Nhọc nhằn làng quất

05/01/2011 08:39 GMT+7

Cứ mỗi độ xuân về, người người lại dùng những cây quất mọng quả để trang hoàng nhà cửa, mấy ai biết, nghề trồng quất cũng nhọc nhằn lắm thay.

Tỉ mẩn chọn từng đoạn dây thép, khéo léo uống từng cành con, bà Hoa, chủ vườn quất Kiên Bộ ở Quảng Bá nói: “Nghề trồng quất bạc lắm, có khi kiếm được tí tiền nhưng cũng có năm thất thu, công sức cả năm thành công cốc”. Trận lụt năm ngoái, vườn quất nhà bà Hoa thiệt hại khá nhiều, nhiều cây thối rễ chết rũ, số còn lại cây xấu và quả nhỏ nên bán không được giá.

Tháng giêng là dịp người dân Quảng Bá lại nô nức dọn vườn, san đất mới để trồng vụ mới. Cây quất giống, hầu hết lấy về từ vùng Văn Giang, Hưng Yên thường còn rất nhỏ và muốn trở thành một cây quất đẹp ngày Tết cần rất nhiều công chăm sóc. Theo bà Phượng, chủ vườn quất Trưng Phượng thì khó nhất là khâu tạo dáng, đòi hỏi những người thợ khéo tay, sơ sẩy là gãy cành, hỏng cây như chơi.

Trong một vườn quất rộng, chúng tôi gặp một thanh niên tên là Lượng, đến từ Hưng Yên đang tỉa cành cây, cắt lá. Anh Lượng cho hay, thường thì người Quảng Bá tự làm những việc khó như thế này, nhà không có người làm mới thuê người cắt tỉa. Hàng năm, từ tháng 7 anh Lượng lại cùng một số người ở quê lên làng quất cắt lá tỉa cành thuê, đến rằm tháng chạp thì nghỉ. “Để tỉa được một cây mất hàng tiếng, mỗi ngày cùng lắm chỉ làm được 6 cây” anh Lượng cho biết thêm. Nhìn anh cần mẫn lấy từng mảnh thép nhỏ gò từng ngọn cây, từng tán lá để tạo dáng, mới biết công việc này khó khăn và tinh tế như thế nào.

Ông Trung, một người dân Quảng Bá đã sống cùng với nghề quất 40 năm là một trong số ít những người sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Muốn quất quả to và mọng thì ngày nào cũng phải tưới. Muốn quất chín đúng thời vụ thì khâu quyết định là “đảo quất”, cứ đến đầu tháng 5 phải đưa quất từ vị trí này sang vị trí khác, kết hợp bón phân để cuối tháng sẽ đậu quả và chín vào đúng dịp Tết”.

Vườn quất gần 1.000 m2 nhà ông Trung hiện có hơn 200 gốc quất, gồm cả quất con lẫn quất thế cùng vài chục gốc cam lẫn bưởi, lan tỏa mùi hương bưởi Diễn hòa quyện hương quất tươi mát. Chỉ từng gốc quất, ông Trung có thể kể rành rọt lý lịch, từ tuổi đời cũng như công chăm bón như thế nào, với một cây quất lớn ở cuối vườn, ông bảo: “Cây quất này hơn 20 tuổi, năm ngoái đã bán 12 triệu, hết tết họ lại nhờ mình chăm sóc để năm nay chơi tiếp”.

Theo ông Trung, năm nay nắng ít mưa nhiều nên quất không được mọng quả. Giá quất sẽ nhỉnh hơn năm ngoái tầm 10% vì giống quất và vật tư đồng loạt tăng giá. Trung bình một cây quất con tầm 1-2 triệu, quất thế từ 2 triệu trở lên, tùy theo từng cây xấu, đẹp mà có các mức giá khác nhau. Thế nào là cây quất đẹp, ông Trung nói: “Quất đẹp là quất tứ quý, ngoài dáng đẹp thì cây ấy phải đảm bảo bốn tiêu chí: có cả quả vàng lẫn quả xanh, vừa có hoa vừa có lộc. Nên đi chọn quất vào ngày có nắng, nhìn sẽ “thật quất” hơn, dễ tìm được cây quất đẹp hơn.

Nói rồi, ông Trung tất tả kéo ống nước đi tưới cây. Tưới hết vườn quất này sẽ mất 2 tiếng đồng hồ. Đứng giữa vườn quất trong gió rét 13 độ, mặc bao nhiêu áo mà chúng tôi vẫn còn run, nhưng những người trồng quất Quảng Bá như ông Trung vẫn làm việc không ngơi nghỉ. Thế mới biết, dù thương hiệu quất Quảng Bá đã khiến người chơi tìm đến tận vườn để đặt hàng, nhưng công việc của những người trồng quất cũng vất vả, cực nhọc lắm thay!

Trang Thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.