Ngày 15.1.2011, Ban Tổng thanh tra các vấn đề xã hội Pháp sẽ công bố báo cáo mới về trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ thuốc trị tiểu đường Mediator của hãng Servier, theo L’Epress.
Loại thuốc này đến tháng 11.2009 mới bị cấm lưu hành tại Pháp và những nghiên cứu vừa được công bố cho thấy nó đã làm 500 - 2.000 người tử vong. Nhiều chính trị gia hàng đầu của Pháp như Bộ trưởng Y tế Xavier Bertrand, Tổng thư ký đảng Xã hội Martine Aubry, cựu Ngoại trưởng Bernard Kouchner… đang bị chỉ trích dữ dội với cáo buộc vô trách nhiệm vì để Mediator được lưu hành khi còn giữ những chức vụ quan trọng trong ngành y tế.
Vụ việc này thật ra chỉ là một phần trong rất nhiều tranh cãi liên quan đến tập đoàn dược Servier. “Xin lỗi, tôi không muốn bị xe đụng bất tử, các anh không biết đang đụng tới ai đâu”; “Tôi đang tìm việc, tôi muốn tên tôi không bị tiết lộ”… Đây là câu trả lời của các cựu nhân viên Servier khi được tờ Libération liên lạc.
Trong vòng 60 năm, Servier phát triển từ một phòng thí nghiệm dược bé nhỏ thành một tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh với 20.000 nhân công. Tại “đế chế” này, mọi thứ đều tuyệt đối tuân theo sự điều khiển của người sáng lập Jacques Servier.
Có tình báo riêng
Bí mật là một trong những nguyên tắc hàng đầu tại Servier. Vì thế, mọi thứ liên quan đến tập đoàn này đều có vẻ thiếu minh bạch, kể cả những số liệu cơ bản nhất. Gần như không ai biết số lợi nhuận thật sự của họ. Cách đây vài năm, Bộ Công nghiệp chuẩn bị một chương trình hỗ trợ ngành dược nên đã yêu cầu các công ty cung cấp số liệu doanh thu. Tất cả các hãng đều thi hành, trừ Servier. Một nguồn tin của Libération cho biết: “Tổng giám đốc đã từ chối cung cấp và sau đó ông thừa nhận mình không nắm những số liệu đó”.
Để được nhận vào làm tại Servier không hề đơn giản. Ông Jacques Servier luôn nghi ngại “những kẻ phản bội”. Vì thế tập đoàn có một hệ thống tuyển dụng vô cùng đặc biệt để loại trừ “mầm mống gây rối”. Tuần báo Le Canard Enchaîné tiết lộ vào năm 1999, Servier từng bị “sờ gáy” vì xây dựng một đội ngũ mật thám riêng. Các cựu nhân viên tình báo được tuyển dụng để điều tra những nhân viên “gây nhiều chú ý” và loại ra những người “tả khuynh”, “thích hoạt động nghiệp đoàn” hoặc “hay nghi kỵ”.
Đến nay dù việc tuyển dụng đã bớt khắt khe nhưng khi đến xin việc tại Servier, mỗi ứng viên phải nộp 3 bản chứng nhận khác nhau về lý lịch cá nhân và nghề nghiệp. Libération dẫn lời một cựu nhân viên kể: “Khi tôi được tuyển, họ đã cử người đến tiếp xúc với cô chú tôi và hỏi tôi khi 6 tuổi thích chơi trò gì nhất”. Đổi lại, lương bổng tại Servier luôn cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Xin lỗi, tôi không muốn bị xe đụng bất tử, các anh không biết đang đụng tới ai đâu
|
|
Một cựu nhân viên Tập đoàn Servier |
Thao túng ngành y tế
Chất lượng dược phẩm của Servier vẫn bị các chuyên gia đánh giá ở mức “thường thường bậc trung”, theo Libération. Đây còn là “đầu mối” của một số loại thuốc bị bảo hiểm xã hội Pháp rút khỏi danh sách được chi trả từ năm 2008 vì kém hiệu quả. Một số loại thuốc của hãng đã bị cấm lưu hành vì có tác dụng phụ nguy hiểm như Mediator, Duxil và Survector. Chính vì vậy, để doanh số vẫn tăng đều, khâu quảng bá sản phẩm đóng vai trò sống còn đối với Servier.
Servier xác định rõ đối tượng chính cần tranh thủ là các bác sĩ gia đình chuyên khám tổng quát và đặc biệt là những bác sĩ đầu ngành. Bác sĩ Bernard Becel, người từng điều hành một nhóm quan sát viên của tạp chí Y khoa Prescrire, đánh giá chiến lược phát triển thương mại của Servier thường mang tính áp đặt. Để đạt được mục đích, hãng này có 3 con đường: những “phụ nữ khả ái” để quyến rũ, các “thuyết khách” chuyên rót mật vào tai đối tượng và sau cùng, “những kẻ hung hăng không ngần ngại đánh giá bạn kém năng lực nếu bạn không chịu kê toa với thuốc của họ”.
Trước khi có luật giới hạn chuyện quà cáp cho giới thầy thuốc tại Pháp vào năm 1994, “tiền chảy như nước” từ hầu bao của Servier, một giám đốc bệnh viện giấu tên kể với Libération. “Đại gia” ngành dược không ngần ngại hỗ trợ các cơ sở y tế cân bằng ngân sách, chi tiền cho các chuyến công tác để dự hội thảo. Đây là khoản tài trợ thường thấy ở tất cả các hãng dược, nhưng Servier luôn rộng tay nhất. Libération dẫn lời Giám đốc Viện Nghiên cứu y học Necker Philippe Even nhận định: “Servier biết cách vượt qua đối thủ trong việc hỗ trợ tài chính cho những chuyên gia đầu ngành nên có thể thâm nhập hệ thống y tế ở mức độ tuyệt đối”.
Hồi tháng 8, trong đại hội của Hội Tim mạch châu u (ESC), một nghiên cứu về thuốc Procoralan, sản phẩm mới nhất của Servier, được giới thiệu vô cùng long trọng. Ông Michel Komajda, người đứng đầu nghiên cứu này, được bầu làm tân Chủ tịch ESC. Libération dẫn lời một bác sĩ tim mạch nhận xét: “Tình cờ là những vị chủ tịch tiền nhiệm của ESC cũng đều từng thực hiện nghiên cứu lâm sàng cho Servier”.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)