Xác xơ làng hoa lài
Các phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, An Phú Đông (Q.12) trước đây nổi tiếng với nghề trồng hoa lài cung cấp cho toàn thành phố. Hoa lài không để trưng mà chủ yếu dùng ướp trà.
Thời vàng son, vào những tháng giáp Tết, hàng lớp xe gắn máy chở theo hoa lài nườm nượp đổ ra các chợ đầu mối. Cuộc sống của những nông dân chân lấm tay bùn vì thế cũng đỡ cơ cực. Nhưng mấy năm nay, triều cường mỗi năm đạt mức kỷ lục mới cộng với bờ bao kênh rạch thường xuyên bị bể, khiến người dân quá vất vả với nghề. Thời điểm này, khó có thể kiếm được vườn lài nào ngay chính nơi từng là “thủ phủ” của nghề trồng hoa lài ướp trà nức tiếng một thời.
|
Những người tích lũy vốn nhiều chuyển sang nghề trồng lan, mở trại nuôi cá sấu. Lan được trồng trong nhà kính, áp dụng những tiến bộ sinh học hiện đại, chuyên nghiệp không khác mấy so với nhà vườn Đà Lạt. Trồng lan cũng đỡ lo “giặc nước” cứ mỗi tháng ít nhất một đợt hoành hành dữ dội ngập trắng những thửa đất vườn. Còn nghề nuôi cá sấu đòi hỏi công phu hơn và luôn nơm nớp những con nước dâng cao có thể làm những chú cá sấu răng, nanh lởm chởm, gớm ghiếc xổng chuồng thoát ra kênh rạch gây họa cho người dân.
Những người ít tiền thì lầm lũi với nghề trồng rau má, hành ngò, thả cá đồng… nhưng cũng không yên. Chị Nguyễn Thị Liên (khu phố 1, phường An Phú Đông, Q.12), nhà ở men rạch Cầu Võ, chua chát: “Cứ có vốn là gieo hạt, mở thêm đất trồng nhưng triều cường tháng nào cũng dâng cao, chảy mạnh làm vỡ bờ bao rạch Cầu Võ. Nước cứ xâm xấp quanh năm, suốt tháng làm rau úng nước”.
Chỉ tay qua phía bờ bên kia, nơi có bãi khai thác cát sông luôn rầm rập tiếng xe cơ giới, chị Liên bức xúc: Từ khi bãi cát hình thành, sà lan trọng tải lớn chạy nườm nượp qua con kênh hẹp khiến bờ bên này sạt lở nghiêm trọng, dòng chảy cũng thay đổi ngoạm dần mảnh đất nhà nông vốn đã hẹp do quá trình đô thị hóa.
Mai nở sớm
Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, nhưng lác đác trong vườn Út Cao (phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM), những đóa mai vàng đã nở toe toét. Người làm nhà ông Út Cao bỏ dở công việc chăm sóc hồ cá cảnh chuẩn bị bán vào dịp Tết quay sang tiếp chuyện: “Ông Út Cao đã đi Tiền Giang mấy hôm nay “tuyển” mai về bán Tết”.
Nghe thật không lọt tai, bởi xưa nay vườn Út Cao nổi tiếng nhất nhì ở Hiệp Bình Chánh, nơi chuyên trồng mai hàng chục năm nay. Mai Út Cao không chỉ được bày bán, bỏ mối ở các tỉnh Nam Bộ, TP.HCM mà còn theo xe tải ra tận các tỉnh phía Bắc, nơi luôn có những vị khách muốn ngắm những cánh mai vàng dịp Tết, đặc trưng của đất phương Nam.
|
Lý giải về hiện tượng mai vàng nở sớm, anh Nguyễn Văn Đực (chủ vườn mai Út Đực, phường Hiệp Bình Chánh) đổ cho những cơn mưa muộn. Anh cho biết, hiếm năm nào đến gần Tết mà vẫn còn những cơn mưa như trút nước. Mai gặp nước cứ nở ào ào, còn chủ vườn chỉ biết mếu máo.
Theo nghề cha truyền con nối hơn 20 năm nay, anh Út Đực gần như đã sống và hưởng trọn với nghề. Căn nhà tường gạch, mái ngói khang trang, xe gắn máy, tivi, tủ lạnh, vợ con đề huề… là “lộc” mà nghề trồng mai mang lại cho anh. Nhưng thật chua xót khi nghe anh tâm sự: “Tui tính bán đất trả nợ, rồi bỏ nghề xoay sang nghề khác sống”.
Trong bữa cơm muộn vì bận đánh vật từ sáng sớm đến xế trưa với vườn mai, anh quay sang nói với tôi: “Không như hoa lan, cây mai cần nắng, cần không khí nên không thể cho mai vào “nhà lồng” được. Tui cũng đã thử, tham khảo qua nhiều cách trồng nhưng đều thất bại. Ông anh tui đã bán mấy sào đất để trả nợ. Tui nản cũng tính bỏ nghề nhưng ổng cứ khuyên nên gắng gượng”.
Thời tiết thất thường, nước ngập liên miên hành anh Út Đức, chị Liên và nhiều chủ vườn ở Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (Q.12)… nhiều năm nay.
Trong vườn nhà anh Út Đực, hàng trăm chậu mai lứa nở sớm vì trúng mưa, lứa đang phải khốn đốn với cơn bệnh lạ. Anh cho biết, những con sâu nhỏ như rận chó cứ ăn dần, ăn mòn đọt mai làm cho lá cây nham nhở rồi chết dần. Thứ sâu này ác nghiệt ở chỗ, dùng thuốc sinh học nồng độ cao xịt vào thì chúng tạm ngưng một vài ngày, sau đó lại xuất hiện và càng cắn, phá dữ hơn.
Theo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đỉnh triều tiếp tục duy trì ở mức cao trong ngày 5 và ngày 6.1. Thời gian đỉnh triều xuất hiện vào buổi sáng từ 4 giờ đến 5 giờ và chiều từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ. Cụ thể, tại trạm Phú An: ngày 5.1, mực nước là 1,32 m, trên báo động I và ngày 6.1 là 1,35 m trên báo động I. Tại trạm Nhà Bè: ngày 6.1 là 1,31 m.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão TP.HCM cũng lưu ý, trong thời gian triều cường còn có khả năng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh (gây ra gió mùa Đông Bắc) nên nếu gặp tổ hợp bất lợi: kết hợp giữa triều cường với gió mùa Đông Bắc mạnh thì mực nước đỉnh triều sẽ còn đột biến dâng cao hơn. |
Trần Duy
Bình luận (0)