Nigeria bất lực trước nạn nô lệ tình dục

26/12/2010 10:43 GMT+7

Ngày 25-12, một quan chức Nigeria cho biết, kế hoạch giải cứu hàng vạn nạn nhân người Nigeria bị lừa đưa sang Mali hoạt động mại dâm đã bất thành do thiếu sự hợp tác từ phía Mali.

Một kế hoạch chung đã được đưa ra giữa các nhà cầm quyền ở Mali nhằm cứu họ. Tuy nhiên, các quan chức Nigeria cho biết họ không nhận được sự phối hợp đầy đủ từ phía Mali. Các nhà cầm quyền Mali đã từ chối bình luận về những chỉ trích trên.

Yemisi Ogoda là một trong số hàng ngàn nạn nhân của nạn buôn bán tình dục đã kể về hành trình của mình tại Mali: “ Tôi chỉ muốn tự tử khi nhớ tới những gì đã xảy ra. Bọn buôn người đã dùng những chiếc xe buýt thương mại để đưa họ đi khắp Tây Phi. Chúng nói chúng sẽ giết tôi nếu tôi không làm việc đó. Ở đó chẳng có ai biết về việc này và nếu chúng có giết tôi thì cũng chẳng ai hay biết”.

Ogoda đã bị trao cho một băng nhóm ở Mali khi nhóm này đòi cô phải trả tiền nợ cho chuyến đi này. Sau khi bị đánh đập và nhốt trong nhà không cho ăn uống trong 2 ngày, cô gái trẻ Nigeria này đã đồng ý làm gái mại dâm để có tiền trả nợ. Sau khi phát hiện có thai, Ogoda đã chạy trốn nhưng không thành.

Khi biết cô có mang, bọn buôn người lại bán cô cho một băng nhóm khác, và cô đã tìm cách trốn khi đi tắm mà không có ai theo dõi. Cô Ogoda đã sống sót bằng cách ăn xin trên đường phố cho tới khi liên lạc được với gia đình.

Một nhà chứa ở Mali

Mạng lưới đường di cư ở Tây phi được cảnh sát biết đến với cái tên mồ chôn của người di cư vì số người đã bỏ mạng trên đường này là không đếm xuể. Bọn môi giới đã đưa những phụ nữ Nigeria nhẹ dạ lên những chiếc xe chở người với những lời hứa sẽ tìm việc cho họ tại các hiệu cắt tóc hoặc siêu thị.

Sau khi nhận được những báo cáo về tình trạng nô lệ tình dục từ phía các nhân viên cứu trợ, các quan chức Nigeria đã tới Mali để điều tra hồi đầu năm. Họ cho biết cảm thấy buồn nôn bởi những gì đã nhìn thấy. Những nhà chứa với nhiều phòng nhỏ trong đó là các phụ nữ Nigeria, nhiều người đang ở độ tuổi thiếu niên. Họ bị bắt phục vụ 20-30 khách hàng một đêm để lấy tiền trả nợ cho bọn môi giới.

Ông Arize Orakwue, cơ quan quốc gia về chống buôn bán người của Nigeria cho biết, họ không đựợc tự do đi lại, không tự ý đi ra ngoài hoặc thậm chí không được gọi điện thoại. Cơ quan này đã có báo cáo chấn động và cảnh báo về các trại nô lệ tình dục ở miền bắc Mali.

Ước tính có ít nhất 20.000 thiếu nữ và phụ nữ Nigeria đã bị biến thành hàng hóa tại Mali và bị buộc phải hoạt động mại dâm. 

Đó là các nhà chứa ở trong thành phố đào vàng Kayes và Mopti. Những phát hiện này đã được trao cho cảnh sát Mali và kế hoạch mang tên Timbuktu đã được đưa ra nhằm kêu gọi chính quyền Mali trả tự do cho các cô gái này và đảm bảo cho họ được trở về nước an toàn. Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó, án binh vẫn bất động. Những đứa trẻ và phụ nữ bị buôn bán vẫn bị nằm trong tay của các tổ chức tội phạm ở Mali.

Ông Orakwue, trợ lý giám đốc của bộ phận truyền thông của cơ quan này buồn rầu thừa nhận: “Tất cả chúng ta đã thất bại. Điều mà tôi muốn Mali làm là nói rằng: Nigeria hãy sang đây, chúng tôi sẽ ủng hộ các bạn và giúp họ làm theo luật nhằm đưa nữ công dân của mình hồi hương”.

Các quan chức cho biết, mặc dù có sự đảm bảo về kế hoạch từ phía Mali, những nỗ lực truyền thông với cảnh sát Mali bị phớt lờ.

Kế hoạch này không thể thực hiện được vì nhiều khó khăn như : cảnh sát Nigeria không nói được tiếng Pháp để nói chuyện với các quan chức Mali, tệ quan liêu bao cấp vẫn còn, hầu như không có sự quan tâm của các chính trị gia tới số phận của những nạn nhân này.

Các quan chức Nigeria cho biết họ đã xúc tiến công việc nhưng cần sự hỗ trợ toàn tâm toàn trí từ phía Mali. Một quan chức cho biết, đây là vấn đề thuộc về nhận thức. Mali đã ký hiệp định Palermo của Liên hiệp quốc về chống buôn bán người , cũng như hiệp định chống tội phạm tổ chức xuyên quốc gia vào năm 2000. Rõ ràng, cần phải có những áp lực ngoại giao đối với Mali. Đây là vấn đề cấp bách.

Theo ước tính của cơ quan quốc gia về chống buôn bán người của Nigeria, số phụ nữ bị đưa sang làm gái mại dâm tại Malia là ở khoảng 20.000 đến 40.000 người. Còn theo ước tính của các tổ chức từ thiện địa phương, con số có thể thấp hơn, chừng hàng ngàn người.

Cho dù là hàng ngàn hay hàng vạn người, việc truy quét các nhà chứa này là cần thiết và việc hồi hương hàng ngàn người từ khắp 5 nước tây phi đã đặt ra nhưng khó khăn lớn về tài chính. Ông Orakwue cho biết, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến các cô gái phải sống như thế nào, nhưng chẳng làm được gì ngoài việc chỉ ngồi và nói suông.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.