Như Thanh Niên đã đưa tin, tối 1.1, ông Nguyễn Hữu Phú (50 tuổi, ngụ Q.1) chở vợ và con gái đi chơi ở Q.7. Trên đường về nhà, đến ngã ba Nguyễn Tất Thành - Xóm Chiếu (Q.4), bất ngờ xe máy bị lọt bánh xuống khe của một miếng thép lớn đặt trên đường, khiến cả gia đình ông ngã trượt dài trên đường. Rất may lúc này không có ô tô trờ tới, ông Phú kịp đứng dậy đưa vợ con vào bệnh viện (BV). Tai nạn làm ông Phú bị gãy xương vai, con gái (8 tuổi) bị thương ở chân trái và đầu, vợ ông bị xây xát nhẹ. Hiện con ông Phú đã được BV Nhi đồng 2 cho xuất viện, còn ông vẫn đang điều trị tại BV Sài Gòn.
Không có biển cảnh báo
Tại hiện trường, tấm thép dài hơn 3m, rộng hơn 2m và dày gần 10cm đậy tạm lên miệng hố đang thi công bị xô lệch sang một bên tạo khe hở lớn, người lưu thông buổi tối rất khó quan sát nên dễ bị trượt té. Theo người dân ở đây, trước đó một số công nhân đến đào đường nhưng không tái lập ngay mà dùng tấm thép đậy tạm miệng hố. Đường Nguyễn Tất Thành vốn nhiều xe tải lưu thông, mỗi lần xe tải, container chạy qua, miếng thép bật kêu rầm rầm, dần dần bị xô lệch. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, một số công nhân đã đến hiện trường dùng xà beng đẩy tấm thép che lại miệng hố.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phú cho biết dù báo chí đã đưa tin, song suốt mấy ngày nằm viện, vẫn chưa thấy đơn vị nào chủ động đứng ra nhận trách nhiệm, khắc phục, hoặc ít nhất cũng thăm hỏi người bị nạn. Theo ông Phú, đường đang thi công nhưng không có rào chắn, cũng không có biển cảnh báo từ xa chứng tỏ đơn vị thi công rất coi thường sự an toàn của người dân. Đó là chưa kể vừa qua, Sở GTVT đã ra quy định yêu cầu các đơn vị đào đường phải tái lập hoàn chỉnh mặt đường mới cho lưu thông, cấm tuyệt đối mọi trường hợp tái lập tạm; song đơn vị thi công chỉ đậy tấm thép một cách tạm bợ.
Không ai chịu trách nhiệm?
Trong ngày hôm qua Thanh Niên đã tìm cách liên lạc với các đơn vị quản lý hạ tầng song vẫn chưa xác định được hố đào trên đường Nguyễn Tất Thành thuộc công trình nào và do đơn vị nào thi công. Trong khi Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (quản lý các tuyến đường thuộc khu vực trung tâm TP) nói “chưa nghe báo cáo” về vụ tai nạn, thì đại diện Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP khẳng định hố đào gây tai nạn không thuộc các công trình do trung tâm quản lý. |
Dù tình trạng mất an toàn đã được cảnh báo nhiều, song những cái bẫy kiểu này vẫn nhan nhản. Trên đường Kha Vạn Cân, dù đã xảy chết người, nhưng đến nay tình trạng hố ga mất an toàn vẫn chưa khắc phục. Tương tự, trục đường “ngoại giao” Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1, Phú Nhuận) hay đại lộ Đông Tây dù mới thông xe cũng đã xuất hiện nhiều cái bẫy nguy hiểm từ các hố ga bị mất nắp đậy…
Trong cuộc họp mới đây về hoạt động cấp thoát nước của TP, ông Nguyễn Trí Thanh - Phó phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm điều hành chương trình chống ngập) - cho rằng, nguyên nhân của những cái bẫy trên đường kiểu này là do tình trạng mạnh ai nấy thi công, mạnh ai nấy quản lý. “Chưa kể, dù chủ đầu tư đã thống nhất không sử dụng nắp hố ga, lưới chắn rác bằng gang vì rất dễ mất cắp, nhưng nhiều tuyến đường khi thiết kế, thi công vẫn sử dụng loại này, dẫn đến hố ga mất nắp thường xuyên, tạo thành hố sâu nguy hiểm”, ông Thanh nói.
N.Tuấn Đạt
Bình luận (0)