Lớp học này do thầy Nguyễn Đức Cường khởi xướng, đứng lớp là những thầy giáo dạy mỹ thuật ở các trường THCS gần đấy. "Có lần, thấy mấy đứa nhỏ lang thang mong muốn được học vẽ, không hiểu sao tôi cảm thấy rất xúc động vì ước muốn giản đơn đó có khi cả đời các em không thể thực hiện được. Tôi nói chuyện với vợ về việc mở một lớp dạy vẽ cho mấy đứa nhỏ, vợ tôi tán đồng ngay. Tôi mời thầy Nghĩa, thầy Tuấn... về cùng tôi dạy vẽ cho các em. Cứ thế, lớp học đã được các em lang thang tìm đến ngày càng nhiều", thầy Cường tâm sự.
Hằng ngày, sau giờ mưu sinh, các em tìm đến lớp để học vẽ. Một vài gia đình gần đó có con là trẻ khuyết tật cũng tìm đến để gửi cho các thầy dạy vẽ. Từ bức tranh ban đầu với những nét vẽ nguệch ngoạc, dần dà các em đã bắt đầu vẽ theo đường nét, màu sắc có chọn lựa và mỹ thuật hơn. Nhiều bức tranh sáng tạo và sống động đến ngạc nhiên. Sản phẩm của các em là những bức tranh chép, tấm thiệp truyền thống được vẽ trên giấy lụa, giấy vẽ hoặc chiếc mo cau trông rất lạ. "Các em vẽ bằng tất cả tâm hồn thuần khiết nên nét vẽ rất trong sáng, màu sắc vô cùng sáng tạo và phong phú", thầy giáo dạy vẽ chia sẻ niềm vui. Rồi thầy tặc lưỡi: "Tiếc là các thầy ở đây không ai biết kinh doanh, giúp những bức tranh này bước ra thị trường để các em có chút thu nhập".
"Ban đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc trao đổi với những em khiếm thính, về sau, các thầy ở đây ngoài việc dạy vẽ còn dạy thêm chữ để các em có điều kiện giao tiếp", thầy Cường cho biết. Lớp học không bắt đầu vào giờ cố định nào, cứ lúc nào rảnh rỗi là các em tìm đến. Lâu dần, nơi đây đã trở thành điểm tựa ấm áp để gần 20 em khuyết tật tìm về. Và cũng từ nơi đây, những bức tranh mộc mạc và trong sáng được thành hình, bằng tất cả niềm đam mê của những đứa trẻ bất hạnh.
Bảo Nguyên
Bình luận (0)