"Về đất Thăng Long" lên sóng

29/12/2010 09:04 GMT+7

Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2011, bộ phim truyền hình lịch sử Về đất Thăng Long sẽ chính thức lên sóng trên kênh HTV9 lúc 22g30 từ thứ năm đến chủ nhật hằng tuần.

Về đất Thăng Long là bộ phim lịch sử kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long khởi quay chậm nhất trong số các phim mừng đại lễ, nhưng lại là bộ phim truyền hình ra mắt khán giả sớm nhất. Ðạo diễn chính Trần Ngọc Phong đã chia sẻ về bộ phim mà với ông chất lịch sử trong phim chỉ là... bộ xương vững chắc. Ông nói:

- Chúng tôi đã dốc hết sức lực để bộ phim phát sóng kịp thời gian. Bộ phim khởi quay từ ngày 21-8, tính trung bình tiến trình quay phim hơn ba ngày/tập. Hiện bộ phim đã làm hậu kỳ được 30 tập, chỉ còn quay tập cuối cùng với đại cảnh.

Ðể kịp tiến độ, có những lúc đoàn phim chia làm hai cánh: một nhóm ra Bắc quay, nhóm còn lại quay trong phim trường của Hãng phim Giải Phóng. Có khoảng năm cung điện với hơn mười bối cảnh nội được dựng trong phim trường này.

* Phim lịch sử được ví là miếng bánh khó nuốt bởi khó thực hiện, kinh phí cao. Ðoàn phim thực hiện giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

Về đất Thăng Long dài 40 tập, do HTV phối hợp cùng Hãng phim M&T Pictures sản xuất. Bên cạnh đạo diễn chính là Trần Ngọc Phong, phim còn có sự góp sức của hai đạo diễn trẻ Chí Bửu và Đinh Thái Thụy. Cố vấn lịch sử là nhà văn Văn Lê, cố vấn nghệ thuật phim là đạo diễn Trần Ngọc Xum. Bộ phim bắt đầu với lễ hội tịch điền của vua Lê Đại Hành trị vì nước Đại Cồ Việt. Khi ông băng hà, thái tử Lê Long Việt lên nối ngôi được ba ngày thì bị người em Lê Long Đĩnh sai người giết chết... Với tính cách độc ác, hoang dâm, Lê Long Đĩnh chết sau vài năm cai trị. Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn (Lý Hùng thủ vai) được triều thần và dân chúng tôn lên ngôi vua, tức Lý Thái Tổ, mở đầu triều đại nhà Lý...

- Trước tôi, bộ phim này được giao cho một số đạo diễn khác và họ lắc đầu từ chối. Kịch bản phim quá hoành tráng nên rất tốn kém. Trong khi đó, kinh phí làm phim truyền hình lịch sử chỉ gấp đôi phim tâm lý xã hội thông thường (360 triệu đồng/tập).

Vì thế chúng tôi phải lượng sức mình. Ví dụ nếu theo đúng kịch bản thì đoàn phim phải kéo ra Ninh Bình quay hai tháng, nhưng chúng tôi chỉ quay trong vòng 20 ngày. Khi ra Ninh Bình, nhìn dòng sông ở đấy tôi liên tưởng đến hồ Bửu Long của Ðồng Nai và thấy khá giống nhau. Vì thế chúng tôi đóng thuyền rồng để quay một số cảnh khi vua du ngoạn bằng thuyền ở Bửu Long thay vì phải ra Ninh Bình như trong kịch bản. Còn đại cảnh phía ngoài cung điện, bạn biết chúng tôi quay ở đâu không? Ngay khu tưởng niệm đền Hùng ở quận 9, TP.HCM. Không ngờ những bậc thang làm bằng đá và dãy tre xanh bạt ngàn hai bên khi lên hình lại rất đẹp...

* Làm cảnh giả nhiều quá liệu khi xem phim khán giả có chấp nhận được không, thưa ông? Qua hai tập phim được chiếu trước cho báo chí xem thì điều lộ rõ nhất là trang phục được may bằng loại vải thời nay?

- Tôi nghĩ chấp nhận được nếu những bối cảnh ấy được dựng và quay khéo léo, đồng thời có câu chuyện phim hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Họa sĩ thiết kế Mã Phi Hải đã làm rất tốt công việc của mình. Riêng về phần trang phục chúng tôi có họa sĩ phục trang, có những lúc chỉ trong vòng một tháng họ phải thiết kế 500 bộ.

Những trang phục này hoàn toàn may mới chứ không lấy từ trang phục của cải lương. Nhưng tìm ra loại vải thô cho đúng với thời trước quả là khó khăn. Mặt khác, vải thô không đẹp khi lên hình. Vì thế chúng tôi sử dụng vải phi bóng, sa tanh... của thời nay. Những vải này đều qua công đoạn nhuộm lại cho cũ bớt. Nói thật là đôi khi chúng tôi như người đi trong bóng tối bởi hầu như không có tài liệu cụ thể nào nói về trang phục thời bấy giờ cả.

* Có đến chục phim lịch sử được thực hiện nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó bộ phim nhựa Khát vọng Thăng Long đã ra mắt cũng có nội dung tương tự, ông nghĩ Về đất Thăng Long hấp dẫn khán giả ở yếu tố gì?

- Về đất Thăng Long là bộ phim có kịch bản hay. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân dựa trên những ghi chép ngắn gọn vài trang trong bộ Ðại Việt sử ký toàn thư để xây dựng nên bộ phim. Nhưng yếu tố lịch sử trong phim chỉ như bộ xương vững chắc. Những nhân vật đắp trên "xương cốt" đó mới tạo nên câu chuyện hoàn chỉnh.

Phim không khai thác nhiều cảnh võ thuật vì chúng ta chưa thật sự có công nghệ, máy móc, con người... thích hợp, nhưng bù lại khai thác chuyện nội cung khá sống động. Ví dụ như Lê Long Ðĩnh là vị vua tàn ác nhưng bên trong con người này vẫn ẩn khuất đâu đó chút tình. Còn hoàng thái hậu Diệu Nữ là một người mẹ rất thương con nhưng là một phụ nữ nhiều tham vọng... Tôi tin khán giả khi xem phim sẽ cảm thấy gần gũi và chia sẻ.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.