vậy, sắp tới, điều dưỡng nước ngoài sẽ sang VN làm việc, trong khi nhân lực điều dưỡng VN chưa thể sang phía họ được. “Trong đào tạo điều dưỡng, từ trước đến giờ, chúng ta chỉ biết vay mượn kiến thức, vì vậy đến khi cần thì ta không chủ động được gì ”- ông Mục bày tỏ.
 
Các chuyên gia cũng đề xuất cần có giải pháp giảm stress hữu hiệu cho điều dưỡng. Đó là giảm bớt khối lượng công việc, mở các tập huấn về kỹ năng tổ chức hoạt động dã ngoại, quan tâm động viên và phát triển mối tương trợ công việc... Đối với điều dưỡng trẻ, cần huấn luyện cho họ những kỹ năng, kiến thức để thích nghi môi trường đầy áp lực. Khắc phục được tình trạng này sẽ góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn điều dưỡng và chăm sóc người bệnh...

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.