Cường là con thứ hai trong gia đình có đến 8 người con từ Hà Nam vào lập nghiệp theo diện kinh tế mới ở xã Yang Mao. Năm 2000, anh lấy vợ, rồi có con trai đầu, ra ở riêng, phải tự bươn chải do cha mẹ nghèo. Đến năm 2006, vợ chồng anh có thêm đứa con gái là Cao Thị Hồng Ngọc thì số phận bi thương ập lên gia đình trẻ, ở khuất sâu trong chân núi Yang Sin hẻo lánh này. Khi mới sinh, khắp người cháu Ngọc da bị sưng phồng, lở loét, chảy máu mà không rõ nguyên nhân, phải đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) chữa trị. Nhưng sau vài ngày, bệnh viện trả về vì cho rằng đây là bệnh “tiêu da bẩm sinh” rất hiếm gặp, không thể chữa được.
“Họa vô đơn chí”, vào năm 2008, trong một lần đi mua thuốc cho con, vợ anh Cường là Trần Thị Hường bị một xe cày tông phải làm gãy 5 xương sườn, giập xương chậu và một đốt sống. Sau nhiều tháng điều trị tại Bệnh viện 175 (TP.HCM), chị Hường về nằm liệt giường ở nhà gần 3 năm qua, giờ muốn trở lại bình thường phải tốn kém không ít để giải phẫu lại vết thương.
Tiếp chúng tôi, Cường nghẹn ngào tâm sự: “Đất vườn để làm ăn phải bán cả nhưng hiện giờ vẫn còn nợ bà con, hàng xóm gần 70 triệu đồng, không biết lấy gì trả. Tôi bị bệnh dạ dày nhưng ai thuê mướn gì cũng gắng đi làm để kiếm chút tiền. Không biết cảnh khó này kéo dài bao lâu nữa?”.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)