Những quả thận Nepal trên đất Ấn

06/01/2011 00:57 GMT+7

Người nghèo Nepal đang trở thành mồi ngon cho những đường dây buôn lậu nội tạng sang Ấn Độ.

Cách đây 7 năm, anh nông dân Madhab Parajuli người Nepal phải đối mặt với một lựa chọn vô cùng cay nghiệt: mất đi mảnh đất nhỏ nhoi vì nợ chồng chất, hoặc bán thận cho một tay buôn nội tạng.

Trong cơn tuyệt vọng, Parajuli chấp nhận mức giá 100.000 rupee Nepal (27,1 triệu đồng) và phải sang Ấn Độ để mổ lấy thận, quyết định giờ đây khiến anh rất hối hận. “Tôi không được nhận tiền cho đến khi trở về Nepal, và rồi tôi chỉ được trả 1/3 số tiền được hứa hẹn”, người đàn ông 36 tuổi nói với hãng tin AFP tại làng Jyamdi, huyện Kavre, cách thủ đô Kathmandu 50 km về phía đông. “Dù gì thì tôi cũng mất luôn mảnh đất. Nếu biết trước tình cảnh bây giờ, tôi sẽ không bán đi quả thận của mình”, Parajuli ngậm ngùi.

Parajuli bị gia đình từ bỏ sau khi mất hết tài sản. Anh đang kiếm ăn từng bữa bằng những công việc tay chân ai thuê gì làm nấy, nhưng việc thiếu một quả thận khiến người đàn ông trông rất phờ phạc này gần như không kham nổi những việc nặng nhọc. “Có lúc tôi thấy đau nhói bên này”, anh vừa nói vừa chỉ vào vết sẹo dài 15 cm bên hông phải.

Người bán nội tạng không có lối thoát nào ở Ấn vì họ thường không hiểu ngôn ngữ và không có quyền mặc cả 

Chuyên gia xã hội học Ganesh Gurung

Luật pháp lỏng lẻo và những cú lừa

Theo luật Nepal, chỉ có người thân của bệnh nhân mới có quyền hiến thận. Luật Ấn Độ thì lỏng lẻo hơn, chấp nhận người lạ hiến thận nhưng phải được một ủy ban y khoa chấp thuận. Tuy nhiên, quá trình thẩm định này thường bị bỏ qua, theo AFP.

Ngôi làng nghèo khổ Jyamdi trở thành trung tâm mua bán nội tạng do gần Kathmandu và biên giới với Ấn Độ. Phần lớn dân làng là những nông dân tự cung tự cấp nhưng nhiều người không thể sản xuất lương thực đủ dùng cho cả năm, và buộc phải “nhắm mắt” nghe theo lời dụ dỗ của các tay buôn lậu nội tạng.

Cựu trưởng làng Krishna Bahadur Tamang cho biết bọn săn “hàng” thường rảo quanh ngôi làng để tìm kiếm những người nghèo khổ như Parajuli. “Người dân ở đây nghèo và ít học vì vậy dễ bị thuyết phục. Nhưng trong phần lớn trường hợp, họ chỉ nhận được một phần rất nhỏ số tiền thỏa thuận trước đó”, ông nói. Một cuộc thăm dò do một tổ chức phi chính phủ thực hiện hồi năm 2009 cho thấy có 300 người bán thận ở huyện Kavre. Không có thống kê chính thức, nhưng nhiều người tin rằng con số thực cao hơn nhiều.

Ngoài ra, một số người bị dụ sang Ấn Độ bằng những lời hứa giới thiệu việc làm và chỉ biết được mục đích thật sự của chuyến đi khi đã băng qua biên giới. Đó là những gì đã xảy ra với Mohan Sapkota. Ban đầu người ta nói với Sapkota rằng anh sẽ được trả tiền để đi theo một bệnh nhân thận người Nepal đến Ấn Độ để chữa bệnh. Anh này bắt đầu nghi ngờ khi tay buôn nói anh sẽ phải thử máu và kiểm tra sức khỏe trước khi đi. Khi đến thành phố Chennai, miền nam Ấn Độ, người đàn ông 43 tuổi vô cùng hoảng hốt khi biết mình sẽ phải bán thận. Đang ở trên xứ người, giấy tờ đều bị bọn buôn nội tạng giữ hết cộng thêm những lời đe dọa khiến Sapkota buộc phải nghe theo.

Thận Nepal cho người Nepal

Chuyên gia xã hội học Ganesh Gurung đã tiến hành nghiên cứu về nạn buôn lậu nội tạng ở huyện Kavre. Ông cho biết một khi đã sang đất Ấn, các nạn nhân không còn lựa chọn nào khác. “Người bán nội tạng không có lối thoát nào ở Ấn vì họ thường không hiểu ngôn ngữ và không có quyền mặc cả. Đến khi trở về làng, nhiều người lại phung phí tiền bán nội tạng vào những cuộc rượu chè”, ông nói.

Nhiều đường dây buôn nội tạng ở Ấn Độ phục vụ những người nước ngoài nhưng phần lớn những quả thận từ Nepal trong thực tế được ghép cho chính người nước này. Ông Rishi Kumar Kafle, Giám đốc Trung tâm Thận quốc gia Nepal, cho biết: “Do pháp luật nghiêm cấm nên những ai muốn tìm người hiến thận bên ngoài phải sang Ấn Độ”.

Theo bác sĩ Kafle, tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất y tế ở Nepal đồng nghĩa với việc bệnh thận thường bị phát hiện lúc quá trễ, khiến bệnh nhân buộc phải chọn thực hiện ghép thận bất hợp pháp. Việc thực thi luật pháp yếu kém của Nepal và biên giới mở với Ấn Độ tạo điều kiện cho nhưng kẻ buôn nội tạng “ăn nên làm ra”. Có thông tin cho biết một quả thận có thể được bán với giá 20.000 USD trên thị trường chợ đen. Cảnh sát Nepal nói việc bắt giữ do những tay buôn nước ngoài gặp nhiều khó khăn nhưng nông dân địa phương cáo buộc chính quyền làm ngơ trước tình trạng này. Hồi tháng 2.2008, Amit Kumar, cầm đầu một đường dây buôn thận bất hợp pháp ở bang Hayana của Ấn Độ, đã bị bắt tại Nepal. Tuy nhiên, đây không phải là chiến tích của cảnh sát nước sở tại mà là phi vụ do các nhân viên mật vụ Ấn Độ thực hiện, theo tờ Indian Express.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.