Vatican chống rửa tiền

05/01/2011 08:13 GMT+7

Giáo hoàng Benedict XVI vừa thành lập cơ quan kiểm soát tài chính, ra một loạt luật mới nhằm chống nạn rửa tiền và hành vi hỗ trợ tài chính cho khủng bố.

AFP mô tả đây được coi là bước ngoặt lớn trong quy định tài chính của Vatican, phù hợp với các quy định của Liên minh châu u (EU). Các luật mới này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-4.

Cơ quan kiểm soát tài chính cùng những luật mới được ra đời trong bối cảnh Ngân hàng Vatican đang bị điều tra do nghi ngờ rửa tiền. Tháng 9-2010, các công tố viên của Ý đã tịch thu 23 triệu euro tại chi nhánh một ngân hàng thương mại của Ý ở quảng trường Thánh Peter, điều tra chủ tịch và phó chủ tịch Ngân hàng Vatican sau khi ngân hàng Ý thông báo nghi ngờ chi nhánh này đã rửa tiền do khoản tiền 23 triệu euro không có tên người gửi hay tên người nhận. Phía Vatican cho rằng đây chỉ là tai nạn do có hiểu lầm từ phía ngân hàng hoặc nhân viên của Vatican. Với luật mới, Vatican tuyên bố muốn cùng với các nước khác bịt lỗ hổng pháp lý để không bị lợi dụng trong lĩnh vực tài chính.

Trong nhiều thế kỷ qua, việc Vatican giao dịch tài chính ra sao là chuyện bí mật, nhưng nay thì điều này phải thay đổi khi Vatican sẽ hợp tác với các cơ quan khác của châu u để đảm bảo tính minh bạch trong lĩnh vực nhạy cảm này. Vatican là trường hợp đặc biệt, vốn không chịu các điều chỉnh của quy định Ngân hàng Thế giới do không có ngân hàng thật sự.

Ngân hàng Vatican, tên chính thức là Viện các tác phẩm tôn giáo (IOR), có nhiệm vụ quản lý các tài khoản của giáo hoàng, các hồng y và các quan chức tôn giáo khác, và chỉ có một chi nhánh. IOR được tạo ra để quản lý tài sản phục vụ các công việc từ thiện và tôn giáo của giáo hoàng, nhưng cũng quản lý cả các máy rút tiền bên trong Vatican và hệ thống lương hưu cho hàng ngàn nhân viên tại Vatican.

Ngân hàng này không hoạt động công khai và danh sách các chủ tài khoản là điều bí mật. Với luật mới, IOR sẽ phải chịu sự điều chỉnh của các quy định minh bạch tài chính mới theo tiêu chuẩn của Liên minh châu u. Ngoài ra, Cơ quan điều hành Vatican - vốn có trách nhiệm quản lý các cổ phần bất động sản khổng lồ của giáo hoàng, thậm chí các nhà thuốc, bảo tàng, kênh truyền hình - cũng chịu sự điều chỉnh này. Các tổ chức tài chính quốc tế nhận định với những luật mới, Vatican đang đi đúng hướng.

Cơ quan kiểm soát tài chính của Vatican hoạt động độc lập, có trách nhiệm đảm bảo mọi giao dịch tài chính của Vatican phải phù hợp với các luật mới, chia sẻ thông tin với các tổ chức tài chính quốc tế. Cơ quan này có thể đóng băng các giao dịch bị nghi ngờ trong năm ngày và điều tra, chuyển thông tin cho các công tố tại Tòa án Vatican.

Luật mới cũng quy định hành vi hỗ trợ tài chính cho khủng bố là trái pháp luật, bị phạt tù từ 5-10 năm (đi tù ở Ý vì Vatican không có nhà tù); nhân viên Vatican tham gia việc buôn người, mại dâm hay buôn bán nội tạng người có thể phải lãnh án tù tới 20 năm. Thậm chí nếu làm ô nhiễm đất, nước hay không khí Vatican cũng bị tù 1-2 năm và phạt 52.000 euro.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.