Bất ổn an ninh mạng: Phải thay đổi tư duy về pháp luật

25/12/2010 23:26 GMT+7

Ông Nguyễn Mạnh Hiền - Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế - chức vụ, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tối cao cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về việc xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Ông Hiền nói:

Tội phạm công nghệ cao là một lĩnh vực rất phức tạp, đối với nhiều nước trên thế giới là vấn đề không mới nhưng ở Việt Nam thì việc phát hiện và xử lý còn gặp rất nhiều hạn chế. Riêng đối với hacker, là một dạng tội phạm có phương thức, thủ đoạn cực kỳ tinh vi gây rất nhiều lúng túng cho cơ quan chức năng trong việc đánh giá chứng cứ, hành vi phạm tội. Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 đã đưa vào một số quy định mới để xử lý tội phạm công nghệ cao, trong đó có hacker  và đến nay chúng ta đã từng bước bổ sung thành 5 điều luật từ điều 224 đến 226b. Đây là những loại tội danh lần đầu tiên được quy định trong BLHS. Nhưng  có thực tế đáng buồn là, từ khi có quy định này vẫn chưa xử lý được hacker nào.

* Vì sao không xử lý được, thưa ông?

Có rất nhiều nguyên nhân, một trong số này là đến nay chưa có hướng dẫn thi hành các điều luật. Theo quy định, việc hướng dẫn áp dụng luật là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng trên thực tế lâu nay chủ yếu vẫn là các cơ quan tố tụng như Viện KSND tối cao, Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực này, những cơ quan trên vẫn chưa đủ vì nó liên quan đến những lĩnh vực chuyên sâu nên các cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này như Bộ Tài chính, Ngân hàng, Bộ Thông tin - Truyền thông cũng phải có trách nhiệm.

Để xử lý đúng người, đúng tội cần phải có một lực lượng chuyên trách nhưng đến nay chỉ Bộ Công an mới có lực lượng điều tra chuyên biệt về tội phạm công nghệ cao, còn Viện Kiểm sát, Tòa án thì vẫn chưa có.

Để xử lý đúng người, đúng tội cần phải có một lực lượng chuyên trách nhưng đến nay chỉ Bộ Công an mới có lực lượng điều tra chuyên biệt về tội phạm công nghệ cao, còn Viện Kiểm sát, Tòa án thì vẫn chưa có. Đấy còn chưa kể, trong các quy định của luật còn có nhiều điểm vênh nhau, ví dụ, trong giao dịch điện tử ở nước ngoài coi việc ký hợp đồng qua mạng internet là rất bình thường và được pháp luật bảo vệ nhưng ở ta, Bộ luật Dân sự thì thừa nhận hình thức giao dịch này cũng như bút toán điện tử nhưng BLHS lại không xem đây là chứng cứ...

Những người tiến hành tố tụng như chúng tôi rất mong muốn phải có hướng dẫn luật vì hơn ai hết chúng tôi là những cơ quan phải chịu áp lực. Vì vậy, các cơ quan tố tụng nói chung cũng như Viện KSND tối cao nói riêng đã nhiều lần đề xuất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có gì mới.

* Không lẽ chúng ta bó tay với loại tội phạm này?

Bó tay thì không hẳn như vậy, bởi thời gian qua chúng ta đã xử lý rất nhiều vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao về tội trộm cắp, lừa đảo. Nhưng quan trọng nhất là vướng mắc về luật thì cần phải khắc phục ngay. Lâu nay tư duy luật pháp của Việt Nam khi điều tra một vụ mất cắp là phải làm rõ ai mất cắp, ai lấy, nếu áp dụng e lại chưa phù hợp với phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao. Do đó, các hướng dẫn của luật và tư duy của những người tiến hành tố tụng phải thay đổi về đánh giá chứng cứ, về tội phạm. Đối với loại này không cần bị hại mà đã có chứng cứ trong ổ cứng, các dữ liệu trên mạng... Vừa rồi chúng ta đã gặp rất nhiều vụ, đơn cử như vụ gắn con chip để ăn cắp xăng ở Hà Nội. Nói thật là chúng ta đã rất lúng túng vì hành vi lừa dối khách hàng là rõ rồi nhưng xác định bị hại thì không dễ bởi họ không biết mình bị mất cắp, cũng không đi khai báo, nếu xác định thì số thiệt hại ít hơn 2 triệu đồng nhưng các cơ quan tố tụng đã phải ngồi lại với nhau để bàn bạc và chúng ta đã xử lý được.  Còn rất nhiều vụ việc khác nữa, dù giá trị thiệt hại không lớn nhưng Viện KSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Công an đã phải nhiều lần ngồi để bàn cách xử lý, qua đó để thấy không phải vì nhiều vướng mắc quá mà chúng ta thả nổi cho loại tội phạm này.

* Theo ông, để phòng chống tội phạm công nghệ cao hiệu quả cần phải có những giải pháp gì?

Để giải quyết được vướng mắc và ngăn chặn có hiệu quả tội phạm công nghệ cao tôi cho rằng, cần phải có một giải pháp mang tính tổng hợp. Trong đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải hoàn thiện cơ chế về mặt pháp lý. Tội phạm bao giờ cũng đi trước luật nên các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp thường xuyên để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Cao hơn nữa là về mặt nhà nước cũng phải tăng cường hợp tác quốc tế, tương trợ hỗ trợ tư pháp... Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ xảy ra các loại tội phạm này cũng cần phải chủ động tìm kiếm các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế các rủi ro có thể xảy ra. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất, kể cả quy trách nhiệm đối với một số cơ quan viễn thông khi họ chỉ chạy theo lợi nhuận rồi để xảy ra tin nhắn rác, đến khi xử lý không được thì đổ cho tại cơ quan bảo vệ pháp luật. Hay như một số ngân hàng bị xâm hại về bảo mật, bị làm giả thẻ tín dụng nhưng khi đi xác minh thì họ sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín nên thà "ngậm bồ hòn làm ngọt" chứ không hợp tác với cơ quan tố tụng... Tất cả những vấn đề này cần phải được thay đổi, nếu thụ động thì chúng ta sẽ luôn là kẻ thua cuộc.

Thái Sơn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.