Căn nhà nọ có một phòng cho thuê nhưng điều kiện hết sức tréo ngoe. Ông chủ nhà (NSƯT Việt Anh) đòi người thuê phải có gia đình, bởi ông góa vợ đã lâu, cô con gái hơn 30 tuổi (Cát Tường) chưa có chồng, lão quản gia (Công Ninh) cũng chưa vợ. Ông chủ thèm nghe tiếng trẻ bi bô, thèm thấy cảnh vợ chồng hạnh phúc.
Ngược lại, cô con gái của ông lại đòi điều kiện người thuê phải độc thân, vì cô muốn ai cũng giống gia đình cô để đừng… lộn xộn. Chàng thanh niên tên Tân (Quý Bình) và cô Tân (Lê Phương) vì muốn có chỗ ở gần cơ quan cho tiện, nên phải giả làm vợ chồng để qua mắt ông chủ, đồng thời đóng vai độc thân để qua mắt cô chủ. Những tình huống tráo đổi khiến người xem phải bật cười thú vị.
Nhưng ẩn trong câu chuyện gia đình hơi giả tưởng đó lại mang một ý nghĩa xã hội. Mở cửa đón khách mà trống đánh xuôi kèn thổi ngược, làm sao phát triển nổi? Kiểu đó chỉ khiến người ta phải gian dối thôi! Cần một sự thống nhất, một định hướng rõ rệt, một hệ thống luật chặt chẽ, thì mọi việc tự nhiên trôi chảy, nhận thức thấu đáo. NSND Năm Châu đã đi xuyên thời gian, gửi vào tác phẩm những ưu tư thời đại.
Quý Bình và Lê Phương lần này đóng hai nhân vật có tên giống nhau, vừa trẻ trung vừa dễ thương, chinh phục được khán giả. Lê Phương thoát khỏi lớp vỏ “hơi cứng” trước kia, diễn mềm mại, gần gũi hơn. Quý Bình cũng “chuyên trị” chính kịch, lần này vào vai nhẹ nhàng vui vẻ, nhưng cũng rất sâu sắc. Chỉ tiếc cho Việt Anh và Cát Tường chưa có nhiều đất diễn thể hiện tâm lý, để khán giả chấp nhận vì sao hai cha con lại trái tính, trái nết như vậy.
Những uẩn ức trong lòng mỗi người khai thác còn hơi cạn, trong khi đây là những nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm sân khấu. Nhưng dù vậy, điểm nhấn dành cho Quý Bình và Lê Phương vẫn làm khán giả hài lòng trong những ngày cận tết, bỏ bớt những gánh nặng đời sống.
Hoàng Kim
Bình luận (0)