Bệnh do nhiễm ký sinh trùng tăng vọt

07/01/2011 09:10 GMT+7

Tại thời điểm này, số lượng bệnh nhân đi khám bệnh do nhiễm ký sinh trùng đã tăng cao so với đầu năm 2010.

Bộ Y tế vừa cho biết đã tìm ra “sát thủ” gây ra vụ 23 người dân của xã Ia Nhin, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai ngộ độc ngày 22-8-2010 là do ký sinh trùng (KST) mang tên giun móc chứ không phải vì ăn phải thịt trăn lạ như một số cơ quan báo chí thông tin.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, số lượng ca bệnh đến khám do nhiễm KST đang tăng vọt tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.
 
Giun chui vào não
 
Ông C.T.T (ngụ Phú Thọ) đến bệnh viện điều trị vì mắc một chứng bệnh khá lạ. Da dẻ toàn thân bong tróc lở loét như cơm cháy, mặt mũi biến dạng, phù nề, đã điều trị từ tây y đến đông y nhiều năm ở nhiều bệnh viện mà bệnh không khỏi.
 
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, ông T. được xác định bị nhiễm nấm da do Aspergillus sp - một loại KST sống trong các loại thực phẩm hữu cơ bị phân hủy như tinh bột, ngũ cốc bị mốc, bãi rác... và xâm nhập vào cơ thể từ phổi ra da. Sau khi được điều trị bằng thuốc đặc trị trong vòng 2 tháng, bệnh tình của ông đã thuyên giảm. Ngày 5-1, ông tiếp tục quay lại bệnh viện để tái khám. 
 
Anh L.T.Đ (22 tuổi, ngụ Tiền Giang), sinh viên trọ học ở một quận ngoại thành TPHCM. Trong một đêm mưa, Đ. cùng người bạn lai rai với mồi là gỏi ốc sên. Ngày hôm sau, cả hai bị đau bụng, sốt, đau đầu dữ dội.
 
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cả hai bệnh nhân được điều trị tích cực song thần kinh của một người do bị tổn thương quá nặng nên vẫn có những dấu hiệu không bình thường, lớ ngớ. 
 
Riêng Đ. thì mê man hơn một năm qua. Bác sĩ Hồ Đặng Trung Nghĩa, Khoa Nhiễm Việt – Anh, cho hay sức khỏe của bệnh nhân Đ. được tiên lượng rất xấu, khó phục hồi, chỉ thở máy bảo tồn.  
 
Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây bệnh cho hai bệnh nhân nói trên chính là do nhiễm giun tròn Angiostrongylus cantonensis. Loài KST này sống ký sinh trên động mạch phổi của chuột (cả chuột đồng và chuột nhà).
 
Ấu trùng giun theo phân chuột ra ngoài rồi ký sinh trên rau, ốc bươu, ốc sên. khi người ăn rau sống có nhiễm ấu trùng hoặc ăn ốc sống, ốc tái có chứa ấu trùng, KST vào ruột sẽ xuyên qua vách ruột, theo máu lên não gây bệnh cảnh viêm não, màng não. VN là vùng dịch tễ của KST này nên có rất nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh, nhất là vùng ven TPHCM và ĐBSCL.
 
Mỗi năm nhận khoảng 8.000 ca
 
TS-BS  Trần Phủ Mạnh Siêu ở phòng khám Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết hiện nay có hàng chục loại KST phổ biến dễ mắc trong cộng đồng như giun đầu gai, sán lá gan, giun đũa chó, sán dãi heo, sán dãi bò... Các loại KST này tiềm ẩn khắp nơi từ thực phẩm hằng ngày (cá lóc, ếch, rắn, lươn, ốc...) tới vật nuôi thú cưng (chó, mèo). 

Rau sống ở quán ăn rất bẩn

Kết quả khảo sát nghiên cứu của Bộ môn Ký sinh trùng – Vi nấm học Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện đối với rau sống tại 100 quán ăn trên địa bàn TPHCM cho thấy 72% nhiễm KST. Các loại rau sống này được sử dụng để ăn hủ tiếu, bún bò, phở, bún riêu, bún mắm, mì quảng... Tỉ lệ nhiễm KST ở quán đường phố cao gấp 2,4 lần so với quán trong nhà. Các loại KST bị nhiễm nhiều nhất là trùng lông, trùng roi, bào nang amip (E.histolytica, E.coli), ấu trùng giun (giun móc, giun đũa, giun đũa chó)...


 
Đa số bệnh nhân nhiễm giun qua đường ăn uống. Khi cơ thể bị nhiễm giun Angiostrongylus cantonensis,  KST này sẽ gây triệu chứng nhức đầu dữ dội, nôn ói, suy hô hấp, nếu nặng thì gây  tử vong. Nếu nhiễm giun Gnathostoma sp thì sẽ gây áp xe di chuyển ngoài da. Nếu bị nhiễm KST gạo heo thì cơ thể sẽ có các nốt gạo heo dưới da, đau và cứng. 
 
Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám các bệnh do nhiễm KST tăng đột biến. Trước đây vài tháng, mỗi ngày chỉ có 10-20 bệnh nhân đến khám thì hiện có ngày con số này lên đến 70. Thống kê trong năm 2010, bệnh viện này đã tiếp nhận khoảng 8.000 bệnh nhân.
 
Phân tích theo địa phương và căn cứ dịch tễ thì thấy các tỉnh từ miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai) trở vào có tỉ lệ bị áp xe gan do sán lá lớn ở gan cao nhất.
 
Các tỉnh miền Đông Nam Bộ có nhiều bệnh nhân bị giun lươn, giun móc do ấu trùng giun lươn sống trong các vùng nước đọng, ao hồ. Tại TPHCM, các vùng có nguy cơ nhiễm các loại KST cao nhất là quận Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.
 
Các bác sĩ khuyên muốn phòng ngừa các bệnh do nhiễm KST thì cách duy nhất là phải ăn chín uống sôi, hạn chế những thói quen không có lợi cho sức khỏe như ăn gỏi cá sống, rau sống; vệ sinh môi trường sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn, dùng nước sạch...

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.