Đồng hồ điểm 4 giờ 30 phút. Trời Lạng Sơn cuối năm âm u, sương muối giăng đầy khiến cái rét càng thêm tái tê. Giảm ga chiếc xe máy, chúng tôi lòng vòng tìm quán nước ven đường để quan sát hàng đoàn dân cửu vạn đang còng lưng gùi hàng, bò xuống từ các vách đá dựng đứng trên đỉnh Gốc Bưởi, Gốc Nhãn, nhưng bất thành. “Dọc suốt QL4B chạy qua thôn Khưa Đa (xã Tân Mỹ, H.Văn Lãng, Lạng Sơn) này, ông có tìm mỏi mắt cũng chẳng tài nào kiếm nổi hàng quán, nhà nghỉ, khách sạn… để dừng chân”, Thành, một người có kinh nghiệm 5 năm chuyển hàng thuê ở Thụy Hùng (H.Cao Lộc, Lạng Sơn) nay đã giải nghệ, đi cùng tôi, tiết lộ.
“Chỉ tính riêng trong tháng 12.2010, lực lượng chúng tôi bắt được tổng cộng 65 vụ buôn bán hàng lậu, trị giá hàng hóa tịch thu gần 1 tỉ đồng, phạt hành chính 288 vụ, nhưng cũng chỉ như muối bỏ biển”. (Ông Hoàng Văn Sơn, Phó trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn) |
Cũng theo lời Thành, ngay sau khi hàng lậu mang vác qua biên giới, hàng được xé lẻ tập kết tại hàng loạt những ngôi nhà của người dân Khưa Đa mọc san sát bên QL4B.
Những ngôi nhà hai cửa
Dân đánh hàng lậu Lạng Sơn đều gọi những ngôi nhà xây bằng ba-vanh (gạch không nung) mọc lên san sát dọc theo QL4B là nhà hai cửa. Bởi, cửa trước và sau đều to như nhau. “Cửa trước hướng ra mặt đường, thường chỉ mở khi có ám hiệu quen. Trong khi cửa sau hướng về phía dãy núi luôn mở toang để nhận hàng từ trên núi xuống hoặc tẩu tán hàng mỗi khi lực lượng kiểm tra”, vừa nói Thành vừa dẫn tôi vòng qua lối mòn nhỏ tới nhà một “đồng nghiệp” cũ của Thành tên A.V.
Căn nhà của A.V tuềnh toàng, chẳng có gì ngoài hai cái giường ngủ, chiếc tủ đựng quần áo, chiếc tivi. Quan sát kỹ hơn, cuối căn nhà, nơi gần cửa sau thấy chất đống năm, sáu thùng các-tông to cỡ chiếc tủ lạnh. “Phành... phành...”, tiếng xe máy nẹt pô cửa trước, A.V bước ra mở cửa. Trong tích tắc, chiếc xe Wave lao một mạch tới phía cửa sau, nơi chất đống hàng. Không đến 5 phút, ba kiện hàng được chất lên xe. Tiếng huýt sáo phía ngoài QL4B vang hai lần, cửa trước nhà A.V mở toang, chiếc xe Wave lao đi mất dạng.
Qua câu chuyện giữa A.V và Thành, tới thời điểm hiện tại dân dưới xuôi kéo lên Khưa Đa làm cửu vạn theo diện tạm trú trên 500 người, đông gấp 3 lần dân trong thôn. Còn dân cửu vạn luân chuyển thì đông không đếm xuể. Theo A.V, những ngày cuối năm, bà con trong thôn lũ lượt theo nhau vượt Gốc Bưởi, Gốc Nhãn sang đất Trung Quốc gùi hàng thuê. Tính ra, mỗi ngày gùi hàng thuê, hai vợ chồng A.V cũng kiếm được không dưới 600.000 đồng.
Nhà hai cửa của người Khưa Đa |
“Chim lợn” và những chiếc Su “cóc”
Sau sự kiện Hang Dơi bị “đập”, hàng lậu không còn được tập kết về TP bằng xe Minsk. Thay vào đó là những chiếc Su “cóc” 7 chỗ, còn lại số ít bằng xe Wave hoặc Dream. Thành cho biết, hiện ở TP Lạng Sơn, huyện Cao Lộc và Văn Lãng có cả trăm chiếc Su “cóc”, trong đó có nhiều xe biển số giả vận chuyển hàng lậu. Mỗi chiếc Su “cóc” chuyển được trên 1,5 tấn hàng. Điểm nóng tập kết là khu Kéo Tào hay tổ 9 thuộc P.Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn.
23 giờ 30, QL1A mới đoạn chạy qua TP Lạng Sơn vẫn ầm ầm tiếng những chiếc Su “cóc” chạy hàng. Theo lời Thành, những chiếc Su “cóc” khi chạy mà lật toàn bộ hai băng ghế sau lên, đích thị là xe chuyển hàng lậu. Quả đúng như lời Thành, suốt quãng đường từ TP tới thị trấn Đồng Đăng, tôi đếm được hơn năm chục chiếc Su “cóc” như vậy ào ào chạy qua. Trong suốt quá trình chuyển hàng, những chiếc Su “cóc” luôn được đội quân “chim lợn” thông báo tình hình hoạt động của lực lượng chống buôn lậu.
0 giờ 15 phút, tới khu vực thôn Khuẩy Mươi, thuộc xã Thụy Hùng, H.Cao Lộc (một trong những điểm tập kết hàng lậu có tiếng), phát hiện gần chục chiếc Su “cóc” lẫn xe Wave nối đuôi nhau chạy bằng ánh sáng đèn gầm trên đường 1 cũ, tôi vội đánh lái bám theo. Được chừng nửa cây số, phát hiện ra bóng chiếc Exciter 135 cc vượt lên, rồi cắt ngang thì mọi việc đã muộn. Chiếc Dream chở tôi cùng Thành đột ngột mất lái, buộc phải dừng lại ven đường, lốp sau găm tới 3 miếng sắt nhọn uốn cong.
Ngồi vá xe dưới ánh đèn đường, Thành kể đám “chim lợn” được coi là cánh tay phải của chủ hàng và đều là người bản địa. Lương “cứng” hằng tháng của một “chim lợn” không dưới 10 triệu đồng.
Vận chuyển hàng lậu về thành phố bằng Su “cóc” |
Đường đi của hàng lậu
Ông Hoàng Văn Sơn, Phó trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn, cho biết gần tết, hoạt động buôn lậu hàng từ Trung Quốc về VN trên địa bàn tỉnh ước tăng khoảng trên 3 lần so với bình thường và diễn biến phức tạp. Mốc 05 - 06, Kéo Kham, Khưa Đa, Gốc Nhãn, đường 386... là những điểm nóng. “Hàng” được ưa chuộng dạo này là đồ tạp hóa, gia dụng, quần áo, pháo, dao kiếm...
Hàng từ bên kia biên giới sau khi được đưa xuống núi nhanh chóng tẩu tán rồi lại tuồn về khu tập kết trong nội địa. Lúc này, theo ông Sơn, hàng lậu được “phù phép” bằng các hóa đơn do những hộ kinh doanh phát hành, rồi “lên xe” túa đi tiêu thụ ở khắp nơi… Ngoài ra, dân buôn lậu còn tuồn hàng qua con đường nhập khẩu chính thức bằng cách ghi không đúng chủng loại, găm hàng lậu vào các thùng hàng hóa khác…
Hiện các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan, QLTT đang quyết liệt triển khai các biện pháp chặn bắt hàng lậu. 15 lán dã chiến được dựng và cắt cử lực lượng liên ngành canh gác 24/24 giờ trong ngày tại các điểm “nóng”. Tuy nhiên do địa hình biên giới hiểm trở, nhiều đường mòn, lực lượng lại mỏng, nên việc ngăn chặn hàng lậu xâm nhập vào nội địa gặp rất nhiều khó khăn.
Tang vật của một vụ buôn bán pháo lậu - Ảnh do QLTT Lạng Sơn cung cấp |
Hà An - Quang Duẩn
Bình luận (0)