Một trùm xã hội đen Ấn Độ bị bắt tại Việt Nam

31/12/2010 00:11 GMT+7

Hôm qua, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm - Cơ quan thường trực phía Nam (C52B) Bộ Công an cho biết tính từ đầu năm đến nay đã bắt 89 đối tượng có lệnh truy nã; trong đó đặc biệt có Pandey Prakash, một trùm băng nhóm xã hội đen của Ấn Độ.

Theo lãnh đạo C52, đây là chiến công xuất sắc của lực lượng Công an Việt Nam gồm Văn phòng Interpol, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm và các đơn vị liên quan của Tổng cục An ninh I.

Pandey Prakash sinh năm 1970 tại Ấn Độ, liên quan đến hơn 30 vụ án tống tiền và các tội ác dã man khác. Ngoài ra, Pandey Prakash còn tham gia các vụ nổ mìn tại Haldwani (Ấn Độ) đầu năm 2000; làm tiền giả, bán rượu giả và cầm đầu nhiều vụ bắt cóc, tống tiền tại Delhi, Mumbai, Almora, Uttarakhand và Uttar Pradesh...

Pandey Prakash gia nhập băng nhóm Chhota Rajan, do Nikalje Rajendra Sadashiv (51 tuổi, có 3 lệnh truy nã đỏ) cầm đầu. Băng nhóm của Pandey Prakash hoạt động theo kiểu bảo kê, yêu cầu các chủ thầu hay các doanh nghiệp có công trình về bất động sản phải nộp tiền để được yên ổn kinh doanh. Đặc biệt, trong các vụ bắt cóc tống tiền, Pandey Prakash dùng thủ đoạn mới mẻ, cực kỳ nguy hiểm nhưng rất hiệu quả.

Lợi dụng ngành điện ảnh đang thu hút nhiều người trẻ tại Ấn Độ, Pandey Prakash và đồng bọn thường xuyên đăng những mẩu tin quảng cáo trên báo để tìm gương mặt mới cho các vai diễn. Khi những cô gái xinh đẹp tìm đến theo địa chỉ đăng báo để thử vận may thì lập tức bị bọn chúng bắt cóc và yêu cầu gia đình nạn nhân phải chi một khoản tiền lớn để chuộc mạng.

Gần đây nhất, Pandey Prakash dùng súng bắn chết một người đàn ông tại Mumbai, uy hiếp các nhân viên cảnh sát rồi bỏ trốn.

Interpol Ấn Độ nhận định Pandey Prakash đang lẩn trốn tại Việt Nam và đề nghị Văn phòng Interpol Việt Nam phối hợp với các lực lượng công an hỗ trợ truy bắt. Nhận thấy đây là một đối tượng đặc biệt nguy hiểm, Văn phòng Interpol Việt Nam báo cáo với lãnh đạo Bộ Công an và yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ rà soát, xác minh để tìm ra tung tích của đối tượng.

Cuối năm 2010, với những thông tin mới nhất mà cảnh sát nước bạn cung cấp và bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an Việt Nam phát hiện Pandey Prakash sử dụng hộ chiếu giả mang tên Vijay Subash Sharma để nhập cảnh vào Việt Nam, sống cùng vợ và 2 con tại một căn hộ ở tầng 20, chung cư Nhiêu Lộc, P.12, Q.3, TP.HCM. Ngay sau đó, Pandey Prakash bị Công an Việt Nam bắt giữ, trao cho cảnh sát Ấn Độ dẫn về nước.

Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.