Choáng với giá chuyển nhượng cầu thủ

02/01/2011 00:33 GMT+7

Nhiều CLB V-League và hạng nhất có tiềm lực mạnh đang ráo riết chạy đua để săn cho bằng được những cầu thủ nội tốt nhất, bất chấp giá của các ngôi sao này bị đẩy lên chóng mặt.

Tài Em, Quang Hải, Phước Tứ có giá chuyển nhượng rất cao trong mùa bóng 2011 - Ảnh: Khả hòa - Bạch Dương

Nhiều CLB V-League và hạng nhất có tiềm lực mạnh đang ráo riết chạy đua để săn cho bằng được những cầu thủ nội tốt nhất, bất chấp giá của các ngôi sao này bị đẩy lên chóng mặt.

Năm 2004, bóng đá VN bắt đầu có cú đột phá đầu tiên trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ khi tiền vệ Trần Trường Giang của Tiền Giang sau khi chơi rất thành công ở Tiger Cup 2002 đã được đội Bình Dương mua về với giá 1 tỉ đồng và được trả mức lương 15 triệu đồng/tháng. Thời đó, số tiền này được xem là cú hích lớn cho những nội binh có tiềm năng nỗ lực phấn đấu, đồng thời nó cũng mở ra thời kỳ mới cho các CLB săn lùng những cầu thủ nội có chất lượng để tăng cường vào đội hình của mình.

Từ 1 tỉ đến 12 tỉ

Sau Trường Giang đến lượt tiền vệ Trung Kiên từ Nam Định về Thép miền Nam - Cảng Sài Gòn cũng có giá 1 tỉ đồng. Đó cũng là một cú chuyển nhượng nổi đình đám trong năm 2005. Lúc đó, nhiều cầu thủ nội đã rục rịch giữa chuyện đi - ở để tìm bến đỗ vừa đảm bảo cuộc sống lâu dài vừa có môi trường phấn đấu tốt hơn. Tuy nhiên do nhiều CLB vào hàng đại gia bấy giờ như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Đồng Tâm Long An (ĐTLA) đều tìm cách siết lại nên giá trị thực của các cầu thủ được giữ ở mức không quá con số 1 tỉ nói trên.

Mọi chuyện trở nên vượt tầm kiểm soát vào đầu năm 2006, khi bắt đầu có những cú chuyển nhượng lên đến trên 1 tỉ đồng, rồi trên 2 tỉ đồng như trường hợp Vũ Phong từ Vĩnh Long về Bình Dương, Minh Đức từ HAGL về Đà Nẵng rồi về Bình Dương…

Đến năm 2007, Mai Tiến Thành từ Thanh Hóa về Vissai Ninh Bình với giá 3 tỉ đồng, Hữu Thắng từ Bình Dương cũng về Ninh Bình với giá tương tự. Tốc độ đẩy giá đã tăng rất nhanh do sự xuất hiện của các CLB đại gia mới.

Năm 2008, thị trường lên cơn sốt khi tiền đạo Lê Công Vinh được bầu Hiển mua về Hà Nội T&T với giá 7 tỉ đồng và mức lương 40 triệu đồng/tháng. Con số này những tưởng đã chót vót, nhưng sau đó lại bị qua mặt khi hàng loạt cầu thủ được chuyển nhượng trong năm 2009 như Như Thành về Vissai Ninh Bình gần 8 tỉ đồng kèm mức lương 50 triệu đồng/tháng.

Chơi đúng khả năng và phong độ cũng như đảm bảo đúng mặt bằng thị trường thì theo tôi, một cầu thủ nội chỉ đáng 3 tỉ đồng cho 3 mùa

Bầu Đức của HAGL

Đặc biệt sau mùa bóng 2010, các đại gia mới nổi như Navibank Sài Gòn và Xuân Thành Sài Gòn đã phá giá chuyển nhượng với con số “khủng”: 9 tỉ đồng/3 năm và mức lương 55 triệu đồng/tháng cho chân sút Quang Hải (từ Khatoco Khánh Hòa về Navibank Sài Gòn) và 12 tỉ đồng/3 năm với mức lương gần 50 triệu đồng/tháng cho trung vệ Lê Phước Tứ (từ Lam Sơn Thanh Hóa về Xuân Thành Sài Gòn).

Không chỉ mua Quang Hải và Phước Tứ, 2 đội bóng TP.HCM này còn tung tiền ra mua Phan Văn Tài Em (7 tỉ đồng/3 năm), Nguyễn Anh Tuấn (6 tỉ đồng/3 năm), Lê Sỹ Mạnh (5 tỉ đồng/3 năm), Lương Văn Được Em (5 tỉ đồng/3 năm), Nguyễn Minh Đức (5 tỉ đồng/3 năm) với mức lương đều từ 35 triệu đến 40 triệu đồng/tháng; Trần Duy Quang, Trần Trường Giang, Nguyễn Hoàng Vương, Trương Văn Hải về chơi một mùa khoảng 1 tỉ đồng và mức lương khoảng 25 triệu đến 30 triệu đồng/tháng. Còn Minh Phương từ ĐTLA ra SHB Đà Nẵng với giá xấp xỉ 5 tỉ đồng.

Giá trị thật là bao nhiêu?

Tham vọng vươn lên hàng “bá chủ” của Hà Nội T&T, Vissai Ninh Bình, Becamex Bình Dương và gần đây là Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn thể hiện ngày càng rõ khi họ không tiếc tiền đầu tư, tậu cho bằng được cầu thủ nội chất lượng cao, có mác tuyển thủ quốc gia.

Thời này làm gì có giá 2-3 tỉ đồng cho một cầu thủ nội đá 3 mùa nữa, tệ lắm cũng là 5 tỉ cho một cầu thủ có chất lượng khá tốt, chứ còn ngôi sao thì phải từ 7 tỉ trở lên

Một lãnh đạo CLB thuộc hàng đại gia
Một lãnh đạo CLB thuộc hàng đại gia nói trên còn tuyên bố: “Thời này làm gì có giá 2-3 tỉ đồng cho một cầu thủ nội đá 3 mùa nữa, tệ lắm cũng là 5 tỉ cho một cầu thủ có chất lượng khá tốt, chứ còn ngôi sao thì phải từ 7 tỉ trở lên. Ngay cầu thủ trẻ bây giờ mà đá tốt đã có giá không dưới 2 tỉ đồng một mùa như Văn Quyết đầu quân cho Hà Nội T&T hay Văn Duyệt, Mạnh Dũng về Vissai Ninh Bình cũng tròn trèm 6 tỉ đồng/3 năm”.

Trước tình hình này, bầu Đức của HAGL từng cho biết: “Chúng tôi làm bóng đá nhưng không chạy theo giá trị ảo của cầu thủ một cách vô tội vạ. Đúng là cầu thủ giờ đây phải có giá trị chuyển nhượng tốt để họ có thể nuôi sống bản thân và gia đình, chẳng hạn chúng tôi cũng đã tậu về rất nhiều cầu thủ nội có chất lượng nhưng làm gì có giá trên 5 tỉ. Chơi đúng khả năng và phong độ cũng như đảm bảo đúng mặt bằng thị trường thì theo tôi, một cầu thủ nội chỉ đáng 3 tỉ đồng cho 3 mùa”.

Bầu Thắng của ĐTLA cũng cùng quan điểm khi nói: “Dù vật giá leo thang, dù bóng đá chuyên nghiệp có những đòi hỏi cao, nhưng trình độ cầu thủ VN thực tế chỉ tương ứng với giá khoảng 2 - 3 tỉ cho một hợp đồng 2-3 năm là phù hợp. Đưa ra con số quá cao là đánh giá không đúng thực chất giá trị cầu thủ, làm cho cầu thủ nội ảo tưởng và gây ra sự hỗn loạn thị trường”.

Nhưng dù HAGL, ĐTLA có hướng đi riêng, thì cách làm của những đại gia mới nổi cho thấy họ đã thật sự tạo nên một thị trường chuyển nhượng đầy màu sắc và rất khó lường cho bóng đá VN.

Leandro có giá cao nhất trong số ngoại binh

Tiền vệ Leandro từ Xi măng Hải Phòng về đầu quân cho Becamex Bình Dương được “cò” Mauro đưa ra giá 800 ngàn USD (gần 16 tỉ đồng), trong khi Huỳnh Kesley dù đã là cầu thủ nhập tịch nhưng cũng có giá gần 550 ngàn USD khi về chơi cho Xuân Thành Sài Gòn. Trước đó, Kesley đã ra giá này khi gặp Chủ tịch Vissai Ninh Bình Hoàng Mạnh Trường, nhưng “bầu” Trường không đồng ý. Tiền đạo Almeyda của SHB Đà Nẵng về Navibank Sài Gòn cũng có giá hơn 400 ngàn USD. (T.K)

Ý kiến


Ảnh: Khả Hòa

Ông Nguyễn Quốc Hội - Chủ tịch CLB Hà Nội T&T: Tiền chuyển nhượng tùy nhu cầu cầu thủ

“Chúng tôi khi quyết định bỏ ra một khoản tiền lớn nào đó để mua cầu thủ, thường tính đến việc nâng cao chất lượng CLB, chứ không nghĩ đến việc đánh bóng tên tuổi. Vấn đề giá tiền chuyển nhượng cao hay thấp, nhiều khi phụ thuộc vào nhu cầu của cầu thủ mà CLB định mua về. Khi đàm phán, chúng tôi cũng hỏi thẳng nguyện vọng cầu thủ về khoản tiền này, cũng như mức lương anh ta muốn nhận và số năm hợp đồng mà anh ta muốn ký. Nếu thấy phù hợp thì CLB sẽ chấp nhận. Nhưng không phải lần chuyển nhượng nào cũng thành công. Ví dụ như năm vừa rồi, CLB ký hợp đồng với 2 cầu thủ ngoại song chất lượng rất kém”.


Ảnh: Bạch Dương

Cựu tuyển thủ Trần Công Minh: Phi thực tế!

“Thực ra, ở châu Âu giá chuyển nhượng cao đạt mức kỷ lục chỉ tập trung ở một số ít cầu thủ ngôi sao đã thành danh do các CLB có tiềm lực tài chính muốn có cầu thủ mà họ cần để lắp ghép hoàn chỉnh sơ đồ chiến thuật nên bắt buộc phải mua, và đôi khi đẩy giá cao để mua bằng được vì sợ CLB khác giành mất. Ví dụ như gần đây Man.City mua Tevez, Yaya Toure, Balotelli… với giá từ vài chục triệu bảng trở lên, song những cầu thủ nói trên đã góp phần đưa CLB này đứng ở tốp đầu giải Ngoại hạng Anh. Trong khi với phần lớn cầu thủ khác thì mức giá chuyển nhượng phản ảnh đúng năng lực. Ngoài ra, do lượng cầu thủ thuộc dạng tiềm năng ở châu Âu rất nhiều nên các CLB có quyền chọn lựa và cân đo đong đếm mức phí trước khi quyết định mua về.

Còn trong khuôn khổ V-League, những cầu thủ xuất sắc hiện nay như Minh Phương, Tài Em, Như Thành, Việt Thắng… xứng đáng được hưởng mức chuyển nhượng cao, vì đã chứng tỏ được tài năng của mình. Tuy nhiên theo cá nhân tôi, giá chuyển nhượng lên tới gần cả chục tỉ đồng thì cao quá. Nhưng dẫu sao, một số CLB có tham vọng và tiềm lực tài chính cũng sẵn sàng mua các cầu thủ này vì một lẽ là cầu thủ Việt có chất lượng hiện rất hiếm, nếu không mua thì CLB đại gia khác cũng sẽ tìm cách lấy về. Do đó, phí chuyển nhượng ở V-League đội giá phi thực tế là vậy”.


Ảnh: Khả Hòa

Ông Mai Đức Chung - HLV Navibank Sài Gòn: Đôi khi vượt quá chất lượng thật

“So với châu Âu hay thế giới thì tiền chuyển nhượng cầu thủ tại VN không thấm vào đâu, nhưng so với khu vực thì đúng là hơn hẳn. Điều này giải thích tại sao rất nhiều cầu thủ Thái Lan thích sang VN thi đấu. Việc giá cầu thủ bị đội lên cao, đôi khi vượt quá chất lượng thật của cầu thủ, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, có khi do “cò” môi giới cầu thủ mà cũng có khi do chính CLB”.  

G.Lao - L.P (ghi)

Cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới

Nguồn tin từ tờ The Sun cho biết ngôi sao tiền đạo của CLB M.U  Wayne Rooney sau khi đồng ý ở lại và gia hạn hợp đồng mới đến năm 2015 đã nhận mức lương cao kỷ lục: khoảng 250.000 bảng/tuần (gấp gần 3 lần so với mức lương 90.000 bảng/tuần mà cầu thủ này nhận trước đó). Dĩ nhiên, ngay sau tin tức này được báo chí Anh đăng tải, một bộ phận dư luận ở xứ sương mù đã chỉ trích kịch liệt Rooney là kẻ hám tiền, nhưng một số khác cũng là CĐV của M.U thì cho rằng: “Với tài năng và sự ảnh hưởng của mình đến CLB, Rooney hoàn toàn xứng đáng được hưởng mức đãi ngộ đó”.

Những nhân vật trong làng giải trí ở Anh đều có thu nhập cao gấp nhiều lần so với người dân bình thường, và vì thế họ cũng bị đánh thuế thu nhập rất cao, lên tới 50%. Do đó, dù các cầu thủ nhận mức lương cao hằng tuần, nhưng số tiền thực nhận của họ cũng chỉ chừng phân nửa.

Tại châu Âu, ngoài Anh, các nước như Tây Ban Nha, Ý có mức thuế thu nhập thấp hơn, nên các ngôi sao gần đây thích chọn bến đỗ tại các quốc gia này để thi đấu, chẳng hạn như C.Ronaldo, Kaka... Thế nên, dù Rooney, Tevez có mức lương cao, nhưng nếu tính tổng thu nhập thì họ không thể bì lại các cầu thủ như C.Ronaldo hay Messi. G.Lao

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.