Xả thân chống tham nhũng

27/12/2010 01:25 GMT+7

Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tổ chức buổi gặp mặt đại biểu có thành tích PCTN về dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc năm 2010 vào chiều 26.12 tại Hà Nội.

Tại buổi gặp, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương (BCĐ) PCTN đã tặng hoa và quà cho 5 đại biểu tiêu biểu về dự Đại hội thi đua yêu nước, gồm ông Lê Đạo, cán bộ hưu trí, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng, Lâm Đồng; bà Nguyễn Thị Hòa, cựu chiến binh phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội; nhà báo Phan Thị Thanh Hương, Báo Người cao tuổi, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội; ông Dương Thanh Phúc, Phó trưởng Ban thường trực kiêm Chánh văn phòng BCĐ PCTN tỉnh Cao Bằng.

10 năm đòi tiền cho nhà nước

Ông Lê Đạo, 82 tuổi, là đại biểu nhiều tuổi nhất trong số 5 đại biểu dự buổi gặp mặt chiều 26.12 tại trụ sở Văn phòng BCĐ Trung ương về PCTN. Ông kể từ tháng 12.2000, ông cùng 4 người đồng chí hướng khác (đều từng tham gia kháng chiến, nhiều người là thương binh hạng nặng, từng giữ trọng trách cao ở huyện Đức Trọng) phát hiện và tố cáo một số cán bộ huyện (thời kỳ 1991 - 1993) cố tình vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước lên tới 30 tỉ đồng. “Sau gần 10 năm đấu tranh với bao nhiêu lực cản, nay chúng tôi đã giành được thắng lợi, tài sản đã thu hồi gần 30 tỉ đồng”, ông Đạo vui mừng cho biết. Song điều ông băn khoăn, bức xúc là “tài sản đã được thu hồi, việc xử lý kỷ luật 2 cán bộ thuộc diện quản lý của huyện đã được thi hành, còn 2 cán bộ do tỉnh quản lý, dù chủ mưu trong việc để thất thoát tài sản nhà nước song vẫn chưa bị xử lý, trái lại, còn được đề bạt, cất nhắc”. Những người chống tham nhũng, phanh phui vụ việc như ông thì được cấp tỉnh tặng bằng khen, còn người sai phạm thì lại được trung ương tặng thưởng huân chương.

Ông Đạo bộc bạch: “Chúng tôi đã tham gia đấu tranh nhiều vụ sai phạm, hầu hết là cán bộ nên hết sức khó khăn. Quả thật là cuộc đấu tranh không cân sức, nhiều sức cản, ô dù, bao che, đùn đẩy, né tránh. Thậm chí còn bị đe dọa, mua chuộc dưới mọi hình thức, mặt khác còn tác động bên ngoài kể cả anh em, bạn bè, người thân, gia đình vợ con can gián đừng đấu tranh…, một số đồng chí đấu tranh nửa chừng đành bỏ cuộc”.  Điều ông mong muốn là việc xử lý những người vi phạm, tham nhũng cần phải nghiêm minh để có tính răn đe ngăn chặn.

Không chùn bước

Nếu 12 giờ không thấy mẹ về, con ra hồ Tây nhặt xác mẹ - Bà Nguyễn Thị Hòa

Là người từng được báo chí nhắc đến nhiều trong các bài viết về gương điển hình PCTN, bà Nguyễn Thị Hòa cho biết: “Cuộc đấu tranh đứng về phía lẽ phải, về phía công lý mà tôi đã và đang thực hiện gặp không ít khó khăn, phức tạp, thậm chí bị trả thù. Bởi vì đối tượng mà tôi đấu tranh là những người có chức vụ, quyền hạn, có thế lực trong xã hội, có nhiều thủ đoạn để lừa trên, nạt dưới”.

Tâm sự với PV Thanh Niên tại cuộc gặp mặt chiều 26.12, bà Hòa xúc động: Nhờ có tiếng nói của báo chí nên giờ này bà vẫn được sống. Suốt thời gian 10 năm đấu tranh, nhiều lúc bà cảm thấy đơn độc. Trước khi báo chí đưa tin về mình, bà đã giấu gia đình việc dấn thân vào cuộc chiến chống tham nhũng, chỉ cho một mình con gái biết và dặn “mỗi khi mẹ đi thu thập tài liệu, chứng cứ để chống tham nhũng, nếu 12 giờ không thấy mẹ về, con ra hồ Tây nhặt xác mẹ”. Bà đã không ít lần bị các đối tượng vi phạm thuê “xã hội đen” đánh đập, khủng bố, dọa rạch mặt.

“Tôi biết cuộc chiến đấu PCTN phía trước còn hết sức khó khăn nhưng tôi đã quyết tâm đi theo con đường này. Tôi đấu tranh vì muốn góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước mình”, bà Hòa tâm sự.

Chấp nhận bị “trù dập”

Đó là nhà báo Phan Thị Thanh Hương, phóng viên của Báo Người cao tuổi. Là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập báo (1995) và là Chi hội trưởng Chi hội Nhà báo của Báo Người cao tuổi, chị Thanh Hương đã dám hy sinh quyền lợi cá nhân, bất chấp sự đe dọa, trù dập, cô lập của ban lãnh đạo, quản lý tờ báo để đứng đơn tố cáo 11 vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra tại nơi chị công tác từ năm 2001 - 2007. Từ việc tố cáo Tổng biên tập Báo Người cao tuổi câu kết trong lãnh đạo báo loại bỏ 4 đảng viên, dẫn đến tình trạng báo thành lập 10 năm nhưng không có chi bộ Đảng, đến việc tố cáo cá nhân trong tờ báo vi phạm quản lý tài chính, tham ô, tham nhũng, làm thất thoát tiền nhà nước.

Cái giá chị phải trả cho hành động can đảm của mình là dù đã được ký hợp đồng dài hạn từ 1.10.1995, chị vẫn bị buộc phải ký lại hợp đồng ngắn hạn, hưởng 150.000 đồng/tháng (mức lương tối thiểu cùng thời điểm là 290.000 đồng/tháng), tiếp đó là chịu cảnh không được trả lương, hơn 4 năm không được đóng BHYT và BHXH; buộc phải hưởng mức lương hệ số khởi điểm 2,34 dù có 31 năm công tác không vi phạm kỷ luật, công tác tốt; bị thu hồi thẻ nhà báo... Nhưng những hy sinh của chị đã được đền đáp khi Ban Thường vụ Trung ương hội tiến hành thanh kiểm tra, ra văn bản kết luận vụ việc, phát hiện có sự tham ô trên 5,6 tỉ đồng trong dự án 6,8 tỉ đồng và từ nguồn thu các loại ấn phẩm của tờ báo. Tháng 7.2008, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Năm 2007, chị đã được mời trở lại làm việc, được bồi thường và phục hồi các quyền lợi khác.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.