Giảm quy mô hệ tại chức để củng cố chất lượng

27/12/2010 23:52 GMT+7

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trao đổi về chủ trương siết chặt chỉ tiêu để đảm bảo chất lượng đào tạo hệ tại chức, bắt đầu từ năm 2011.

Xin ông cho biết, năm 2011 Bộ GD-ĐT sẽ phân bổ chỉ tiêu (CT) cho hệ tại chức ra sao?

Bộ GD-ĐT nêu rõ một trong những nguyên tắc xác định CT tuyển sinh năm 2011 là CT hệ tại chức được xác định theo tỷ lệ chung bằng 60% so với CT chính quy. Một số ngành nghề, một số trường tự chủ tài chính CT có thể tăng hơn. Việc giao CT dựa trên cơ sở năng lực đào tạo của từng trường. Đó là năng lực tổng thể chứ không phải chỉ ở việc đào tạo hệ chính quy hay không chính quy.

Kết quả giám sát của Quốc hội về chất lượng giáo dục ĐH đã cho thấy, ở không ít trường ĐH, hệ tại chức tuyển sinh nhiều hơn cả chính quy. Vậy năm tới Bộ GD-ĐT sẽ quản lý như thế nào để tránh tình trạng này?

Năm ngoái đã có động thái giảm bớt rồi, bình quân chỉ có khoảng 75 - 80% so với chính quy thôi và năm nay Bộ sẽ xem xét để siết chặt CT hệ tại chức nữa để đảm bảo chất lượng.


Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Sắp tới Bộ sẽ họp để đưa ra những nguyên tắc về phân bổ CT, sẽ đưa ra những quy định để giao CT phù hợp. Chẳng hạn, có khả năng sẽ giao CT theo ngành, không giao cho một trường đào tạo quá rộng một ngành nào đó trong khi các ngành khác đang cần thì lại không có thí sinh. Ví dụ, ngành kỹ thuật hiện rất hiếm thí sinh tại chức, trong khi đó các lĩnh vực quản lý thì lại rất đông học viên, dẫn đến sự quá tải cho giáo viên, cơ sở vật chất. Việc phân bổ lại sẽ giúp đào tạo không tràn lan, chú trọng đến chất lượng và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Có ý kiến đề xuất sinh viên tại chức có thể học riêng hoặc học chung với chính quy nhưng thi hết môn, thi tốt nghiệp thì cần thi chung. Như vậy, sẽ chỉ có một loại chất lượng. Vậy sắp tới Bộ GD-ĐT có thực hiện điều này không, thưa ông?

Hiện nay đang thực hiện đào tạo theo tín chỉ, vậy thì tại chức cũng có thể học cùng với chính quy. Ví dụ, cùng một tín chỉ Kế toán thì học viên hệ tại chức cũng có thể đăng ký học cùng với sinh viên chính quy nếu thời gian cho phép họ làm được việc đó, như vậy thì cũng cùng tham gia kỳ thi cuối khóa.


Không thể nói là thích hay không thích vì hệ tại chức là phương thức đào tạo để tạo điều kiện cho người ta học tập suốt đời. Ở các nước thì hệ này rất phát triển
Bộ GD-ĐT sắp tới cũng khuyến khích các trường có mô hình đào tạo liên thông giữa tại chức và chính quy để nâng cao chất lượng của hệ tại chức. Bản chất khác nhau về phương thức đào tạo nên chưa thể bắt buộc được, hệ tại chức này phải có sự mềm dẻo hơn về thời gian.

Nhiều đơn vị tỏ thái độ không thích tuyển dụng người học hệ tại chức. Vậy Bộ GD-ĐT có để ý đến tín hiệu đó không?

Không thể nói là thích hay không thích vì hệ tại chức (vừa làm vừa học) là phương thức đào tạo để tạo điều kiện cho người ta học tập suốt đời. Ở các nước thì hệ này rất phát triển. Khoa học công nghệ tiến nhanh như hiện nay, một người không thể học một lần và làm việc suốt đời được, họ phải học để thích nghi, nắm bắt công nghệ mới. Mô hình vừa học vừa làm đáp ứng được nhu cầu đó, và vẫn tồn tại ở các nước.

Vấn đề là làm sao phải đảm bảo chất lượng trên nguyên tắc: cùng một chương trình chỉ khác nhau về loại hình đào tạo thôi. Còn chương trình thì như nhau, kiểm tra đầu vào như nhau, bằng cấp như nhau. Nếu làm được như vậy thì chất lượng sẽ không có gì chênh lệch giữa tại chức và chính quy.

Ở nước ngoài, văn bằng không phân biệt loại hình đào tạo. Vậy ở nước ta thì điều này liệu có thể thực hiện được không, thưa ông?

Tôi chưa thể trả lời được câu hỏi đó ngay bây giờ vì đó là theo quy định hiện hành. Mặc dù ở nước ta thì vẫn ghi vào bằng loại hình đào tạo gì nhưng về bản chất, nếu làm theo đúng những quy định hiện hành về phương thức đào tạo thì giá trị của nó về kiến thức người học tích lũy được là như nhau.

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.